Học kinh doanh tại Anh: Thương trường tại giảng đường

27/10/2008 22:55 GMT+7

Anh Lê Trí Thông - Phó giám đốc Ngân hàng Đông Á kiêm Chủ tịch Công ty kiều hối Đông Á và Chủ tịch HĐQT Công ty CP VNBC chia sẻ một số kinh nghiệm học kinh doanh tại Oxford University.

Hầu hết các trường, mỗi học viên đều có một giáo viên chủ nhiệm, và mỗi một giáo viên chủ nhiệm lại phụ trách một nhóm khoảng 10 người ở mỗi khóa trong suốt các năm học ĐH. Những giảng viên này sẽ đóng vai trò là người quản lý mỗi học viên không chỉ trong việc học tại trường mà còn mọi mặt của cuộc sống. Thông thường thời gian các giáo viên chủ nhiệm sắp xếp để gặp học viên khoảng 2 lần/năm nhằm mục đích cập nhật tình hình học tập và sinh hoạt của học viên. Tuy nhiên, học viên luôn có thể chủ động về vấn đề thời gian và cách thức trong việc liên lạc với giáo viên.

Phương pháp đào tạo theo mô hình tính điểm hoàn thành môn (credit). Mỗi môn hoàn thành học viên sẽ nhận được 15 credit (tùy vào quy định của trường) và mỗi năm học viên thường phải đạt được 150 credit để có thể lên lớp. Mỗi môn học, học viên phải học 2 giờ/tuần, và mỗi môn học phải hoàn thành một bài luận hoặc một bài tập theo nhóm, hoặc có thể là một bài kiểm tra nhỏ và thi vào cuối kỳ (hoặc cuối năm tùy theo trường). Bằng cách này, ngoài việc đánh giá năng lực học viên qua bài luận cá nhân, giáo viên còn có thể gián tiếp rèn luyện các kỹ năng khác như: kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng học nhóm… 

Giảng viên ĐH cũng rất đặc biệt. Đa số trong đó là những người vừa đi làm bên ngoài, vừa nghiên cứu và vừa giảng dạy nên ở họ không chỉ có kiến thức học thuật mà còn kinh nghiệm thực tế. Do đó, cái họ truyền đạt cho học viên còn là những kinh nghiệm, các kỹ năng phân tích, quản lý, lãnh đạo… rất thực tế. 

Anh Lê Trí Thông chia sẻ kinh nghiệm của mình, những buổi thảo luận từ các bài tập tình huống về kinh doanh với bạn học là những nhà kinh doanh và quản lý trên khắp thế giới, là môi trường học tập rất thiết thực và phong phú. Nhất là tại những trường danh tiếng - nơi thu hút các học viên xuất sắc đến từ khắp nơi, trong nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề. Cũng vì vậy, tầm nhìn quốc tế, mối quan hệ đồng nghiệp và bạn bè khắp nơi trên thế giới là tài sản quý giá của các học viên. Đặc biệt, ở một số trường rất chú trọng duy trì và đầu tư phát triển mạng lưới hiệp hội cựu sinh viên sẽ cho bạn cơ hội duy trì các mối quan hệ đó cho dù bạn ở đâu. 

Cũng theo kinh nghiệm của anh Trí Thông, học kinh doanh tại Anh còn có cơ hội tiếp xúc với cả hai phong cách giáo dục và làm kinh doanh của châu Mỹ và châu u lục địa. Nước Anh tuy gần về địa lý với châu u nhưng cũng gần gũi về kinh tế và văn hóa với châu Mỹ. Học kinh doanh tại Anh bạn có dịp được tiếp cận với lối tư duy thực dụng và đề cao tính hiệu quả của người châu Mỹ cũng như những nét nhân văn, nhiều truyền thống trong văn hóa kinh doanh của châu u lục địa. Tấm bằng tốt nghiệp tại các trường danh tiếng có thể xem như là chiếc chìa khóa mở ra những cánh cửa để bạn gia nhập vào giới kinh doanh ở tầm quốc tế, những cơ hội sự nghiệp với những công ty và các tổ chức hàng đầu thế giới.  Thông tin thêm về ngành học này xem tại trang web: www.educationuk.org/vietnam.

Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.