Khi đất nước đổi mới, kinh tế gia đình ngày càng nâng cao, tiện nghi đầy đủ, nhiều phụ nữ trở nên “phát tướng”. Nhìn các cô người mẫu thân hình thon thả, chị em ta bỗng dưng muốn... ốm. Thị trường béo bở phục vụ cho nhu cầu chính đáng này chính là các loại thuốc giảm cân, làm ốm đang được sử dụng một cách “hầm bà lằng”, bất kể những tác dụng phụ nguy hiểm có thể gặp phải.
Dễ bị lệ thuộc
Thuốc chống béo phì và thuốc giảm cân được ám chỉ bởi tất cả những tác nhân dược học vốn có khả năng làm giảm hoặc kiểm soát trọng lượng cơ thể. Những loại thuốc này sẽ làm biến đổi một trong những tiến trình cơ bản nhất cho cơ thể. Đó là điều hòa trọng lượng bằng cách tác động vào sự thèm ăn hoặc sự chuyển hóa. Phương cách chung để điều trị các bệnh béo phì, dư cân là chế độ dinh dưỡng và rèn luyện thể chất. Song, do những tác động phụ tiềm tàng, những loại thuốc này chỉ dùng để kê toa cho các trường hợp béo phì nghiêm trọng mà thầy thuốc lẫn bệnh nhân đều mong rằng lợi ích của việc giảm cân sẽ làm “lu mờ” những tác dụng phụ của chúng. Nếu chế độ dinh dưỡng và rèn luyện thể chất vẫn chưa đủ “đô” cho các bệnh nhân quá béo phì, thuốc giảm cân mới được tung ra.
Thuốc nhuận trường, thuốc xổ có thể gây ung thư |
Ở khía cạnh tâm lý, các nhà y học và xã hội học cũng đã lên tiếng về sự thay đổi hành vi, lối sống của những người sử dụng thuốc gây giảm cân. Theo đó, những người sử dụng các loại thuốc giảm cân có vẻ ăn nhiều, thèm các loại thức ăn “tạp nhạp”- vốn rất dễ gây tăng cân. Họ cũng sẽ trở nên lười biếng vận động, không muốn chơi thể dục thể thao, vì lúc nào cũng nghĩ rằng mình đã có sẵn “lá bùa hộ mệnh” - những viên thuốc giảm cân. Từ đó, họ quá lệ thuộc vào những viên thuốc này và cảm thấy bất lực khi thiếu chúng.
Miếng dán: Gây rối loạn tuyến giáp
Hiện trên thị trường đã có vô số những miếng dán có tác dụng giảm cân. Miếng dán giảm cân tác động bằng cách tăng cường chuyển hóa năng lượng của cơ thể. Có nghĩa là chúng sẽ biến đổi thực phẩm thành dạng năng lượng thay vì dưới dạng mỡ. Miếng dán này có tác dụng kích thích tuyến giáp, làm tăng sự chuyển hóa, giúp phân giải mỡ, nhờ đó có được tác dụng giảm cân.
Một số miếng dán giảm cân có thành phần chính được chiết xuất từ một loại tảo nâu (có nhiều ở vùng biển nước Anh), tác động bằng cách làm tăng nguồn iodine mà cơ thể cần để kích thích sự tiết ra các hormone của tuyến giáp để điều hòa năng lượng và hỗ trợ chuyển hóa.
Những miếng dán giảm cân cũng có một số tác dụng phụ đáng lưu ý, trước hết là sự kích ứng da. Sử dụng liều cao và lâu dài sẽ gây chứng cường giáp. Loại thuốc dán này chống chỉ định cho thai phụ hoặc phụ nữ đang cho con bú. Những người bị các rối loạn về tuyến giáp, tiểu đường, huyết áp cao, bị các bệnh về tim mạch..., cũng không được dùng.
Như vậy, những cái gọi là thuốc giảm cân, thuốc làm ốm, thuốc chống béo phì... không nên sử dụng một cách bừa bãi mà phải có sự chỉ dẫn rõ ràng của thầy thuốc và chỉ được dùng trong những trường hợp cực kỳ béo phì. Đối với những quý bà, quý cô hơi có da thịt, chỉ nên quan tâm đến chế độ dinh dưỡng và cố gắng rèn luyện thân thể. Có sức người thì... mỡ sẽ nhường da!
Theo DS Nguyễn Bá Huy Cường
(ĐH Curtin - Úc) / Người Lao Động
Bình luận (0)