Nhiều ý kiến tranh luận, thậm chí trái chiều, tại hội thảo khoa học "Tìm kiếm giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực do khai thác, chế biến quặng bauxit, sản xuất alumin và luyện nhôm đến kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ" tổ chức trong hai ngày 22 và 23.10 tại tỉnh Đắk Nông.
Theo Quyết định 167/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Than - Khoáng sản VN (TKV) được giao làm cơ quan đầu mối các dự án khai thác bauxit, sản xuất alumin và luyện nhôm của vùng Tây Nguyên. Dự án này được đánh giá sẽ đem lại những lợi ích đáng kể cho địa phương, hình thành các cụm kinh tế công nghiệp, kéo theo sự phát triển các ngành dịch vụ, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động, chuyển đổi cơ cấu kinh tế khu vực…
Tuy nhiên, hội thảo đã ghi nhận ý kiến của cả Tập đoàn TKV và các nhà khoa học cho rằng, quá trình khai thác quặng bauxit, sản xuất alumin trên quy mô lớn (vùng quặng chiếm 2/3 diện tích tỉnh Đắk Nông) sẽ có nhiều tác động tiêu cực đến các vấn đề văn hóa, xã hội và môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân địa phương. Hoạt động tuyển quặng, chế biến alumin hằng năm sẽ thải ra hàng chục triệu tấn chất thải bùn đỏ, bùn oxalat độc hại, có nguy cơ ô nhiễm cao. Đặc biệt sẽ tiêu tốn một lượng điện và nước cực lớn, trong khi cả nước vẫn trong tình trạng thiếu điện, còn Tây Nguyên không đủ nước cho sản xuất nông nghiệp.
Đã có ý kiến quan ngại về tác động đến cộng đồng dân cư của dự án bauxit nhất là với không gian văn hóa truyền thống của đồng bào bản địa. Tìm kiếm giải pháp
TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Công ty năng lượng Sông Hồng thuộc Tập đoàn TKV khuyến nghị, để giảm thiểu các tác động tiêu cực, chỉ cần triển khai thử nghiệm một dự án alumin ở Nhân Cơ để xác định công nghệ khai thác, quy trình xử lý bùn đỏ, khả năng hoàn thổ; đồng thời có thời gian đào tạo nhân lực, đánh giá, rút kinh nghiệm trước khi mở rộng ra các dự án khác.
TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, gọi đây là "siêu dự án" vì quy mô quá lớn, nhiều vấn đề đặt ra vượt cả tầm giải quyết của nhà đầu tư và chính quyền địa phương, cần có thêm những đóng góp, đề xuất về giải pháp để xây dựng thành chính sách thực thi. Ông Thiên kết luận: "Đối với các dự án lớn như thế này, cần đặt trên cơ sở đầu tư phải làm lan tỏa sự phát triển chung của cả cộng đồng". |
Hai ngày hội thảo chưa thực sự giải quyết tất cả vấn đề nhưng đã giúp các nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhận diện những nan giải trong quá trình thực hiện dự án bauxit ở Tây Nguyên.
Trần Ngọc Quyền
Bình luận (0)