Blog khiến thơ ca không bình lặng

10/10/2008 01:03 GMT+7

Mỗi ngày, nhà thơ, chủ tịch hội blogger Hà Nội Nguyễn Trọng Tạo dành 2 tiếng cho blog. Ông cho rằng thơ trên blog giống như một luồng gió trên ao thu phẳng lặng, là sinh khí mới của thi ca.

* Thưa nhà thơ, ông có thể giới thiệu đôi điều về "Net mùa thu"- tập thơ được coi là thơ mạng đầu tiên ở Việt Nam?

"Net mùa thu" gồm những bài thơ chọn lọc từng đăng trên Vnweblogs của 32 tác giả. Dưới mỗi bài có những cảm nhận (comment) của các blogger và bạn đọc. Có lẽ vì thế mà nó đặc biệt, bởi đây là lần đầu tiên nước ta xuất bản một tập thơ NET.

* Ông đến với internet như thế nào, vì sao lại chọn blog làm điểm "hội ngộ văn chương"?

Tôi mới "lên nét" vài năm thôi. Ban đầu là định lập một website về nghệ thuật, sau thì làm thử blog. Vnweblogs.com là một sân chơi, song cũng có thể lệ, quy định, lại có nhiều anh em văn nghệ sĩ nên tôi cũng tham gia. Tôi còn rủ nhiều anh em nhập hội như Hoàng Cát, Nguyễn Quang Lập... Hiện tại, tôi có 3 blog: Blog Nguyễn Trọng Tạo là blog mang tính cá nhân, Blog Sao Việt chuyên về âm nhạc, còn Hội ngộ văn chương, như bạn biết đấy, nó giống như một tờ báo về văn nghệ.

* Nghe nói, không chỉ quan tâm, góp ý trên mạng, hội blogger Hà Nội còn rất thân thiết trong đời thường?

Theo định kì, hội blogger Hà Nội mỗi năm gặp gỡ (offline) một lần. Nhiều anh em nhờ có có blog mà quen nhau. Blog văn chương thường lấy tên thật, nick thật vì anh viết một bài thơ mang công bố, ai dại gì đi lấy tên giả. Ví dụ như Nguyễn Trọng Tạo phát biểu trên blog thì đó phải là quan điểm của Nguyễn Trọng Tạo, chứ nếu lấy là "ngu tro ta" thì nói thế nào chẳng được. Chính vì thế mà trong ứng xử anh em luôn chân thật với nhau, nó bớt cái sự giả thường thấy trong hoạt động internet nói chung.

* Khi một bài thơ lên mạng, nó tạo ra sự tương tác như thế nào?

Thơ in nhận được sự tương tác rất chậm, hầu như không có, trừ khi thơ anh độc đáo. Với blog, họ có thể comment ngắn cũng được, dài cũng được. Có những comment dài như một bài bình luận, nhưng cũng có những comment chỉ một câu, thậm chí một chữ. Tôi viết những bài thơ, có khi nhận được 70 tới 80 comment góp ý, chia sẻ. Nếu in ra, liệu có ai nhận được tới 50 bài phê bình?

* Thế còn những mặt trái của thơ ca trên mạng, người ta thường nói văn học mạng xô bồ?

Cái gì nhiều chẳng xô bồ. Thơ trên giấy hay thơ trên mạng đều cần người tinh tuyển mới có cái hay chứ. Tuy nhiên trên blog có những xu hướng không thuận lắm cho những cách tân văn chương.

* Ồ, những tưởng văn học mạng thì.. .

Có. Văn học mạng cũng có cái tự do, cái mới đấy. Nhưng Intenet lại là một cộng động mang tính bè phái. Trong khi số đông quan niệm đơn giản về thơ ca thì những sáng tác phức tạp, mang cái mới dễ bị phản ứng. Ví dụ những đề tài nhạy cảm như sex hay ngôn ngữ thông tục (hay còn gọi là từ điển gốc) dễ bị số đông cản trở bằng những quy chuẩn đạo đức, khuôn phép văn học. Lại có những người "hạ mình theo tiếng vỗ tay", bội thực vì tiếng vỗ tay mà đánh mất mình. Nhìn chung, sáng tạo văn chương dù trên giấy hay blog cũng phải có bản lĩnh thì mới giữ được mình, trung thực với chính mình, từ đó mới có sự sáng tạo.

* Với tư cách là một nhà thơ, ông đánh giá thế nào về xu hướng phát triển của thơ ca?

Bây giờ không phải là thời kì hoàng kim của thơ ca, song blog và văn học mạng đang làm cho hoạt động thơ ca nói chung nóng lên. Sẽ có xu hướng xuất bản các tập thơ có in kèm comment, vừa là sự chia sẻ, góp ý, hoặc cũng là gợi mở để độc giả khám phá bài thơ.

Thu Hiền (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.