Lãnh đạo 4 nước có nền kinh tế lớn nhất châu u gồm Pháp, Anh, Đức, Ý đã nhóm họp khẩn cấp tại Paris (Pháp) hôm 4.10 để tìm giải pháp ngăn chặn ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính xuất phát từ Mỹ và đang tác động mạnh tới các ngân hàng châu u. Tuy nhiên, cuộc họp kết thúc mà ít có giải pháp cụ thể được đưa ra. Theo hãng tin Reuters, trong tuyên bố chung, các lãnh đạo cam kết sẽ làm mọi cách để bảo đảm tính bền vững và ổn định của hệ thống tài chính và ngân hàng châu u.
Kế hoạch thành lập quỹ cứu trợ cả gói trị giá hàng trăm tỉ USD cho hệ thống ngân hàng của cả EU theo mô hình 700 tỉ USD của Mỹ nhằm giải cứu các ngân hàng làm ăn thất bát đã không được đem ra bàn tại hội nghị. Đây là kế hoạch do giới chức Pháp đề xuất đầu tuần trước nhưng đã nhanh chóng bị các lãnh đạo Anh và Đức bác bỏ. Họ cho rằng các quốc gia cần hành động độc lập và các ngân hàng phải tự tìm cách cứu mình, theo hãng tin AP. Thay cho kế hoạch chung, các nước đã nhất trí với một "học thuyết" mới, theo đó "mỗi chính phủ sẽ hành động theo các biện pháp và phương cách riêng của mình nhưng dựa trên tinh thần phối hợp", như lời Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy.
Theo hãng tin BBC, các nhà lãnh đạo châu u đã nhất trí nới lỏng những quy định của EU liên quan đến việc hạn chế số tiền chính phủ các nước thành viên có thể hỗ trợ cho các công ty trong nước gặp khó khăn. Những quy định này đã được đặt ra nhằm đảm bảo sự cạnh tranh công bằng trong khối. Tuần qua, để đối phó với cơn bão khủng hoảng tài chính, một số nước trong EU đã bơm hàng tỉ USD để cứu các ngân hàng trong nước khỏi nguy cơ phá sản.
Tổng thống Sarkozy cũng đã đưa ra một số biện pháp đối phó, trong đó có xử lý các lãnh đạo ngân hàng gặp khó khăn. Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Sarkozy tiết lộ 4 nước đã thống nhất rằng lãnh đạo các ngân hàng được cứu nguy sẽ bị trừng phạt và các cổ đông sẽ gánh chịu một phần hậu quả. Theo ông Sarkozy, cơ cấu cấp tiền thưởng cho lãnh đạo các công ty cần được xét lại. Lâu nay, lãnh đạo các công ty thường có những cuộc "hạ cánh vàng" (tức được trợ cấp thôi việc với tiền thưởng và tiền bồi thường lớn dù họ có thể đã góp tay đẩy công ty vào ngõ cụt). Ngoài ra, lãnh đạo 4 nước cũng đã thông qua gói cứu trợ trị giá 32 tỉ euro (khoảng 44 tỉ USD), do Thủ tướng Anh Gordon Brown đề xuất, nhằm giúp các công ty nhỏ vượt qua cơn bão tín dụng hiện nay. Khoản cứu trợ này sẽ được lấy từ Ngân hàng Đầu tư châu u, theo hãng tin AFP.
Rõ ràng, cùng một mục đích đối phó khủng hoảng tài chính nhưng cách cứu trợ của các nước EU rất khác cách làm của Mỹ. Có lẽ EU cho rằng cách làm kiểu "của ai nấy lo" sẽ giúp tránh tạo thêm gánh nặng lên nguồn tài chính công của toàn khối, đồng thời giúp các nước tự mình dễ dàng vượt qua cơn bão hơn.
Dưới tác động của khủng hoảng tài chính, một số ngân hàng ở châu u có thể đã bị phá sản nếu không có sự can thiệp từ chính phủ các nước. Chẳng hạn, Chính phủ Bỉ, Luxembourg và Hà Lan đã rót 11,2 tỉ euro (khoảng 16 tỉ USD) vào Tập đoàn bảo hiểm và ngân hàng Fortis để mua 49% cổ phần của các công ty thuộc Fortis đóng tại 3 nước trên. Tập đoàn Ngân hàng Dexia được cứu sống với khoản tiền 6,4 tỉ euro (khoảng 9 tỉ USD) được bơm từ Chính phủ Pháp, Bỉ và Luxembourg. Ngân hàng Hypo Real Estate (HRE) của Đức tưởng đã thoát khỏi nguy cơ phá sản khi vay được hàng tỉ USD từ các ngân hàng tư nhân và được Chính phủ Đức cam kết một khoản tín dụng trị giá 35 tỉ euro (gần 50 tỉ USD). Tuy nhiên, HRE hiện đang tiến đến bờ vực phá sản sau khi các ngân hàng Đức rút khỏi chương trình cứu nguy khẩn cấp này. |
Châu Yên
Bình luận (0)