Anh chàng ghiền... đá

18/10/2008 15:17 GMT+7

Chưa qua trường lớp điêu khắc, nhưng với niềm say mê và đôi tay tài hoa, Võ Mộng Nguyên đã miệt mài biến những phiến đá sa thạch sần sùi thành tượng Chăm "chu du" khắp nơi.

Nhìn bề ngoài, Võ Mộng Nguyên (37 tuổi, quê ở huyện An Nhơn, Bình Định) không mang dáng dấp một nghệ sĩ điêu khắc, nhưng những sản phẩm tượng Chăm tinh tế do anh làm ra khiến mọi người không khỏi mê hoặc. Danh tiếng về tài nghệ tạc tượng Chăm của Võ Mộng Nguyên còn vượt ra khỏi ranh giới vùng đất kinh xưa. Trong lễ hội

Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 vừa qua, không ít du khách đến với Hội làng nghề truyền thống đã mê mẩn khi chứng kiến anh "hóa thân" những phiến đá.

Có thâm niên làm bạn với... đá đã 20 năm qua, song bộ đồ nghề của Nguyên chỉ có mấy cái búa và đục sắt. Năm 17 tuổi, Nguyên theo ông bác ruột là nghệ nhân Sáu Bê (nay đã qua đời) học nghề tạc tượng Chăm. Càng học anh càng phát ghiền. Mỗi khi ngắm nhìn sản phẩm hoàn thiện từ những phiến đá sần sùi, niềm vui sướng dường như xua tan bao nỗi nhọc nhằn. Đôi bàn tay tài hoa của anh bây giờ nhuần nhuyễn đến mức, mũi đục “thả” chỗ nào chính xác chỗ đó mà không cần phân tách, đo vẽ trước.

Tượng, phù điêu Chăm do Nguyên làm ra phần lớn cung cấp cho các cửa hàng kinh doanh đá mỹ nghệ. Một số Việt kiều nghe tiếng cũng tìm đến mua làm vật kỷ niệm. Rất nhiều khu du lịch, nhà hàng, khách sạn cao cấp ở khắp các tỉnh, thành cũng mua tượng về trang trí nội thất. "Tùy theo kích thước lớn nhỏ, mỗi pho tượng có giá từ 1-6 triệu đồng, nếu làm nhanh thì thường phải mất 10 ngày mới xong một pho tượng. Có người mua tượng Chăm vì sở thích, có người mua vì quan niệm tâm linh về các vị thần xa xưa" - Nguyên nói. 


Pho tượng thần Shiva (thần hủy diệt) mà Nguyên vừa hoàn thiện - Ảnh: Đình Phú

Cái khó nhất của nghề này mà rất nhiều người "ngả mũ chào thua" là tạc làm sao phải giống như tượng Chăm cổ đến từng họa tiết và màu sắc. Sau khi hoàn chỉnh, tượng phải thể hiện được phong thái, cốt cách mỗi vị thần. Thứ đến là tính tỉ mẩn. Nghề này chỉ cần sơ sẩy một tí thì không những bỏ luôn cả phiến đá mà công sức chăm chút cũng "xuôi theo dòng nước". Nhưng những yêu cầu ấy chẳng gây khó khăn gì đối với Võ Mộng Nguyên, bởi anh là người duy nhất trong gia đình thừa hưởng hết mọi bí quyết nghề nghiệp do nghệ nhân Sáu Bê truyền lại. Nguyên cho biết sở dĩ anh đam mê và theo nghề cho đến nay "vì thấy công việc tạc tượng Chăm nó hay hay". Một phiến đá nguyên liệu trông rất bình thường, nhưng khi đã thành hình một pho tượng thì "ngắm nhìn mãi không chán, có khi quên cả cơm nước". Vẻ đẹp bí ẩn, cuốn hút của mỗi pho tượng giúp đầu ra của sản phẩm hiện nay tương đối dễ dàng, nên anh bảo rằng "mình đang có cơ hội lớn để giữ vững niềm đam mê đến lúc về già".

Đôi bàn tay của Võ Mộng Nguyên sau nhiều năm gắn bó với nghề đã hóa chai sần như... đá. Mỗi khi gặp sự cố rướm máu anh mới có cảm giác đau, chứ tay chân va vấp với đá, với búa khi đục đẽo thì chẳng "xi nhê" gì. Nhìn những pho tượng liến thoắng thành hình từ sự cần lao, có cảm giác người thanh niên đất kinh xưa này đã "kéo" cả một nền văn hóa cổ xưa gần gũi hơn với cộng đồng.

Đình Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.