Mù do đục thủy tinh thể

07/10/2008 15:38 GMT+7

Hiện có gần 400 ngàn người mù hai mắt và 1,5 triệu người mù 1 mắt, trong đó 66% là do đục thủy tinh thể. Tuy nhiên, vẫn nhiều người chấp nhận mù vì chưa biết thông tin về chữa trị.

"Tấm kính" bị mờ

Thủy tinh thể là thấu kính trong suốt bên trong con mắt. Khi trong suốt, nó góp công sức quan trọng vào khả năng nhìn thấy sự vật của mỗi người, bởi nó đóng vai trò đảm bảo 1/3 năng lực hội tụ của nhãn cầu. Công suất hội tụ này được đảm bảo khi nó trong suốt, các mặt cong và độ dày trong giới hạn. Bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt T.Ư (Hà Nội) cho biết: "Thủy tinh thể còn có chức  năng lọc tia tử ngoại - tia có hại của mặt trời. Theo thời gian, tấm kính này bị lão hóa, khiến cho độ trong suốt bị giảm đi, các tia sáng đi qua sẽ bị tán xạ dẫn đến giảm thị lực".

Theo các bác sĩ, người bị bệnh thông thường sẽ nhìn mờ cả hai bên mắt. Đục thủy tinh thể có thể gây nên mức độ giảm thị lực khác nhau, và có thể giảm đến mức chỉ còn nhận biết được ánh sáng. Bác sĩ Hoàng Cương cũng lưu ý: một số bệnh nhân có thể bị nhìn đôi, nhìn thấy nhiều vật cùng lúc, nhìn như qua màn sương mù... Tất cả đều do thủy tinh thể đã bị đục làm tan xạ các tia sáng đi qua. Thậm chí nhiều người bệnh còn bị rối loạn về sắc giác (khả năng phân biệt màu sắc), nhất là việc nhìn nhận màu xanh; khả năng nhìn ban đêm cũng bị tổn hại.

Có nhiều nguyên nhân gây đục thủy tinh thể, nhưng 99% do tuổi tác. Một vài yếu tố khác như: di truyền, môi trường hoặc thói quen không tốt cho sức khỏe làm tăng nguy cơ. Đó là, phơi nhiễm quá nhiều với tia tử ngoại, rối loạn dinh dưỡng, đái tháo đường, hút thuốc, uống nhiều rượu...

Lắp đặt thủy tinh thể mới

Bác sĩ Hoàng Cương nói: "Cho đến nay, việc điều trị bệnh này hiệu quả nhất vẫn là phẫu thuật thủy tinh thể. Đặt thủy tinh thể nhân tạo với phương pháp mổ Phaco đã trở nên phổ biến và ưu điểm như: vết mổ nhỏ, đặc biệt, Phaco lạnh đường mổ chỉ 2 mm. Sau mổ thị lực phục hồi nhanh. Với trường hợp thông thường, bệnh nhân có thể xuất viện trong ngày và tỷ lệ biến chứng thấp". "Nguyên liệu" của thủy tinh thể nhân tạo cũng đã được cải tiến rất nhiều qua thời gian, với tính năng ưu việt hơn như có độ mềm hơn, chịu nước...

Bác sĩ Hoàng Cương lưu ý: "Việc chỉ định mổ được căn cứ vào mức độ giảm thị lực, nhưng cần được xác định chính xác là giảm thị lực do nguyên nhân chính là đục thủy tinh thể, không phải bệnh lý khác. Các bác sĩ sẽ khám và cân nhắc có sự tương hợp hay không giữa tính chất và mức độ đục thủy tinh thể với mức độ giảm thị lực. Nếu thị lực kém hơn 4/10 sẽ được xem xét chỉ định phẫu thuật. Trong trường hợp chỉ định mổ, bệnh nhân không chỉ khám về mắt, mà còn cần được "truy tìm" các bệnh lý toàn thân khác như: huyết áp, đái tháo đường, các ổ viêm nhiễm... Điều này rất cần thiết cho quyết định mổ, tiên lượng về thị lực sau mổ, ngăn ngừa các biến chứng và điều trị dự phòng.

Liên Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.