Lão “hiệp sĩ” Thất Sơn

11/10/2008 23:22 GMT+7

Một ông già vùng sơn cước ghét bọn xấu trộm cắp bò heo làm khổ dân nghèo nên dốc lòng trừ gian. Ông bỏ tiền túi đóng vai lái bò, lái heo đi khắp núi cao, đồi thấp vùng Thất Sơn quyết tâm đưa băng trộm bò, heo bí ẩn ra ánh sáng...

“Thám tử” miền sơn cước

Ông tên thật là Lê Văn Tám, 75 tuổi, ngụ khóm 3, thị trấn Chi Lăng (Tịnh Biên, An Giang). Tuy lớn tuổi nhưng trông ông rất... phong độ! Trên vách nhà ông treo đầy bằng khen do Công an huyện Tịnh Biên, Công an Kiên Giang, Hội cựu chiến binh Việt Nam trao tặng về thành tích bắt trộm cướp.

Ra sau vườn nhà, thấy ông đang cầm gậy múa dưới bóng cây thốt nốt. Liếc nhanh chúng tôi, ông cười: “Đi vài đường gậy cho khỏe gân cốt vậy mà”. Trong cơn mưa tịch mịch vùng sơn cước, ông ngồi chậm rãi thuật lại duyên cớ làm “thám tử”. Ông Tám sinh ra ở Minh Hải. Năm 15 tuổi đi kháng chiến và được một võ sư truyền võ nghệ. Khi miền Nam giải phóng, đơn vị ông chuyển đến vùng Thất Sơn (An Giang). Tại đây ông quen cô gái quê đằm thắm và kết đời mình với vùng đất bán sơn địa. Người lính ngày nào giờ an phận với nghề rèn, nghề chăn nuôi gia súc.

Năm 1999 rộ lên nạn trộm bò ở Thất Sơn. Nhiều dân nghèo vay tiền, mót của chắt chiu mua được con bò, đêm buộc chặt trong chuồng, ngày thả cho bò ăn cỏ... Mặc dù dòm chừng kỹ lắm, nhưng bò vẫn mất một cách bí ẩn, bất kể ngày hay đêm. Cứ cách vài hôm lại có vụ báo án “mất bò”. Tổng hợp lại các vụ mất bò, các đoàn thể xác định đây là đường dây trộm bò chuyên nghiệp gồm nhiều tên và thủ đoạn rất táo bạo, ranh ma. Muốn phá đường dây này phải “cài” người theo dõi trường kỳ. Và người ta sực nhớ đến ông Tám. Họ bàn: “Ổng giỏi võ, lại trầm tính, ứng biến khéo trong các tình huống khó. Ổng lại rành về tướng bò nên nếu ổng chịu làm thì bọn trộm chết chắc!”.

Ghét cái xấu nên khi nghe cán bộ đề cử,  ông Tám gật đầu cái rụp. Tuy nhiên, do sợ gia đình lo nên ông giấu biệt chuyện làm thám tử bò. Ông giả đò than nhớ quê xưa, bạn cũ để có cái cớ đi xa. Lựa lúc đêm xuống hay trưa nắng vắng người, ông ra sau vườn nhà ôn lại những thế võ, đường gậy... Ông đội nón che sụp mặt, ăn mặc lếch thếch như mấy gã lái bò thực thụ rồi mò tới các vùng sâu, phum sóc hỏi mua bò thịt. Liếc nhìn những con bò trong chuồng biết bò nuôi đàng hoàng ông bỏ đi, thấy bò nào khả nghi ông hỏi tới. Đợt truy tìm kéo dài gần một năm, tốn công sức tiền của không ít nhưng vẫn chưa chạm mặt được băng trộm bò.

Một lần đang đi “mua bò”, ông tình cờ nghe một tốp thanh niên ở xã An Cư đang cằn nhằn về chuyện để “vuột bò”. Sinh nghi, ông lân la hỏi hàng xóm về đám thanh niên này. Biết bọn chúng vô công rỗi nghề nhưng có tiền ăn nhậu hoài, ông liền lên kế hoạch tiếp cận. Sau khi nghe ông tự giới thiệu là lái bò, bọn chúng liếc mắt dè chừng.  Tiệc rượu đang ồn ào, đám  thanh niên đang thi nhau “nổ”  bỗng  trở nên khép nép khi thấy một người đứng tuổi xuất hiện. Chúng mời ông uống rượu; rồi cắc cớ hỏi sao ông đi mua bò mà vô chỗ không có bò? Biết chúng đang dò xét mình, ông tìm cách ứng đối trôi chảy.

Rồi chúng hỏi ông mua bò mà biết coi tướng bò không? Được dịp ông liền trổ tài tả tướng bò thịt, bò cày tốt xấu ra sao khiến mấy tên trộm hết cớ hiềm nghi. Đang ngồi nhậu ông giả bộ hốt hoảng kiếu từ, bảo phải về dắt mấy con bò nhốt vô chuồng, sợ mất trộm! Tên “chúa đảng” cười sặc sụa: “Ông nhậu tiếp đi, thằng nào dám động tới bầy bò của ông tới số với tụi tôi liền”. Ông ngồi xuống nhưng cứ giả bộ nhấp nhổm: “Tụi bây nói xạo đặng dụ tao nhậu chớ gì? Nói thiệt, bầy bò nuôi vỗ bán thịt, để mất một con là bả cạo đầu tao liền”. “Chúa đảng” cười vô tư: “Có tôi ở đây, đố thằng nào dám bén mảng tới chuồng bò của ông. Mà nhà ông ở đâu?”. Nghe hắn nói vậy, ông biết đích thị bọn chúng là dân trộm bò chuyên nghiệp.

Một ngày đầu năm 2001, ông ra sau vườn nhà làm cỏ thì phát hiện hai bóng người thấp thoáng, đang dắt hai con bò. Nhận ra đây là hai tên từng ăn nhậu chung, ông định chạy đi báo công an. Chưa kịp đi đã nghe tiếng xe tải chạy tới. Hai tên trộm lùa bò lên xe. Thế là ông thuê xe honda bám sát xe tải chở 2 con bò trộm được chạy về hướng Núi Sam (Châu Đốc). Tại đây, bọn trộm lôi một con bò xuống bán được 5 triệu đồng.

Sau đó, chúng cho xe chạy qua An Phú bán tiếp con bò kia. Đến tối, khi chúng đang tổ chức tiệc nhậu linh đình thì công an huyện ập vào. 12 tên bị bắt, 3 tên bỏ trốn. Con bò chúng bán ở Núi Sam được thu hồi trả lại cho khổ chủ là Chau Kiên. “Nhận lại con bò nuôi trị giá đến 10 triệu đồng, ông Chau Kiên mừng đến phát khóc” - ông Tám nói.  

Sau mấy năm yên ổn, đầu năm 2006, huyện Tịnh Biên lại rộ lên nạn trộm heo. Lần này ông Tám lại vào vai thám tử “lái heo”. Qua nhiều ngày lân la đến lò mổ, ông mới phát hiện ra băng trộm heo gồm 5 tên ngụ ở xã Tân Lợi, Tịnh Biên. Ông rà địa bàn, nắm rõ tính nết từng tên... Thấy “kế” ăn nhậu và vai lái heo khó tiếp cận với bọn này nên ông chuyển qua bán bánh mì.

Ban đầu gia đình 5 tên trộm rất cảnh giác với lão già bán bánh mì lạ hoắc. Ông Tám phải nhẫn nhịn từng chút, khi thì xin ngụm nước, khi thì giả mệt xin ngồi nghỉ một lát... Ông hay cho lũ trẻ ăn bánh mì miễn phí nên chúng rất mến ông, rồi dần dần những người thân của 5 tên trộm không còn cảnh giác với ông lão bán bánh mì nữa. Vào một buổi trưa tháng 3.2006, khi đi ngang qua một ngôi nhà vắng bóng người, ông chợt nghe tiếng heo kêu nho nhỏ. Biết là bọn trộm vừa ra tay, ông liền mật báo cho công an. 5 tên trộm heo bị bắt với đầy đủ tang vật. Sau vụ đó, nạn trộm heo không còn hoành hành nữa.

“Hiệp sĩ” Bảy Núi

Bà con vùng núi nói: “Ông Tám giỏi võ, bắt trộm cướp đại tài”. Rất nhiều người nghèo nhờ ông mà không mất của. Năm 2001, hay tin ông Chao Ruhn vừa mất con bò tơ trị giá 3 triệu đồng, ông quyết tìm cho ra. Nhờ biệt tài nhìn dấu chân bò có thể phân biệt đực hay cái, to hay nhỏ nên ông cứ men theo dấu chân bò bị trộm mà tìm. Đi qua 8 cánh đồng, tới vùng đất cao của xã Vĩnh Trung thì mất dấu. Rảo qua các cánh đồng xung quanh cũng không thấy dấu chân con bò bị trộm, ông lộn trở lại xã Vĩnh Trung. Nhìn qua các chuồng bò, ông thấy con bò tơ đang đứng ngơ ngác. Biết là bò của Chau Ruhn, ông mời chủ bò ra phân giải. Người chủ liền tả tỉ mỉ hình dáng tên bán bò. Ông nghe biết là người ở xóm mình nên bí mật báo công an. Chau Ruhn nhận được con bò, mừng rơn. 

Nghề làm “thám tử bò” khiến ông Tám mấy lần suýt mất mạng. Ngày 25.4.2003, ông thấy một gã to con đang dẫn con bò cộ luồn lách trong đồng. Cách dắt bò kỳ cục này rất khả nghi nên ông giả vờ mời chủ bò ngồi nghỉ uống trà. Người này khựng lại nhưng thấy giữa đồng trống chỉ có mình ông già nên hầm hè: “Muốn sao hả ông già?”. Biết gặp kẻ gian, ông Tám... xuống tấn, móc cây gậy ra múa vài đường thị oai. Biết đụng ông già “thứ dữ”, hắn liền bỏ con bò lại, chạy mất. Chiều hôm đó ông Chau Xum (ngụ xã Tân Lợi) hớn hở tới công an nhận lại con bò vừa mất. Một lần khác, vào chạng vạng tối một ngày năm 2005, ông phát hiện một tên dắt bò đi đứng khả nghi nên đuổi theo.

Tên trộm đứng lại vận lực ném cây búa tấn công. Nghe tiếng gió rít rất nhanh, ông né mình tránh được. Lưỡi búa bay sượt qua, cắm sâu vào thân cây thốt nốt. Tên trộm co giò chạy. Con bò này đã được trả lại cho khổ chủ Chau Xăng. Tối ngày 7.5.2007, ông lại thấy người lạ dắt bò đi láo liên nên cầm gậy bước tới nói lớn: “Bò này là bò chú ăn cắp, trả cho người ta mau”. Tên trộm tái mặt bất ngờ cầm cây sắt đâm mạnh tới. Ông Tám nhanh tay vung gậy đỡ kịp, chỉ bị thương nhẹ bên ngực trái... Con bò được giao lại cho Châu Vuôl. Thấy “hiệp sĩ” bị trầy ngay ngực, ông Châu Vuôl cảm động tặng 100.000 đồng thuốc men nhưng ông Tám nhất định không lấy.

Trong nhật ký của ông ghi hàng loạt vụ phá án. Khi thì bắt bọn cướp xe honda, lúc bắt băng trộm xe đạp trường học... “Chú ghi nhật ký không phải để khoe khoang gì mà là để chiêm nghiệm lại những việc làm của mình. Nhật ký ghi càng ít vụ trộm chú càng mừng vì người xấu ngày càng ít đi” - ông Tám nói. Người dân vùng Bảy Núi thì bảo rằng ông Tám rất ghét kẻ xấu nhưng cũng rất bao dung.

Có lần, một tên trộm ghét ông hay “phá đám” nên rình đánh ông ngã quỵ. Là con nhà võ, ông bật ngay dậy, định tung vài cú “song phi” cho hắn... “theo ông, theo bà”. Nhưng nhìn kỹ thấy gương mặt  hắn xanh lè vì sợ, ông không nỡ. Biết hắn chưa phải là người vô phương cải tạo, ông khuyên hắn về nhà kiếm cái nghề gì lương thiện mà làm, đừng trộm cắp nữa, xấu lắm. “Tôi chỉ khuyên sơ sơ như vậy mà anh ta bỏ hẳn trộm cắp, chí thú làm ăn đến giờ. Ai bảo tôi chỉ biết bắt trộm cướp, tôi coi tướng cũng tài chớ bộ” - ông Tám cười hóm hỉnh.  

Thanh Dũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.