Trong báo cáo mới đây về tình trạng ô nhiễm gửi thường trực HĐND thành phố, UBND thành phố Hà Nội cho biết, tổng lượng nước thải của khu vực nội thành Hà Nội vào khoảng trên 500.000 m3/ngày đêm, trong đó có khoảng 100.000 m3 là nước thải của các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, bệnh viện... Hầu hết lượng nước thải này được thải trực tiếp vào hệ thống cống và đổ xuống 4 con sống chính là Tô Lịch, Lừ, Sét và Kim Ngưu. Con số 5-7% lượng nước thải qua xử lý mà Phòng quản lý môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội công bố khiến người ta rùng mình. Điều này giải thích tại sao các con sông của Hà Nội đều trở thành giống như những hố ga tự nhiên khổng lồ, hôi thối và ô nhiễm, bất chấp những kế hoạch xây kè, nạo vét tốn kém.
Toàn thành phố hiện mới có 4 trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, với công suất xử lý 48.000 m3/ngày đêm. Như vậy vẫn còn khoảng 400.000 m3 chưa được xử lý, hàng ngày đổ trực tiếp vào các dòng sông.
Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở sử dụng vi sinh trong nước thải để phát triển hệ thống sinh học sử dụng trong xử lý nước thải. Đồng thời do sử dụng phương pháp tích hợp nên dân cư xung quanh sẽ không hề bị ảnh hưởng bởi mùi hôi thối từ nhà máy xử lý nước thải như thường thấy. Chi phí xử lý nước thải tại nhà máy Yên Sở khoảng 800-900 USD/m3. (TS. Lim Phaik Leng) |
Đặt tại công viên Yên Sở, TS. Lim nói rằng, nhà máy này sẽ xử lý nước lấy từ sông Kim Ngưu và Sông Sét - 2 con sông có mức độ ô nhiễm nghiêm trọng nhất khu vực phía Đông Hà Nội. Cũng theo TS. Lim, nhà máy này sẽ được khởi công vào đầu tháng 11.2008 và dự kiến hoàn thành sau 13 tháng.
Là một kỹ sư, với 22 năm kinh nghiệm trong việc cung cấp các dịch vụ tư vấn và xây dựng công trình về thoát nước, xử lý nước và quản lý nguồn nước thải của Malaysia, TS. Lim Phaik Leng nói rằng, Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ ngày càng phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do sự phát triển và đô thị hóa nhanh nếu như không có đối sách kịp thời.
"Chính quyền cần phải sáng tạo hơn trong việc tìm kiếm các nguồn tài trợ, kêu gọi nhiều người cùng tham gia giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường", TS. Lim nói. Theo ông, hiện Hà Nội có 80 khu công nghiệp nhưng chỉ 50% trong số đó có trang bị hệ thống xử lý nước thải, còn lại xả trực tiếp ra sông. "Ít nhất, cần đảm bảo rằng nước thải tại các khu công nghiệp phải được xử lý trước khi thải ra sông. Pháp luật Việt Nam rất chặt chẽ nhưng cần phải mạnh mẽ hơn trong việc thực thi", TS. Lim khuyến cáo.
Nguyễn Nam
Bình luận (0)