Mòn mỏi chờ thi lấy bằng lái ô tô

19/10/2008 23:03 GMT+7

Người đăng ký học lái ô tô tại TP.HCM giờ đây phải chờ có khi hơn cả năm mới được thi, trong khi trước kia chỉ khoảng 3 - 4 tháng.

Xếp hàng chờ học

Sáng 18.10, tại phòng ghi danh thuộc trường Dạy nghề số 7 (Q.10), chúng tôi hỏi một nhân viên ở đây, đăng ký học lái xe ô tô phải chờ trong bao lâu. Nhân viên trả lời học thi lấy bằng B2 phải chờ đến ngày 8.12 mới khai giảng khóa mới, rồi chờ thêm 8 - 10 tháng nữa mới được thi. "Như vậy là còn nhanh đấy, chứ vài tháng trước có khi phải chờ đến 18 tháng mới được thi" - nhân viên này nói. Vào tháng 9 vừa rồi nhà trường không nhận hồ sơ nào, đến tháng 10 này mới nhận và khóa học mới đã khai giảng. Tại bãi thực hành lái xe ô tô thuộc trường này, anh Thái - một học viên kể: "Tôi đăng ký học đã 4 tháng nay nhưng phải chờ đến tháng 6.2009 mới được thi lấy bằng". Còn tại trường Trung học Giao thông - Công chính (Q.12), thuộc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM, ông Vũ - giáo viên dạy thực hành lái xe ô tô cho biết, hiện những người muốn đăng ký học và thi bằng B2 phải chờ 6 - 8 tháng mới được thi, còn muốn thi bằng C phải chờ ít nhất 10 - 12 tháng.

Ông Dương Tự Lực, Trưởng phòng Sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX) - Sở GTVT TP.HCM cho hay: Trước đây, khi người dân chưa có nhu cầu học lái xe đông, học viên đăng ký xong vô học ngay và từ 3 tháng rưỡi - 4 tháng là thi. Nhưng cũng có trường do chưa đủ học viên nên phải chờ cho đủ người mới khai giảng khóa học, có khi chờ 5 - 6 tháng mới thi. Khi nhu cầu tăng cao, có trường bắt học viên phải chờ 1 - 1 năm rưỡi mới được thi.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết trong số những người học và thi lấy GPLX ô tô, có không ít người chưa có ô tô riêng nhưng vẫn muốn trang bị cho mình kỹ năng lái xe, nên đăng ký học. Đặc biệt, nhiều thanh niên, công nhân lao động muốn chuyển sang nghề lái taxi, xe du lịch... cũng tìm đến các trường đào tạo lái xe. Gần đây, khi có chủ trương cấm xe 3  bánh tự chế, không ít người có điều kiện chuyển sang mưu sinh bằng xe tải nhẹ cũng đăng ký học. Theo nhận định của ông Dương Tự Lực, còn có một nguyên nhân khác nữa là do người dân nghe tin sắp tăng học phí nên rủ nhau đi học, dù trong số đó có người chưa có nhu cầu thực sự. Mức học phí mới được đề nghị từ 5,9 - 8,5 triệu đồng tùy theo hạng GPLX (hiện nay khoảng 3,5 triệu đồng).

Chuyện học viên phải xếp hàng chờ học, chờ thi diễn ra sau khi Cục Đường bộ Việt Nam tính toán lại lưu lượng học viên được phép đào tạo của các trường, trong lúc nhu cầu học lái xe của người dân tăng đột biến. Theo quy định trước đây của Cục Đường bộ Việt Nam, các trường nhận học viên đủ lưu lượng cho 1 khóa  thì phải đào tạo xong khóa mới được mở khóa mới, không được phép dạy gối đầu. Quy định này không chỉ khiến trò cực mà thầy cũng mệt và thu nhập  giảm.

Tháo gỡ "ùn tắc"

Một số bất cập của quy chế quản lý đào tạo lái xe cơ giới đã được Cục Đường bộ Việt Nam điều chỉnh bằng văn bản số 2540/CĐBVN-QLPT&NL do Phó cục trưởng Nguyễn Văn Quyền ký ngày 26.6.2008. Ông Dương Tự Lực cho biết, văn bản hướng dẫn này, cùng với việc các trường đầu tư thêm xe, tăng cường giáo viên, sẽ tạo lại thế cân bằng. Hiện tại, lưu lượng học viên lái xe ô tô do Cục Đường bộ Việt Nam cấp cho TP.HCM là 10.000 học viên/khóa, đồng thời Sở GTVT cũng lập kế hoạch đào tạo giáo viên thực hành, tổng cộng 2 đợt khoảng 400 giáo viên, tương đương với thêm khoảng 4.000 học viên nữa. Hiện các trường đang làm thủ tục để được cấp phép tăng lưu lượng đào tạo. Như vậy, tổng lưu lượng học viên sẽ được nâng lên từ 10.000 lên 14.000 học viên/khóa. Trong tháng 10 và tháng 11.2008, Sở GTVT sẽ mở thêm lớp bồi dưỡng nghiệp vụ và khóa tập huấn cho giáo viên dạy thực hành, như vậy sẽ tăng năng lực đào tạo của các trường. Hiện có 3 trường mới đang làm thủ tục đăng ký đào tạo lái xe ô tô, với tổng lưu lượng khoảng 600 học viên/khóa.
Ông Dương Tự Lực nhận định: "Nhờ được điều chỉnh kịp thời, nên thời gian chờ của học viên đang được rút ngắn dần". Theo thông tin mới nhất mà ông Lực cung cấp cho phóng viên, nếu đăng ký vào thời điểm hiện nay tại trường Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương, thì khoảng 10 tháng sau học viên sẽ được thi. Thời gian chờ ở trường Dạy nghề tư thục lái xe Bách Khoa là 9 tháng; trường Dạy lái xe Hoàng Gia từ 10 - 11 tháng; trường Dạy nghề tư thục lái xe Tiến Bộ khoảng 11 tháng; trường Trung học Giao thông  - Công chính khoảng 9 - 11 tháng. Hai trường có số lượng học viên đăng ký rất nhiều là trường Dạy nghề số 7 (Quân khu 7) và Trung tâm Dịch vụ việc làm Vinhempich phải chờ lâu hơn, khoảng 1 năm hoặc trên 1 năm mới có thể dự thi.

Về việc dạy gối đầu để học viên không phải chờ đợi lâu, ông Dương Tự Lực cho rằng, đó là do sự sắp xếp của các trường. Chẳng hạn, một trường có lưu lượng được phép đào tạo là 400 học viên/khóa, nếu nhận cùng lúc 400 người thì phải đào tạo xong khóa này mới được mở khóa tiếp theo; nhưng nếu trường đó nhận vào số lượng học viên mỗi khóa ít hơn, khoảng 100 - 150 học viên/khóa, thì sẽ được phép đào tạo gối đầu.

Tuy rằng các trường và Sở GTVT TP.HCM có nhiều cố gắng tháo gỡ "ùn tắc" học và thi lấy bằng lái xe ô tô hiện nay, nhưng tình trạng quá tải vẫn cứ diễn ra và có thể còn kéo dài đến năm 2009. Ông Nguyễn Thanh Hải, giám đốc một doanh nghiệp than: "Mặc dù có tài xế riêng, nhưng tôi vẫn muốn đi học lái ô tô để có thể tự lái xe vào những ngày cuối tuần, đưa đón người trong gia đình. Tôi nghĩ học và thi bằng lái xe là nhu cầu chính đáng, ngành GTVT cần phải tạo điều kiện cho người dân chứ không nên siết".

Mai Vọng - Nguyễn Đình Mười

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.