Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII: Tranh luận chưa dứt về thuế tiêu thụ đặc biệt

27/10/2008 22:40 GMT+7

Tại sao tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với bia hơi mà không đánh thuế TTĐB đối với kinh doanh thẩm mỹ viện, chăm sóc sắc đẹp? Tại sao đánh thuế điều hòa nhiệt độ mà không tăng thuế kinh doanh sân golf?... Đây là những nội dung được các đại biểu (ĐB) thảo luận sôi nổi trong phiên họp QH sáng qua.

"Máy điều hòa nhiệt độ không còn là mặt hàng cao cấp, xa xỉ như cách đây 10 năm, do vậy tôi đề nghị đưa máy điều hòa ra khỏi đối tượng chịu thuế TTĐB" - ĐB Trần Hồng Việt (Hậu Giang) mở đầu và đa số các ĐBQH phát biểu sau đó ủng hộ chủ trương này. Trong khi đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Lương Phan Cừ là một trong số ít ĐB không đồng tình: "Tôi đồng ý mức sống đã được nâng lên nhiều nhưng nếu về những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa thấy bà con còn rất khó khăn, đi mừng đám cưới chỉ có 5.000 đồng thôi, làm gì có điều hòa nhiệt độ. Chúng ta nên chia sẻ. Tôi đề nghị vẫn đánh thuế TTĐB đối với máy điều hòa nhiệt độ nhưng nên hạ mức thuế suất xuống còn 10-12% (hiện hành là 15% - PV)". ĐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang) thì chỉ đồng ý hạ mức thuế suất đối với điều hóa dưới 9000 BTU vì "đúng là vật dụng thiết yếu của các gia đình ở đô thị nhằm bảo vệ sức khỏe".

Trao đổi với PV Báo Thanh Niên sau phiên họp, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH Bùi Đặng Dũng nói rằng, khi thẩm tra dự Luật thuế TTĐB, ủy ban này đã cân nhắc đến việc này và cuối cùng thuận với đề nghị của Chính phủ. "Nếu bỏ điều hòa nhiệt độ ra khỏi diện chịu thuế TTĐB, mỗi năm ngân sách giảm thu khoảng 400 tỉ. Đây là con số phải tính toán, đặc biệt trong điều kiện thâm hụt ngân sách còn lớn như hiện nay", ông Bùi Đặng Dũng giải thích.

Trong khi đó, đề nghị tăng thuế TTĐB đối với mặt hàng bia hơi từ 40% lên 50% gặp phải sự phản đối của tuyệt đại đa số các ĐB phát biểu tại hội trường sáng qua. ĐB Võ Minh Thức (Phú Yên) nói: "Khi chúng ta tăng thuế TTĐB đối với bia hơi từ 30% lên 40% thì đã có trên 50% doanh nghiệp không còn sản xuất được, nay tăng lên 50% thì liệu bao nhiêu doanh nghiệp có thể tồn tại?". Ông Thức cho rằng bia hơi là mặt hàng bình dân, là nhu cầu bức thiết của người dân nên chỉ nên đánh thuế ở mức 30% (như năm 2006 và 2007). ĐB Lương Phan Cừ lấy dẫn chứng QH nhiệm kỳ trước đã từng bàn đến việc làm thế nào có một nhà máy bia hơi ở Hạ Long để người lao động ngành than "có được cốc bia giải khát" sau giờ làm việc vất vả, để thuyết phục QH rằng không nên tăng thuế đối với mặt hàng này. Việc thâm hụt từ thuế đối với bia hơi có thể được bù bằng đánh thuế các mặt hàng khác. Ví dụ như tăng thuế đối với kinh doanh sân golf (ĐB Ngô Văn Minh, Quảng Nam), tăng thuế đối dịch vụ giải phẫu thẩm mỹ, chăm sóc sắc đẹp (ĐB Nguyễn Thị Mỹ Hương, Đà Nẵng)...

Là phụ nữ, nhưng ĐB Nguyễn Thị Mỹ Hương là người đầu tiên lên tiếng về việc cần đưa dịch vụ giải phẫu thẩm mỹ, chăm sóc sắc đẹp vào diện chịu thuế TTĐB. Bà Hương nói: "Những sản phẩm chỉ dành cho người thu nhập cao như một lọ kem dưỡng da có giá tới 20 triệu đồng, rồi dịch vụ làm đẹp cao cấp, dịch vụ giải phẫu thẩm mỹ... chúng ta đã bỏ sót rất nhiều đối tượng chịu thuế". ĐB Hà Tuấn Hải (Phú Thọ) đồng ý phải đưa dịch vụ thẩm mỹ vào diện chịu thuế TTĐB. Tuy nhiên ĐB Nguyễn Văn Pha (Quảng Bình) lại có quan điểm khác: "Nếu đánh thuế dịch vụ này nhiều phụ nữ mất quyền làm đẹp".

Về thuế suất đối với ô tô, theo ý kiến của đa số các ĐBQH thì thẩm quyền điều chỉnh mức thuế suất mặt hàng này phải là của QH mà không nên giao cho Ủy ban Thường vụ QH như đề xuất trong dự thảo luật.

Tuyết Nhung 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.