Chàng tí hon trở về từ tàu Hòa Bình

05/10/2008 21:37 GMT+7

28 tuổi, cao chưa đầy 1m, nặng 20 kg, hiện đang dạy cơ điện, vừa trở về từ tàu Hòa Bình" - đó là những thông tin chúng tôi nắm được trước khi gặp Nguyễn Ngọc Phương (Quế An, Quế Sơn, Quảng Nam)...

Kỳ tích

Cách đây 28 năm, trong căn nhà nhỏ nằm ven núi ở vùng quê nghèo Quế An, có đôi vợ chồng trẻ đón đứa con chào đời với những giọt nước mắt xót xa. Bé sơ sinh chỉ dài 20 cm, nặng 0,8 kg. nén nỗi buồn, họ quyết tâm chăm bẳm đứa con nhỏ nhắn và đặt tên là Nguyễn Ngọc Phương. Đến hơn 3 tuổi, Phương vẫn chưa biết đi, chỉ nằm hoài một chỗ, nhưng miệng lúc nào cũng cười nói, biết làm vui lòng người lớn. 7 tuổi, Phương khát khao được biết mặt chữ và cũng được cha mẹ đáp ứng. Hằng ngày, theo bạn bè, Phương phải vượt qua 5km đường núi khúc khuỷu, lội qua một con sông rộng để đến trường học. Mỗi bước đi của Phương chỉ bằng 1/3 bước chân của bạn cùng lứa, nên lúc nào Phương cũng phải đi như chạy mới theo kịp. Nhiều khi vấp ngã, chúi xuống những mặt đường lởm chởm gai góc, nhưng Phương nén đau, lập tức đứng dậy để không trễ nải, để bạn bè không phải chờ lâu. Ở lớp, bàn ghế không phù hợp với vóc dáng nhỏ bé của Phương, nên ngày nào đi học Phương cũng cõng theo chiếc ghế xếp. Sự học đối với Phương, là một cách thức làm đổi thay cuộc đời mình.

Khi vừa nhận biết mặt chữ cũng là lúc ngôi trường dời sang một địa điểm mới, xa nhà hàng chục km. Không còn cách nào khác, cha mẹ Phương thuyết phục con trai nghỉ học, ở nhà để tiện lo cho sức khỏe và bảo đảm một cuộc sống an toàn. "Suốt 6-7 năm trời, ngày nào cũng chỉ lẩn quẩn trong nhà, giúp đỡ cha mẹ làm những việc lặt vặt. Rồi sự nghèo khổ, túng thiếu của gia đình càng khiến mình thấy bất lực vì không giúp được gì cho cha mẹ. Những lúc ấy chỉ nghĩ duy nhất đến cái chết. Nhưng rồi nghĩ, nếu cha mẹ không muốn mình sống thì đã cho mình chết từ khi chào đời, nên phải gắng gượng mà sống!". Phương ngân ngấn nước mắt trong khi lần giở lại trang nhật ký của cuộc đời mình.

 

Phương tại buổi giao lưu với bạn bè quốc tế trên tàu Hòa Bình (ảnh do Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng cung cấp)

Quyết tâm đi làm kiếm tiền nung nấu trong lòng Phương. 15 tuổi, cậu rời nhà xuống thị trấn Đông Phú bắt đầu làm công việc bơm quẹt ga kiếm tiền phụ giúp gia đình. Rồi dần dà, cậu học thêm được nghề sửa đồng hồ. Là học trò sáng dạ nên lập tức Phương được nhận vào làm tại tiệm sửa đồng hồ của thầy Thi ở thị trấn Đông Phú. Với thu nhập lúc ấy, Phương đã có thể tự lo cho bản thân, lại có tiền gửi về cho gia đình. Bấy giờ Phương mới thực sự thoải mái, lạc quan và tự tin. Nhưng tất cả chỉ mới là khởi đầu...

Chuyến đi "bão táp"

Không chịu dừng lại dù cuộc sống tương đối ổn định, Phương nuôi ý định vào TP.HCM tìm kiếm cơ hội. Ngày Phương thông báo ý định vào Nam, mẹ Phương khóc ngất, ba thì thở dài vì biết tính thằng con trai đã quyết cái gì thì làm cho bằng được. Mẹ Phương chạy vạy hàng xóm mượn được 1 triệu đồng để cho Phương làm lộ phí. "Con cứ đi, cầm tiền mà tiêu. Tiêu hết mà không tìm được việc làm thì cứ quay về, coi như đi chơi cho biết đó đây!", mẹ căn dặn. Năm đó, Phương tròn 20 tuổi.

"Mình không có nhiều thứ, nhưng mình có lý trí, có thể điều khiển được bản thân, biết nên và không nên làm gì" - Nguyễn Ngọc Phương

Đó thực sự là chuyến đi "bão táp" đối với Phương. Bình thường, di chuyển đã là một việc khó, giờ một mình leo lên chiếc xe đò, chạy một mạch ngàn cây số, lại còn say xe bí tỉ, tưởng chết đi được. Phương cắn răng chịu đựng mọi bất trắc trong chuyến đi. Vào TP.HCM, Phương bắt đầu tìm việc. Một người bạn thân cùng quê đang học tập ở đây (người bạn tên Mười mà trong suốt câu chuyện, Phương luôn nhắc đến với sự trìu mến - PV), tìm đến đăng ký giúp Phương ở các trung tâm tìm việc làm. May mắn mỉm cười với chàng tí hon khi ông Mai Thành Hoàng, chủ tiệm điện - cơ Cát Tín có tiếng ở TP.HCM, để mắt đến mẩu đăng ký xin việc ngắn gọn, đầy tự tin của một thanh niên chỉ cao chưa đầy 1m. Ban đầu, ông chủ hứa chỉ dạy nghề và nuôi cơm ăn. Thấy Phương cần cù, hằng ngày hay ở lại tiệm để học hỏi, tìm tòi trong khi mọi người làm xong về nhà, ông chủ cũng không ngần ngại truyền hết mọi bí quyết làm nghề cho cậu vào những đêm chỉ có hai thầy trò bên những phụ tùng, máy móc... Phương càng học càng say nghề. Ngày Phương ra nghề, ông chủ quyết định nhận cậu vào tiệm làm chính thức với mức lương của thợ tay nghề cao. Phương bắt đầu ra ngoài thuê nhà, mua xe máy, mua điện thoại di động và gửi tiền về cho gia đình đều đặn hơn.

Thông điệp trên tàu Hòa Bình

"8 năm sống ở TP.HCM, là ngần ấy năm trời mình sống trong sự tự tin để làm công việc mình yêu thích. Nhưng chỉ khắc khoải một điều, đó là nỗi nhớ quê hương không bao giờ nguôi. Vậy là mình quyết định về lại quê", Phương lý giải cho quyết định rời TP.HCM về lại miền Trung.

Dốc toàn bộ số tiền tiết kiệm bao nhiêu năm qua và nhờ cha mẹ vay mượn được hơn 30 triệu đồng, Phương bắt đầu xây dựng cửa tiệm riêng ở 341 đường u Cơ (P.Hòa Khánh Bắc, Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng). Mở cửa tiệm, đồng nghĩa với việc Phương gặp không ít khó khăn, vừa phải duy trì nguồn khách, vừa dạy nghề cho thợ, vừa phải đảm bảo cuộc sống của họ. Cửa tiệm ra đời đã gần 1 năm, cũng phải bù đầu này đầu kia vì chưa có khách hàng nhiều, nhưng cậu vẫn "gồng" mình chịu đựng. "Về quê rồi, mình nhận được nhiều thứ, nhưng cũng đối mặt với biết bao khó khăn, nhất là thay đổi lớn về thời tiết khiến cơ thể thường xuyên đau nhức; rồi ánh mắt lạ kỳ của người ở đây khiến mình luôn cảm thấy bất thường. Ở TP.HCM, mình không phải gánh chịu những điều ấy, mình luôn tự tin là mình. Nhưng, bao khó khăn mình đã vượt qua được, giờ những trắc trở đó nào có thấm gì!", Phương khoát tay khi tôi tỏ thái độ sẻ chia.

 

Chia sẻ với nạn nhân của vụ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản trong buổi giao lưu tại Đà Nẵng - Ảnh: Diệu Hiền

Cùng với việc mở cửa tiệm, Phương được mời về làm thầy dạy cho các em nhỏ của Trung tâm bảo trợ Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng. Ban đầu chỉ là hoạt động phong trào, nhưng càng về sau, Phương càng thấy yêu quý và gắn bó với công việc giảng dạy này. Học trò của Phương nhiều em đã thạo nghề, có thể phụ với thầy Phương sửa cái này, cái kia. Với khả năng chuyên môn cao, lại tâm huyết, Phương chính thức được nhận vào làm việc ở Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng, trở thành "người của Nhà nước" với chế độ lương bổng, bảo hiểm như các nhân viên khác. Đó như một giấc mơ diệu kỳ đã thành sự thật đối với chàng tí hon...

Và cũng từ công việc này, Phương đã cùng với đoàn nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng đặt chân lên tàu Hòa Bình và tham gia những hoạt động giao lưu đầy ý nghĩa với bạn bè quốc tế hồi tháng 9.2008. Phương đã kể cho bè bạn đến từ nhiều quốc gia như Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, Anh... nghe về hành trình của cuộc đời mình, về những điều mà Phương đã vượt qua trong cuộc sống, để khẳng định sự tồn tại của mình. Và tất cả mọi người trong hội trường đều bật khóc trước câu chuyện của Phương. Nhiều người chờ Phương bước xuống bên dưới sân khấu để được ôm và bày tỏ sự trân trọng, khâm phục chàng trai tí hon biết vượt qua nỗi đau của mình để chiến thắng nghịch cảnh.

Trên con tàu ấy, trước hàng ngàn bạn bè quốc tế, Phương cũng đã bày tỏ mong ước của mình về hòa bình: "Mong sao sau một giấc ngủ dài, tỉnh dậy, thấy mình vẫn còn nguyên vẹn, những người thân, bạn bè xung quanh mình vẫn còn ở bên mình, chứ không phải là những mất mát, đau thương". Thông điệp đó của Phương, một lần nữa, đã làm lay động trái tim bao người... 

Diệu Hiền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.