Nhà sử học làng

20/10/2008 00:30 GMT+7

Gọi ông là nhà sử học làng vì đến nay ông đã có hai công trình nghiên cứu về hai làng quê nổi tiếng của Thừa Thiên-Huế. Đó là Địa chí văn hóa xã Quảng Thái (xuất bản năm 1999, giải ba A toàn quốc của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam) và Vỹ Dạ chí lược, đã hoàn tất bản thảo nhưng... chưa có tiền xuất bản.

Ông tên là Văn Đình Triền, 91 tuổi, hiện ở nhà số 6, kiệt 10 đường Lâm Hoằng, phường Vỹ Dạ, TP Huế. Ông là cán bộ hưu trí, đến cư ngụ Vỹ Dạ từ năm 1981. Trước đây hầu như các bô lão trong bảy họ khai canh làng Vỹ Dạ xưa không ai biết đến "cụ Triền". Thế mà bây giờ họ xem ông như một báu vật của làng, vì ông là người hiểu Vỹ Dạ sâu sắc đến từng tấc đất, thửa ruộng, ngôi đình.

Chúng tôi tìm đến nhà ông, gõ cửa hỏi cụ Triền. Một ông già râu tóc bạc phơ, rắn rỏi và tinh anh bước ra: "Tôi là Triền đây".  Ở tuổi 91, ông vẫn kể cho chúng tôi rành mạch từng năm, từng tháng cuộc đời của mình từ trai trẻ, tham gia cách mạng cho đến việc trở thành "nhà sử học làng" bây giờ. 

Quê ông ở làng Phong Lai, xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên- Huế), nơi nổi tiếng trồng loại thuốc lá dành cho những lão nông lực điền. Loại thuốc hút vào "ngon đến nghẹn cổ".   

*

Vỹ Dạ nổi tiếng từ trong ca dao, với câu: "Đò từ Đông Ba đò qua Đập Đá/Đò về Vỹ Dạ thẳng ngã ba Sình…". Rồi đến bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ của Hàn Mặc Tử. Thế nhưng, mãi cho đến hôm nay, nhiều người vẫn không biết Vỹ Dạ nghĩa là gì.

Ông Triền kể: "Một lần tui lên Kim Long thăm một người bạn. Có người nghe tui ở Vỹ Dạ nên mới khoác lác với tôi rằng: Vỹ Dạ tiếng Hán có nghĩa là Cái đuôi đêm. Rồi giải thích: Trước đây, Vỹ Dạ là vùng đất hội ngộ của văn nhân mặc khách. Mà văn nhân thi sĩ thì hay thơ phú rề rà thâu đêm suốt sáng. Chính vì vậy người ta đã đặt cho vùng đất này là Vỹ Dạ để ví như cái đuôi của đêm vậy".

Nghe người này lý giải, máu ông sôi lên. Có lẽ nào một vùng đất như thế mà xuất xứ danh xưng lại lạ lùng như vậy. Từ đó ông bắt tay vào nghiên cứu lịch sử Vỹ Dạ, tiền đề cho cuốn Vỹ Dạ chí lược hiện nay.

Đầu tiên ông Triền tìm về người thầy dạy học của mình ngày xưa ở Quảng Điền là cụ Nguyễn Đức Thọ, lúc này cũng đã già và đang sống ở Vỹ Dạ. Cụ Thọ là người học rộng hiểu nhiều, đồng thời cũng là một bô lão trong số 7 họ chính khai canh của làng. Cụ Thọ giải thích: "Vỹ Dạ là cách nói trại đi của hai chữ Vỹ Dã (còn có âm Vi Dã),  nguyên nghĩa tiếng Hán là cánh đồng lau lách". Cách giải thích này của thầy làm ông tâm đắc hơn. Nhưng rồi Vỹ Dạ có từ bao giờ, hình thành như thế nào, địa giới hành chính ra sao... vẫn còn là những bí ẩn khiến ông khát khao muốn tìm hiểu.

Vốn biết chữ Hán, ông về nhà thờ của 7 họ khai canh để lục tìm các gia phả, sắc phong cũ... nhưng tất cả đều lắc đầu không cho mượn. Sau này, có người chỉ ông đến chùa làng ở Vỹ Dạ, người thủ tự nơi đây, do sợ bị tịch thu cũng từ chối khéo rằng "chiến tranh loạn lạc lâu ngày đã bị thiêu rụi cả rồi". Nhiều lần thuyết phục, cuối cùng người thủ tự ngôi chùa làng mới tin tưởng giao cho ông mượn toàn bộ tư liệu cũ của làng. Sau đó, ông Triền còn vào lục lọi tất cả các sử liệu của nhà Nguyễn, tìm hiểu các cuốn sách lịch sử hiện có để nghiên cứu cho công trình Vỹ Dạ chí lược.

Ông Triền kể: "Nghiên cứu tôi mới phát hiện rất nhiều điều hay, ví như không ai biết dân Vỹ Dạ có nguồn gốc từ đâu. Tìm hiểu mới biết, cư dân Vỹ Dạ có gốc tích từ các huyện trong tỉnh: Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang, Phú Lộc và TP Huế. Nhiều người thắc mắc Phú Lộc ở xa thế làm sao có thôn ấp ở Vỹ Dạ?  Sau khi nghiên cứu tôi mới biết, ngày xưa vùng đất của cư dân vạn đò bên Cồn Hến, có một thôn từ dưới Phú Lộc lên định cư và vẫn chịu sự quản lý của huyện Phú Lộc cho đến 1945...".

Cuốn Vỹ Dạ chí lược hoàn thành năm 1994, nhưng mãi đến nay vẫn chưa có tiền để in, ông photocopy tặng cho 7 họ lớn của Vỹ Dạ mỗi họ mỗi bản. Chính việc làm này đã giúp các dòng họ có tư liệu lưu giữ cho con cái mình sau này biết gốc tích dòng họ mình. Ông trở thành ân nhân của các dòng họ lớn tại Vỹ Dạ...

 *

Sau khi hoàn thành bản thảo Vỹ Dạ chí lược, ông Triền nghĩ: "Sao mình không viết cho làng mình một cuốn tương tự để cho con cháu sau này biết nguồn gốc quê hương". Nghĩ là làm, ông bắt tay vào sưu tập tư liệu, tìm hiểu lịch sử và cuốn Địa chí văn hóa xã Quảng Thái, quê ông đã hình thành. Năm 1999, sau khi hoàn thành bản thảo ông đã nhờ hai tác giả là Huỳnh Đình Kết và Trần Đình Tối bổ sung, hiệu đính và đứng tên đồng tác giả. Cuốn sách được xuất bản khoảng 250 cuốn, chủ yếu cấp cho Đảng bộ và nhân dân xã Quảng Thái. Sau đó ông Huỳnh Đình Kết gửi cuốn sách tham dự giải thưởng văn học nghệ thuật dân gian toàn quốc do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức. Năm đó, công trình đã đoạt giải ba A (không có giải nhất), ông Triền nhận phần thưởng 5 triệu đồng. "Làm nghiên cứu là để phục vụ quê hương, ai ngờ được giải mà lại có tiền" - ông nói.

Phần thưởng trở thành niềm khích lệ lớn để ông Triền ấp ủ ý định phải in cho được cuốn Vỹ Dạ chí lược trước khi nhắm mắt. Mọi công việc đang chuẩn bị sắp xong thì đùng một cái, năm 2007, người bạn đời yêu dấu của ông đã ra đi. Nỗi buồn ập đến khiến việc in ấn cuốn sách phải đình lại.

Trước khi chia tay "nhà sử học làng" để ra về, tôi mượn bản thảo cuốn Vỹ Dạ chí lược về đọc. Tôi đã bỏ ra một đêm đọc cuốn địa chí của ông, dày 228 trang viết tay, suốt đến sáng. Cuốn sách được viết bằng một nét chữ đẹp, đều đặn, sạch sẽ và ngay ngắn mà thế hệ ngồi bàn phím như chúng tôi chắc chắn không thể sánh bằng... Càng đọc, tôi càng bất ngờ trước nhiều điều thú vị và giá trị tư liệu của cuốn sách. Không ai tin nổi một cụ già trên 91 tuổi, chỉ mới học hết lớp tam mà lại có một tư duy khoa học biện chứng, logic và sắc sảo đến vậy. Cuốn sách có đủ lời nói đầu, phần giới thiệu khái quát cho đến từng giai đoạn biến thiên khác nhau của vùng đất Vỹ Dạ. Không chỉ riêng những điều ít ai biết về Vỹ Dạ, cuốn sách còn cung cấp rất nhiều tư liệu quý về địa lý, văn hóa, lịch sử, phong tục, lễ nghi và lịch sử cách mạng của Huế nói riêng và Thừa Thiên - Huế nói chung.

Bùi Ngọc Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.