“Chây ì” giảm giá xăng

16/10/2008 23:17 GMT+7

Lấy lý do nào là phải bù lỗ, nào là nhập xăng lúc giá xăng dầu thế giới cao, nào là chờ xem Bộ Tài chính có tăng thuế nhập khẩu... các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang "chây ì" không giảm thêm giá để thu lợi.

Mập mờ!

Theo ông Nguyễn Ngọc Lự (Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM): Khi giá dầu thế giới tăng thì tất cả người dân đều chia sẻ khó khăn với các công ty kinh doanh xăng dầu, nay giá thế giới xuống thì giá xăng dầu trong nước cũng phải xuống mới hợp lẽ. Nếu tính theo giá dầu thô trên thị trường thế giới ngày 16.10 là 70 USD/thùng, thì giá xăng trong nước phải giảm ít nhất là 4.500 đồng.

Nếu thả nổi theo kiểu này, thiệt thòi rất nhiều cho người tiêu dùng và không thể góp phần giảm kiềm chỉ số lạm phát được.
Chủ tịch Hiệp hội Ô tô vận tải
Nguyễn Mạnh Hùng

Các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu nói chưa giảm là do lượng xăng dầu nhập khẩu thời điểm giá cao còn tồn. Nhưng thử hỏi ngược lại, lúc các DN nhập khẩu giá thấp mà sau đó xăng dầu trên thế giới tăng giá ào ào thì sao? Lúc đó, các DN nhập khẩu xăng dầu với khối lượng bao nhiêu, giá bao nhiêu người dân đâu có biết, nhưng vẫn chấp nhận tăng giá xăng dầu khi giá thế giới tăng. Người dân cũng đâu có ai hỏi các DN còn tồn lượng xăng dầu nhập với giá thấp hay không? Đành là kinh doanh thì phải có lời, nhưng phải ở mức sao cho thích hợp chứ mập mờ là không được. Các DN kinh doanh xăng dầu cần công bố cho người tiêu dùng biết giá dầu trên thị trường thế giới hiện nay tương đương với bao nhiêu tiền một lít xăng, dầu trong nước.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Ô tô vận tải VN cũng không đồng tình với cách giảm giá xăng dầu nhỏ giọt: "Mỗi lần giảm chỉ giảm được một tí, như vậy không giải quyết vấn đề gì về giá cước. Ví dụ: xăng giảm 500 đồng/lít (giảm 3%), giá thành vận tải chỉ giảm được 1,5% cũng chẳng được bao nhiêu. Trong khi đó, thủ tục giảm giá cước rất phiền hà, lằng nhằng, đặc biệt là xe taxi phải kiểm định lại đồng hồ; xe khách phải in lại vé, chi phí đội theo rất nhiều. Tôi đề nghị mỗi lần giảm phải giảm tối thiểu 10% giá hiện tại thì mới đủ sức kéo giá cước".

Ông Hùng nói thêm: Vấn đề chống lạm phát hiện nay liên quan rất mật thiết với giá xăng dầu. Giá xăng dầu không chỉ tác động đến ngành vận tải mà còn các ngành kinh tế khác. Xăng dầu giảm giá, lập tức các mặt hàng khác giảm rất nhanh. Nhà nước phải có sự điều tiết rất cụ thể. Việc các DN bù lỗ như thế nào, Nhà nước phải giám sát, kiểm tra chặt chẽ, kiểm toán phải vào cuộc. Giá xăng dầu do DN quyết định phải minh bạch, chứ không thể theo kiểu "ù ù, cạc cạc".

Chưa thực sự cạnh tranh

Sáng qua 16.10, giá dầu thế giới xuống thấp nhất trong vòng 14 tháng qua. Dầu ngọt nhẹ giao tháng 11 tại New Yorrk giảm 2,9 USD xuống còn 71,64 USD/thùng. Trong khi đó giá dầu thô Brent giao tháng 11 tại thị trường London đã giảm xuống dưới 70 USD/thùng, giảm 2,85 USD/thùng xuống còn 67.95 USD/thùng.

Ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Jetstar Pacific nhận xét: Thời gian qua, Nhà nước chưa thực sự kiểm soát được chi phí đầu vào thực của các nhà nhập khẩu xăng dầu, kể cả giá mua các lô hàng của họ ở nước ngoài và sự tuân thủ nguyên tắc FIFO (First In - First Out) trong kiểm soát chi phí đầu vào, xác định giá đầu ra. Với cơ chế quản lý trong thời gian qua, các nhà nhập khẩu xăng dầu có thể "trộn lẫn" các lô hàng nhập khẩu có chênh lệch giá đầu vào rất lớn, mà cơ quan quản lý Nhà nước khó có thể đối chiếu được chi phí đầu vào và giá đầu ra.

Để có thể giải quyết được tận gốc tình trạng này trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, thị trường phải có cạnh tranh thực sự, chứ không phải cạnh tranh hình thức như hiện nay.

Về cạnh tranh trong lĩnh vực xăng dầu, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói: "VN có 11 DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu do Nhà nước quản lý. Để tránh việc các DN liên kết lại có giá độc quyền, theo tôi cần thiết phải mở rộng các DN nhập khẩu mới đủ sức cạnh tranh. Vừa rồi, các DN nhập khẩu lý giải nguyên nhân chưa giảm giá do tồn kho, lỗ quá nhiều, tôi cho rằng DN đã kinh doanh phải tính toán chứ? Anh kinh doanh sai lầm, bắt người tiêu dùng chịu là không được, rất là vô lý. Quan điểm của tôi là Chính phủ phải quy định chặt chẽ việc này, không để ngành xăng dầu lợi dụng".

Còn TS Nguyễn Quang A, Viện trưởng Viện IDS đánh giá: "Chỉ cần 3 hoặc 4 DN nhập khẩu xăng dầu có hệ thống bán lẻ cạnh tranh nhau thực sự, sẽ không có chuyện chờ nhau giảm giá. Các DN vin vào mua ở lúc giá đắt để không hạ giá cho dân. Theo tôi, vấn đề ở đây là cơ cấu hệ thống cung cấp năng lượng của mình không ổn.

Nhà nước nói để giá xăng dầu cho thị trường quyết định, trong khi lại mâu thuẫn vô cùng với cạnh tranh. Những DN nào chiếm trên 1/3 thị phần thì DN đó bị Nhà nước điều tiết. Vậy tại sao Nhà nước không đứng ra điều tiết đi. Nếu để cho thị trường điều tiết phải có ít nhất là 3 ông thị phần sàn sàn như nhau, không có ông nào vượt quá 1/3 cả thì lúc đó mới lành mạnh. Ở đây, một ông chiếm 60% thị phần, Nhà nước chẳng có ý kiến gì".

Các nước Đông Nam Á liên tục giảm giá xăng dầu

Singapore

Không đợi đến khi giá dầu thô trên thế giới bắt đầu giảm, từ ngày 9.7, Chính phủ Singapore đã giảm giá bán lẻ xăng và dầu diesel 4 xu (500 đồng)/lít. Lập luận của chính phủ là để lạm phát (7%) không có cớ mà leo thang, đồng thời giảm gánh nặng cho các ngành sản xuất.

Cũng trong tháng 7, có thêm 4 lần giảm giá nữa, lần nhiều nhất vào ngày 28.7 giảm 10 xu/lít cho cả xăng và diesel. Sau đó, chính phủ giảm thêm 4 lần nữa, gần nhất là hôm qua (16.10), xăng giảm 5 xu, diesel 10 xu/lít. Tính đến nay, trong vòng 3 tháng qua đã có 9 lần giảm giá. Tổng cộng, xăng giảm 40 xu/lít (tương đương 17,2% - 18,1% tùy loại), diesel giảm 42 xu/lít (20%).

Malaysia

Ngày 24.9, chính phủ giảm giá xăng và diesel 4%. Gần đây nhất là ngày 14.10, giá xăng tiếp tục giảm 6%, dầu diesel giảm 8%. Hiện nay xăng có giá 2,3 ringgit (10.800 đồng)/lít, diesel 2,2 ringgit (10.300 đồng)/lít. Hôm 1.8, Chính phủ Malaysia đặt ra cơ chế xem xét điều chỉnh giá xăng dầu trong nước hằng tháng theo giá dầu thế giới bắt đầu từ ngày 1.9. Trong bối cảnh giá dầu thế giới giảm mạnh hiện nay, các nhà phân tích dự đoán sẽ có những đợt điều chỉnh giảm giá xăng dầu bán lẻ trong thời gian tới.

Thái Lan

Ở thời điểm khi giá dầu thô không ngừng tăng, Thái Lan cũng tăng giá xăng dầu bán lẻ. Việc tăng giá mặt hàng thiết yếu này càng làm tăng thêm làn sóng phản đối chính phủ non trẻ của Thủ tướng Samak Sundaravej, cũng như các cuộc đình công của ngành vận tải. Việc đó khiến Thủ tướng Samak phải giảm giá dầu diesel 3 baht (1.450 đồng)/lít cho các công ty kinh doanh xe buýt vào cuối tháng 5, và tiếp tục giảm cho các ngành khác như đánh bắt thủy sản, xe tải.

Ở thời điểm tháng 7, khi giá dầu thô thế giới ở đỉnh điểm, 1 lít diesel có giá 44 baht (21.100 đồng). Sau đó được điều chỉnh giảm liên tục, lần cuối cùng vào ngày 11.10. Tính ra trong vòng 3 tháng, xăng giảm 12 baht/lít; diesel giảm 16 baht/lít. Hiện nay, dầu diesel có giá 28 baht (13.500 đồng)/lít; xăng có độ octane 91 có giá 33 baht (15.800 đồng)/lít.

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

Điều chỉnh thuế nhập khẩu xăng dầu rất chậm!

Bên hành lang kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã trả lời báo chí về giá xăng dầu. 

* Ngày 16.10, giá dầu thế giới đã giảm xuống còn 70 USD/thùng nhưng giá xăng dầu trong nước vẫn chưa giảm. Vì sao lại như vậy, thưa Bộ trưởng?

- Trước đó, năm 2007 và 8 tháng đầu năm 2008, việc kinh doanh xăng bị lỗ, vì vậy khi DN kinh doanh có lãi vào thời điểm này thì phải dành cho họ một khoảng thời gian để bù lỗ vì Nhà nước không bù cho họ. Hiện tại, DN đang lãi khoảng 1.000 đồng/lít xăng. Nếu mức lãi như vậy, DN phải duy trì từ 6 tháng đến 1 năm mới hồi phục phần lỗ trước đây. Mặt khác, Nhà nước yêu cầu phải đảm bảo luôn khoản dự trữ từ 20 ngày lên 25 - 30 ngày, DN mua trước giá cao, bán sau lại lỗ. Do vậy, việc điều hành phải đảm bảo lợi ích Nhà nước và DN vẫn đảm bảo kinh doanh.

Giá dầu thô xuống, Nhà nước phải điều chỉnh thuế. Trước đó, để kiềm chế lạm phát, Nhà nước không áp thuế nhập khẩu xăng dầu. Hiện mức áp thuế 5% là không đáng kể, vì khung thuế mặt hàng này là 40%. Không một nước nào không điều chỉnh thuế xăng dầu khi giá dầu thô thế giới giảm. Nếu đủ điều kiện, Nhà nước phải đưa thuế vào cùng lúc với điều chỉnh giá xăng dầu nhưng hiện chúng ta vẫn đưa thuế vào rất chậm.

* Vậy khi nào có thể giảm giá xăng dầu, thưa ông?

- Hiện phương án điều chỉnh giá xăng dầu đang trình Thủ tướng quyết định. Quan điểm của Bộ Tài chính là muốn làm rất sớm, với biên độ vừa phải và phù hợp. Mặt khác, giá xăng dầu VN hiện nay thấp hơn giá ở Campuchia, nếu để thấp quá sẽ làm cho hoạt động xuất lậu xăng dầu qua biên giới gia tăng.

* Người dân lo ngại, các DN "bắt tay" đồng loạt không giảm giá xăng dầu, thưa ông?

- Không có chuyện đó mà phải thông cảm với DN vì họ phải mua xăng từ 30 ngày trước đó. Việc tính giá xăng dầu phải căn cứ giá bình quân 30 ngày trước đó chứ không phải nhìn vào một thời điểm.

Xuân Toàn (ghi)

T.Hùng - M.Vọng -X.Danh - Thu Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.