Nghề cá - nhiều khó khăn, thách thức

07/10/2008 16:03 GMT+7

(TNO) Trong hai ngày 6-7.10, tại TP Phan Thiết (Bình Thuận), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình khai thác thủy sản 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ sản xuất vụ Bắc năm 2008- 2009 với sự tham gia của đại diện 28 tỉnh ven biển.

Tại hội nghị, một số ý kiến đánh giá nghề cá đang đứng trước nhiều khó khăn.

Vòng luẩn quẩn khó gỡ

Trong khi chúng ta chưa mở rộng được ngư trường xa bờ và công nghệ đánh bắt còn lạc hậu, thì đội tàu có công suất nhỏ lại phát triển nhiều, dẫn đến ngư trường ven bờ bị thu hẹp. Cả nước hiện có khoảng 87 nghìn chiếc tàu khai thác hải sản. Nhưng lượng tàu có công suất lớn hơn 90 CV chỉ có khoảng 15 nghìn chiếc. Số còn lại là tàu nhỏ tập trung vào khai thác bằng lưới rê, câu, mành, vây, chụp... quanh quẩn ở ven bờ.



Tàu thuyền đóng mới tăng nhanh, nhưng chủ yếu là tàu nhỏ, không thể đánh bắt xa bờ và dài ngày trên biển nên ngư dân tập trung khai thác ven bờ. Điều này dẫn đến cạn kiệt nguồn hải sản ven bờ.

Theo báo cáo của Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ NN-PTNT) thì năm nay ngư trường miền Trung, cá nổi và áp lộng sớm, nhưng mật độ không còn dày như mọi năm; sản lượng có tăng nhưng không đáng kể. Ngư trường đông tây Nam Bộ, khu vực nam đảo Côn Sơn, Côn Đảo, Hòn Chuối..., các loại cá đáy có giá trị kinh tế cao không biến động nhiều. Do cạn kiệt nguồn lợi thủy sản nên xuất hiện ngày càng nhiều hình thức đánh bắt hủy diệt nguồn lợi như xung điện, đánh mìn, giã cào.

Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khánh Hòa cho biết, ngay ở những nơi việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản nghiêm ngặt như Nha Trang thì vẫn còn nhiều hiện tượng khai thác hủy hoại môi trường xảy ra như ở vịnh Vân Phong, Cam Ranh, đầm Nha Phu. Thanh tra thủy sản tỉnh Kiên Giang xử phạt 893 vụ vi phạm, trong đó có đến 628 vụ việc do loại tàu giã cào gây ra. Hàng loạt ngư dân ở Bình Thuận nhiều lần kêu cứu vì loại hình giã cào hủy hoại nguồn tôm cá và phá nát bất cứ thứ gì khi tàu giã cào đi qua, song tình trạng này vẫn như không có cách gì ngăn chặn.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Văn Dũng cho rằng nghề biển đang đứng trước những khó khăn, thách thức và cả những mâu thuẫn. Tàu thuyền tăng nhưng ngư trường bị thu hẹp. Trong khi đó cơ sở hạ tầng cho nghề cá còn yếu kém và ngư dân thì vẫn nghèo.

Ngư dân vẫn khổ

Ông Hồ Văn Tình, một trong những ngư dân giỏi ở phường Xuân Hòa, Q.Thanh Khê (Đà Nẵng) cho biết ông có hai tàu đánh bắt xa bờ, làm ăn rất hiệu quả từ nhiều năm nay. Nhưng ông cho rằng khó khăn hiện nay, ngoài về kinh phí cho các chuyến ra khơi,

 

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát (ảnh) cho rằng không chỉ có quá nhiều tàu nhỏ đánh bắt ven bờ, mà hiện nay còn có cả tàu xa bờ cũng vào gần bờ đánh bắt, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Đây là vấn đề bức xúc phải làm ngay. Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị chức năng của Bộ mau chóng phối hợp với các địa phương nghiên cứu và chuyển giao các tiến bộ khoa học kĩ thuật trong khai thác, bảo quản và chế biến cho ngư dân.

chính là khâu tiêu thụ sản phẩm. Ngư dân luôn bị ép giá khi phải bán cho các nậu vựa trong bờ.

Một ngư dân khác là ông Thượng Công Hùng, ở An Thủy, H.Ba Tri (Bến Tre) cũng có bốn tàu đánh bắt ở ngư trường Nam Côn Sơn rất hiệu quả. Ông Hùng cho biết, sản lượng cá không thua gì mọi năm nhưng lợi nhuận đem về ít hơn nhiều, vì phải đầu tư kinh phí lớn do dầu và các nhu yếu phẩm khác tăng giá, chưa kể đến chuyện bị nậu vựa ép giá.

Hàng loạt ý kiến của đại diện Sở NN-PTNT các tỉnh như Khánh Hòa, Bình Thuận, Nghệ An, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu... đều có chung một nhận định: Quyết định 289 (hỗ trợ xăng dầu cho ngư dân) của Chính phủ ra đời đã giải quyết được tình trạng hàng chục nghìn tàu thuyền của ngư dân trên cả nước nằm bờ do bị lỗ nặng khi giá dầu bất ngờ tăng đến hai lần, trong khi việc vay vốn ngân hàng còn gặp khó khăn.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Việt Thắng đưa ra một thông tin đáng chú ý là có đến 80% ngư dân vay vốn của các đầu nậu vựa. Điều này cho thấy ngư dân còn rất khó khăn về vốn.

Quế Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.