Theo TS Bế Hồng Thu, đây là đợt tăng có vẻ bất thường vì trước đây những lần có nhiều bệnh nhân nhập viện do rắn cắn nhằm vào tháng bảy, tháng tám hằng năm, đúng mùa nước lên. Riêng năm nay đã vào tháng mười nhưng lại xuất hiện nhiều lượt bệnh nhân bị rắn cắn nhập viện. Tất cả bệnh nhân bị rắn cắn đang điều trị tại Trung tâm Chống độc đều ở tình trạng nguy kịch, buộc phải thở máy.
TS Thu cho rằng hiện tượng “trái mùa” này có thể bắt nguồn từ sự thay đổi thời tiết làm một số khu vực bị nước ngập tràn vào và do sự thay đổi của môi trường. Vì vậy, người dân cẩn trọng khi đi vào những khu vực ngập nước, không chủ quan thò tay vào những hang sâu... Các bác sĩ cũng khuyến cáo nếu bị rắn cắn thì bệnh nhân cần băng ép bên trên chỗ rắn cắn khoảng 5-10cm và đến cơ sở y tế gần nhất, không tự ý điều trị bằng các loại thuốc lá.
Trung tâm Chống độc đang thiếu trầm trọng huyết thanh kháng nọc của nhiều loại rắn như rắn cạp nia, rắn hổ chúa, rắn hổ đất... Nếu có huyết thanh kháng nọc, bệnh nhân có thể chỉ phải thở máy 5-7 ngày, trong khi không đủ huyết thanh kháng nọc cho điều trị bệnh nhân sẽ phải thở máy và nằm viện hàng tháng trời, chi phí rất tốn kém. Chưa kể tình trạng ngộ độc nặng có thể đi kèm với hiện tượng nhiễm khuẩn bệnh viện do nằm viện quá lâu, khiến bệnh nhân phải đối mặt với nhiều nguy cơ khó lường.
Trước nay, Bệnh viện Bạch Mai vẫn dùng phần lớn huyết thanh kháng nọc của Viện văcxin Nha Trang để điều trị bệnh nhân bị rắn cắn. Hiện Trung tâm Chống độc đang nghiên cứu huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất miền Bắc và đang chuẩn bị báo cáo về đề tài huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia vào cuối năm nay.
Ngọc Hà / Báo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)