Đừng nói đến "chúng ta"
Tại chương trình đối thoại Nói và làm do HĐND cùng Đài truyền hình TP.HCM tổ chức sáng qua, Phó giám đốc Sở TN-MT Đồng Nai Phan Văn Hết cho biết từ nay đến cuối năm 2008, nếu khu công nghiệp (KCN) nào chưa xây xong hệ thống xử lý nước thải tập trung, thì tỉnh sẽ đình lại ngay. Về môi trường sông Thị Vải, ông Hết nói: "Việc khắc phục ô nhiễm sông Thị Vải là cực kỳ khó khăn..., nhưng chúng ta phải cố gắng cải tạo...".
Không đồng ý với cách trả lời chung chung của ông Hết, đại biểu HĐND TP.HCM Trương Trọng Nghĩa lên tiếng: "Xin hỏi "chúng ta" ở đây là ai? Tỉnh ủy, UBND, Sở TN-MT Đồng Nai, Vedan hay là dân? Giờ không còn là lúc có thể nói "chúng ta" nữa mà phải chỉ rõ trách nhiệm thuộc về ai? Là lãnh đạo cơ quan quản lý môi trường ở địa phương, anh tự xét trách nhiệm của mình trong vụ Vedan này đến đâu?". Ông Nghĩa vừa dứt lời, đại biểu HĐND TP.HCM Đặng Văn Khoa "nhồi" tiếp: "Trong vụ Vedan, dư luận phê phán doanh nghiệp một, nhưng nói trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương đến mười.
Luật Bảo vệ môi trường đã quy định rõ: Người đứng đầu tổ chức quản lý môi trường thiếu trách nhiệm, để xảy ra ô nhiễm nghiêm trọng thì tùy tính chất, mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự... Vậy trong vụ ô nhiễm sông Thị Vải, đã có cơ quan nào bị kiểm điểm và cán bộ nào từ chức không?". Ông Hết trả lời: "Chúng ta đang sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Hiện nay, chúng tôi chưa nhận được kết luận chính thức của đoàn kiểm tra vụ Vedan xả thải, nên xin phép không trả lời. Đợi đến khi có kết luận cuối cùng, thì tùy theo mức độ vi phạm, chúng tôi sẽ nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm theo đúng quy định pháp luật".
Sau câu trả lời của ông Hết, không khí buổi đối thoại "nóng" lên khi các đại biểu và cả PV báo chí có mặt tại trường quay liên tục truy vấn trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước tỉnh Đồng Nai xung quanh vụ Vedan xả thải. "Câu chuyện Vedan không chỉ mới đây mà nó đã kéo dài suốt 14 năm qua. Dân kêu, báo chí kêu, thiệt hại của người dân do ô nhiễm gây ra ai cũng thấy, chỉ cơ quan quản lý Nhà nước Đồng Nai không thấy hay còn có lý do nào khác?" - PV Thanh Niên hỏi, nhưng không có câu trả lời.
Hãy nghĩ đến con cháu mai sau
Quay về các "điểm nóng" môi trường tại TP.HCM, Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo lo lắng ô nhiễm không khí, nước, chất thải không những không được cải thiện mà còn đang suy thoái nghiêm trọng. Bà Thảo đúc kết: Sở dĩ có những địa danh nổi tiếng ô nhiễm như kênh Ba Bò, sông Thị Vải, kênh Thầy Cai - An Hạ... là do thiếu sự phối hợp của các địa phương liên quan.
Đại biểu Đặng Văn Khoa tiếp lời: "Tình hình nguy cấp như vậy mà Sở TN-MT TP.HCM đơn giản chỉ kiểm tra, xử phạt vài triệu đồng rồi bỏ qua là không thể chấp nhận. Dư luận đang đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước về môi trường phải có biện pháp mạnh hơn nữa"... Trước chất vấn này, Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM Đào Anh Kiệt cho rằng sau những vụ việc vừa qua, ngành đã rút ra được những kinh nghiệm sâu sắc và hứa từ nay đến cuối năm 2008 sẽ báo tin vui về những chuyển biến tích cực trong môi trường cho người dân TP. Ngoài ra, ông Kiệt cho biết cũng đang xin UBND TP cơ chế "đột nhập" như đoàn kiểm tra liên ngành 814 để kiểm tra bất ngờ những địa chỉ gây ô nhiễm được người dân tố giác.
Xung quanh thực trạng ô nhiễm nghiêm trọng tại kênh Thầy Cai - An Hạ, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Long An Nguyễn Văn Thiệp nói nguyên nhân gây ra ô nhiễm dòng kênh là do 30 doanh nghiệp (nhuộm, giấy...) tại KCN Tân Phú Trung (H.Củ Chi, TP.HCM). "Để dòng kênh có "nước xanh biêng biếc chẳng đổi thay dòng", tôi đề nghị cơ quan chức năng TP.HCM làm tốt hơn nữa công tác quản lý, xử lý triệt để các doanh nghiệp trực tiếp xả nước thải sản xuất chưa được xử lý xuống dòng kênh. Mong các vị hãy nghĩ đến con cháu chúng ta mai sau" - ông Thiệp hài hước, đồng thời đề nghị Bộ TN-MT xây dựng quy chế phối hợp liên vùng, lắp đặt các trạm quan trắc ở các khu vực, đoạn sông... để kịp thời phối hợp xử lý doanh nghiệp gây ô nhiễm.
Phân tích nguyên nhân để xảy ra các vụ ô nhiễm môi trường gây bức xúc trong dư luận thời gian qua, Giám đốc Sở TN-MT Bà Rịa - Vũng Tàu Đặng Như Hiển thẳng thắn thừa nhận do có lúc tỉnh đã không chú trọng đầu tư môi trường mà chỉ lo đầu tư kinh tế. "Doanh nghiệp thấy mình quy định về môi trường không chặt chẽ thì họ cũng lờ luôn. Trong khi chúng ta có thiếu sót trong hậu kiểm..." - ông Hiển nói. Bà Phạm Phương Thảo đồng tình, và chỉ ra không chỉ có hậu kiểm mà ngay cả tiền kiểm (trước khi kiểm tra cấp phép), các cơ quan chức năng thường làm không tốt, dẫn đến việc các doanh nghiệp vi phạm môi trường tràn lan.
Tháng 2.2009, kênh Ba Bò hết ô nhiễm ? |
Minh Nam
Ô nhiễm môi trường khủng khiếp quanh KCN Lê Minh Xuân (TP.HCM) ảnh: M. Nam
Bình luận (0)