Rượu lậu vẫn bán tràn lan

16/10/2008 08:18 GMT+7

Chỉ trong hai tuần tại TP.HCM đã có 27 ca ngộ độc rượu, trong đó có chín ca tử vong. Thế nhưng các quán nhậu lề đường vẫn đông khách mỗi khi lên đèn, các “đệ tử lưu linh” tỏ ra chẳng hề ngán rượu “độc”.

>> Ngộ độc rượu ngày càng nghiêm trọng và lan rộng
>> 9/11 ca ngộ độc rượu bị tử vong
>> Nhiều cơ quan chức năng vào cuộc thanh, kiểm tra rượu
>> Coi chừng chết vì rượu độc!
>> Kiểm tra cơ sở sản xuất rượu nghi gây ngộ độc

Chưa tới 20g ngày 14-10, các quán nhậu thịt chó trên đường Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp) đã có nhiều thực khách đến “chén chú chén anh”. Dọc lề đường gần nhà thờ Thạch Đà, các bàn nhậu bắt đầu đông khách. Đa số đối tượng tìm đến những quán này “giải sầu” là công nhân của các công ty, nhiều người cho biết chưa nghe thông tin về ngộ độc rượu.

“Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”

Anh Thành, quê Thanh Hóa - công nhân Công ty Huê Phong, nói: “Rượu chỉ làm nhức đầu chóng mặt chứ chưa nghe nói làm chết người”. Khi nghe chúng tôi thông tin đã có gần chục ca ngộ độc rượu tử vong, anh Thành mới giật mình và nói “chắc từ nay sẽ uống ít lại”.

Một bàn nhậu gần đó nghe vậy vội đổi rượu chuối hột sang uống bia Sài Gòn xanh. Trong khi đó, chị chủ quán nói giọng Bắc trấn an: “Ở đây không bán rượu vớ vẩn đâu”, rồi tiếp tục quảng cáo các loại rượu với giá rẻ như bèo (nếp đục 4.000 đồng/xị, chuối hột 3.000 đồng/xị, rượu rắn 5.000 đồng/xị).

Hai bên bờ kênh Thị Nghè từ cầu Điện Biên Phủ, Q.1 đến cầu Kiệu, Q.Phú Nhuận là nơi tập trung rất nhiều quán nhậu. Lân la hỏi một chủ quán thì được biết mấy ngày qua khách vẫn đông, có đêm lượng rượu bán ra gấp đôi vì trời mưa, khách thường chọn rượu đế nhâm nhi với lẩu. Đến một dãy quán nhậu trên đường Lý Nam Đế (Q.11), chúng tôi gọi hai xị rượu chuối hột (6.000 đồng/xị). Hỏi rượu lấy ở đâu, chủ quán cho biết: “Dưới Long An đem lên. Cứ ba bốn ngày 100 lít. Trời mưa này bán đã lắm”. Còn tại khu vực quán nhậu trên đường Phạm Phú Thứ, Bãi Sậy, Bình Tiên (Q.6), khách nhậu thường quen với hai loại “hảo tửu” CL (25.000 đồng/chai), ND (15.000 đồng/chai), một chủ quán cho biết trung bình một đêm tiêu thụ 30 lít rượu.

Biến cồn thành rượu!

Trong mấy ngày qua, khi ngành y tế tổ chức kiểm tra gắt gao, thị trường mua bán các hóa chất liên quan đến cồn pha rượu có chút yên ắng. Tuy nhiên, ngày 15-10 tại khu vực chợ Kim Biên, chúng tôi vẫn mua được cồn dùng để pha rượu. Có hai loại cồn: cồn thơm (thường gọi là cồn mía, tên khoa học là cồn thực phẩm) có giá 15.000 đồng/lít, cồn công nghiệp rẻ hơn 13.000 đồng/lít. Ở các cửa hàng trong chợ này còn bày bán các hương liệu, bột màu để pha rượu như màu carmel (màu để pha rượu chuốt hột, nhàu…), hương nếp, rhum, whisky… Nhân viên của một cửa hàng tận tình hướng dẫn chúng tôi cách biến cồn thành rượu như thế nào: cồn pha với nước lã, một ít phẩm màu, hương liệu và dùng tửu tinh kế để đo độ theo ý mình. Sau đó người này bán cho chúng tôi thêm thủy lượng kế với giá 15.000 đồng.

Tại góc đường Nguyễn Trãi - Đỗ Ngọc Thạnh (P.14, Q.5) - khu vực tập trung nhiều điểm phân phối rượu - có đủ loại rượu nấu thủ công, rượu công nghiệp… Lượng khách vào ra các cửa hàng vẫn đông.

Trên thị trường cũng đang có nhiều loại rượu “bình thật, rượu giả”. Các thương lái thu gom bình rượu, nhãn mác... để pha chế rượu dỏm tiêu thụ.

Tiếng chuông cảnh báo về ngộ độc rượu đã gióng, nhưng rượu “độc” đủ các kiểu vẫn hằng ngày hằng giờ len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm. “Đệ tử lưu linh” vẫn vô tư chén tạc chén thù với tử thần bên ly rượu.

Rượu chứa methanol vẫn còn lưu hành

Ngày 14-10, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP đã tạm giữ gần 420 chai rượu có nồng độ methanol vượt mức cho phép. Cụ thể, qua kiểm tra Công ty TNHH SXTM&DV Hoa Việt (P.2, Q.8), Đội QLTT 8B đã phát hiện tại đây có 210 chai rượu các loại do Công ty TNHH Thực phẩm Sài Gòn sản xuất và xuất bán.

Cùng ngày, Đội QLTT Thủ Đức tiến hành kiểm tra ba điểm kinh doanh rượu của Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Sài Gòn (66 đường số 8, tổ 19, KP2, P.Linh Tây, Thủ Đức) sản xuất thì cả ba điểm vẫn còn 50 chai loại 300-750ml rượu chứa methanol như: rượu nếp Hà Nội, rượu chanh rhum, rượu vang nho, rượu vodka, rượu Napoleon Bouchard. Điều đáng quan tâm, qua kiểm tra chứng từ của Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Sài Gòn, Chi cục QLTT cho biết từ thời điểm 4-9 đến 1-10 công ty đã bán ra 3.672 chai rượu các loại như: rhum, chuối, nếp, đế Gò Đen, Bouchard, vodka. Trước đó ngày 12-10, Đội QLTT Thủ Đức kiểm tra Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Sài Gòn, tìm thấy tại xưởng sản xuất của công ty này (64 đường số 8, KP2, P.Linh Tây) có 300-700 lít cồn và trên 49kg hương - nguyên liệu sản xuất rượu không hóa đơn chứng từ, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt gồm hương panda, hương rhum, hương dâu, hương chanh, hương vodka… Đội niêm phong thu giữ 49kg hương liệu.

Ngày 13-10, Đội QLTT Củ Chi kiểm tra cơ sở sản xuất rượu thuộc khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi (ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng), phát hiện cơ sở hoạt động nấu rượu theo dạng bán công nghiệp, không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chưa công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.

Ngày 12-10, Đội QLTT 1B kiểm tra cửa hàng Động Phát (72 Hàm Nghi) phát hiện cửa hàng bày bán 12 chai rượu chuối hột không hóa đơn chứng từ và hết hạn sử dụng từ tháng 5-2008. Ngày 13-10, đội này kiểm tra tại ba cửa hàng kinh doanh rượu ở chợ Bến Thành phát hiện hàng trăm chai rượu không hóa đơn chứng từ, không rõ dung tích, không nhãn hiệu như rượu pha chế (rắn, bò cạp, sâm…), rượu whisky, rượu Napoleon, rượu vodka, rượu sâm banh không hóa đơn chứng từ của Công ty TNHH Sài Gòn (H58, đường Kha Vạn Cân, Thủ Đức).

Không thể có rượu gạo giá 5.000 đồng/lít

Theo ông Phạm Xuân Đà - trưởng phòng truyền thông giáo dục (Cục An toàn vệ sinh thực phẩm), chủ nhiệm đề tài cấp bộ nghiên cứu về rượu đang được tiến hành, có hai nguyên nhân có thể dẫn đến tử vong là lạm dụng rượu hoặc dùng rượu kém chất lượng. “Tôi thiên về hướng do rượu kém chất lượng, làm gì có rượu gạo chỉ 5.000 đồng/lít, gạo bây giờ trên 10.000 đồng/kg, mà 10kg gạo nấu tốt mới được 7 lít rượu” - ông Đà phân tích.

“Những người tử vong do rượu chỉ là phần nổi, còn những người bị xơ gan, suy thận, di chứng về thần kinh, về chuyển hóa... do uống rượu nhiều thì ai thống kê được. Đó mới là điều nguy hiểm” - ông Đà nhấn mạnh.

Lan Anh

Xây dựng phác đồ điều trị ngộ độc rượu

Ngày 15-10, Sở Y tế TP.HCM cho biết trong tình hình cấp cứu khám chữa bệnh do ngộ độc rượu (có methanol), Sở Y tế TP đã triệu tập khẩn cấp các chuyên gia hàng đầu về xử trí hồi sức cấp cứu và chống độc tại TP.HCM để xây dựng tiêu chí theo dõi, chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị ngộ độc rượu phù hợp tình hình y học trong nước.

Trong một diễn biến khác, chiều cùng ngày thanh tra Sở Y tế TP đã tiến hành thanh tra một công ty TNHH ở P.Đông Hưng Thuận, Q.12 để kiểm tra việc mua bán và sử dụng cồn của công ty này. Đây là một trong bốn công ty mua cồn công nghiệp của Công ty An Đức (An Biên, Tây Ninh).

L.TH.H.

Theo Quang Khải - Trung Cường - Võ Hương / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.