Sau chuyến đi, đoàn chúng tôi có dịp gặp lại bà trong một buổi ăn trưa thân mật. Các thành viên vui vẻ kể cho bà nghe những điều đã tìm hiểu được sau một hành trình dài, và cho biết “sẽ viết về những điều tốt đẹp ở nước Mỹ mà chúng tôi đã nhận thấy”. Bà bảo: “Các bạn có thể viết về những điều tốt đẹp và cả những điều các bạn thấy chưa tốt nữa. Tôi muốn đọc tất cả”. Trong bữa ăn, bà luôn cố gắng sử dụng tiếng Việt để trò chuyện.
Buổi gặp gỡ giữa tôi và bà để thực hiện cuộc phỏng vấn diễn ra vào một buổi sáng tháng 10, giữa khu vườn xanh tươi đầy nắng trong khuôn viên ngôi biệt thự mà bà đang sống ở Q.2, TP.HCM. Bà tỏ ra rất thoải mái giữa khu vườn này.
* Trước khi sang Việt Nam bà đã từng sống ở những nước nào?
- Tôi sống trong một gia đình ngoại giao. Hơn 30 năm (từ năm 1952), cha mẹ tôi đã đại diện cho Hoa Kỳ ở nhiều nước trên thế giới. Hai anh trai tôi từng phục vụ ở Ngoại giao đoàn. Tôi sinh tại Bờ Biển Ngà - lúc đó còn là thuộc địa của Pháp, sống ở Pháp 2 năm, ở Hà Lan 5 năm. Rồi chuyển đến Tây Phi, rồi Nam Phi. Tôi học trung học ở Botswana, sống ở Washington, D.C trong khoảng 15 năm và học đại học ở đó. Tôi có rất nhiều bạn học ở Washington, D.C nên tôi coi đó như quê hương. Bạn đã đến đó rồi phải không? Nơi đó đẹp đấy chứ!
“Ngay cả trong thời đại bùng nổ internet, thời đại công nghệ, cũng không gì có thể thay thế cho một chuyến đi thực tế, sự trải nghiệm, những nụ cười, sự giao tiếp với mọi người. Và tôi nghĩ người Mỹ cũng không thể hiểu được một đất nước có nền văn hóa phong phú giàu bản sắc như Việt Nam nếu không có dịp đến đây” - bà Patricia Norland.
* Vâng, tôi rất thích phong cảnh Washington, D.C. Vậy bà muốn trở thành nhà ngoại giao vì truyền thống gia đình?
- Ở Mỹ người ta thường nói con út thường hay muốn nổi loạn. Mặc dù tôi rất yêu và kính trọng cha mẹ nhưng lúc đầu tôi nghĩ mình không nhất thiết phải theo nghiệp của cha mẹ. Tôi làm cho một tổ chức phi chính phủ vài năm. Nhưng rồi tôi bỗng nhiên có niềm tin vào sự giao lưu giữa con người với nhau thông qua những ấn phẩm của thượng nghị sĩ Fulbright. Đây là điều tôi học được từ cha mẹ tôi, từ thượng nghị sĩ Fulbright, và cũng chính là niềm tin của cá nhân tôi rằng: thông qua sự giao lưu trao đổi giữa con người với con người, chúng ta sẽ có một thế giới tốt đẹp hơn.
* Công việc của một tùy viên văn hóa gồm những gì? Bà thích phần nào nhất trong công việc của mình?
- Tôi rất may mắn được làm những gì mình thích. Một phần chính trong công việc là điều hành các chương trình trao đổi văn hóa của Chính phủ Hoa Kỳ. Chúng có tính chất và quy mô khác nhau. Chương trình khách tham quan là một cách để người Việt Nam có thể tới Mỹ. Chương trình đưa người Mỹ sang Việt Nam, ví dụ chương trình diễn giả Mỹ, là một chương trình tôi rất thích. Chủ đề có thể là các vấn đề về môi trường, báo chí hoặc bầu cử. Tuần rồi chúng tôi vừa đưa một giáo sư từ Boston qua đây để thuyết trình về bầu cử tổng thống Mỹ. Họ không chỉ thuyết trình mà còn trả lời tất cả các câu hỏi. Chúng tôi không bảo họ phải nói gì, làm gì. Họ chỉ nói lên quan điểm của họ, và tôi nghĩ đó cũng là một nét văn hóa Mỹ. Dù đây là một chương trình của Chính phủ nhưng các diễn giả vẫn có quan điểm riêng.
Bà Patricia Norland và chú mèo cưng tại nhà riêng - Ảnh: P.T.N |
Một chương trình khác mà tôi cũng rất thích là làm việc với giới báo chí khi chúng tôi có khách mời quan trọng từ Washington, chẳng hạn như đoàn đại biểu Quốc hội Mỹ gần đây. Chúng tôi tạo ra các diễn đàn báo chí, một cơ hội để các khách mời từ Mỹ được gặp gỡ và đối thoại với giới truyền thông Việt Nam. Một phần rất quan trọng trong công việc của chúng tôi là làm việc với báo chí, cung cấp thông tin cần thiết về các chương trình và dự án mà chúng tôi cũng như Chính phủ Mỹ đang thực hiện.
* Bà yêu thích công việc và cuộc sống ở VN chứ?
- Tôi mong muốn được ở đây 4 năm vì công việc rất thú vị, và cũng rất phức tạp, không hề nhàm chán. Để thiết lập các mối quan hệ, để hiểu nhiều biết nhiều cần rất nhiều thời gian, trong khi hai năm trong nhiệm kỳ thì trôi rất nhanh (búng tay). Tôi có các đồng nghiệp tốt. Nơi đây thật đẹp, và rất tốt cho mẹ tôi. Bà được hưởng điều kiện chăm sóc chu đáo mà chưa chắc ở Mỹ đã có, mà nếu có sẽ rất tốn kém.
* Phim ảnh, âm nhạc, sách báo là các sản phẩm văn hóa Mỹ tiếp cận người Việt Nam bằng những cách nhanh nhất và thông dụng nhất. Theo bà thì nếu đọc và xem các sản phẩm này sẽ hiểu được văn hóa Mỹ đến đâu?
- Tôi nghĩ đó là một phần của nước Mỹ. Nhưng Hollywood không đại diện cho cả nước Mỹ. Cách sống của những nhân vật trong phim cũng không phải là cách sống của bất cứ người dân nào ở Mỹ. Theo tôi nếu được đọc những tác phẩm thi ca bất hủ của các nhà thơ Mỹ hoặc xem những phim kinh điển Mỹ cũng rất bổ ích. Nhiều người cho rằng những phim hay nhất của Mỹ được làm từ những thập kỷ 40 và 50. Đó là thời kỳ hoàng kim của điện ảnh Mỹ. Nhưng chúng tôi cũng có nhiều nhà văn trong thế kỷ 19 và 20 đã khắc họa được tinh thần tiên phong của người Mỹ. Chúng tôi sống tích cực, hướng về tương lai nhờ một phần từ cuộc di dân từ bờ Đông sang bờ Tây. Một số các nhà văn Mỹ đã viết rất hay về các cuộc phiêu lưu vượt qua hiểm nguy và các hiểm họa thiên nhiên dọc nước Mỹ. Những điều đó nói lên rất nhiều về tính chất của người Mỹ.
* Trong lịch sử văn hóa nhân loại, sự trao đổi văn hóa và ảnh hưởng qua lại là rất bình thường. Bà có nhận thấy văn hóa Mỹ có ảnh hưởng đến Việt Nam, và nếu có thì đó có phải là ảnh hưởng tích cực?
- Trong thời đại toàn cầu hóa, thật khó phân biệt rạch ròi đâu là văn hóa Mỹ, u. Mọi thứ hòa trộn với nhau. Nhưng tôi cũng nghĩ thời đại toàn cầu hóa cũng làm cho chúng ta sống gấp gáp hơn, nhanh hơn, và đây chính là một ảnh hưởng kiểu Mỹ. Dường như lúc nào chúng ta cũng phải làm nhiều hơn. Bản thân tôi nghĩ đó là một sự ảnh hưởng pha trộn.
* Khoảng 7 năm trước, VN không có một tiệm ăn nhanh nào. Giờ thì các tiệm KFC mọc lên như nấm ở các thành phố lớn. Nhiều người cho rằng “ăn nhanh” cũng là một nét văn hóa Mỹ…
- Có thể vậy. Trong nhiều trường hợp không có nhiều thời gian thì thức ăn nhanh cũng tốt, chỉ đừng nên ăn thường xuyên hằng ngày. Có những trưa tôi cũng phải ăn nhanh một cái bánh kẹp vì có cuộc hẹn lúc 1 giờ. Tuy nhiên hiện nay ở châu u đang có phong trào “ăn chậm”, cổ xúy cho việc nấu ăn tại nhà, ngồi ăn cơm chung với cả gia đình, uống một ly trà hoặc ly ruợu trong lúc chờ thức ăn chín. Từ Ý, nó đang lan sang châu u và Mỹ. Cái quan trọng là có nhiều sự lựa chọn phù hợp với thời gian và hoàn cảnh, dù ăn nhanh hay ăn chậm. Như ở Mỹ, chúng tôi rất hay ăn thịt nướng ngoài trời, và tôi thích kiểu này vì nó tốn rất nhiều thời gian để chuẩn bị, và trong lúc đó mọi người có thể tụ tập nói chuyện, uống bia. Hoặc làm và ăn bánh xèo như ở Việt Nam cũng rất hay (cười). Đương nhiên với tư cách một phụ nữ, tôi không muốn việc ăn chậm sẽ đồng nghĩa với việc phụ nữ phải dành thời gian quá nhiều trong bếp. Chúng ta phải tìm cách dung hòa.
* Bà có quan tâm đến sách báo phim ảnh Việt Nam? Có tác phẩm nào làm bà ấn tượng?
- Danh sách tác phẩm mà tôi muốn xem rất dài. Tôi cũng đọc một số sách lịch sử của Nguyễn Khắc Viện. Lúc rảnh rỗi, tôi cố gắng đọc một số báo chí Việt Nam, như Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Saigon Weekly Economic Times. Phim thì tôi chưa được xem nhiều, tôi cần phải sắp xếp lại thời gian. Tôi thấy người Việt rất tình cảm và lãng mạn. Tôi thích cách người Việt kính trọng người cao tuổi, và trân trọng giá trị gia đình. Mẹ tôi rất được kính trọng khi ở đây. Mục tiêu của tôi là đọc hết cuốn The Kim Vân Kiều.
* Tôi thấy trong nhà bà có cả chó và mèo. Nuôi thú cưng hẳn là sở thích của bà?
- Mẹ tôi thường nói là mỗi người đều nên nuôi một con chó, và tôi đồng ý. Tôi nghĩ khi chúng ta quan tâm đến các động vật sống khác như mèo, chó, ngựa, thậm chí gia súc, chúng ta sẽ sống nhân hậu hơn, người hơn. Tôi muốn nghiên cứu đạo Phật nhiều hơn bởi vì Phật dạy người ta phải tôn trọng tất cả các sinh vật sống.
* Xin cám ơn bà.
Phạm Thu Nga
(thực hiện)
Bình luận (0)