Trước diễn biến giá xăng dầu thế giới thời gian qua tiếp tục có xu hướng giảm xuống dưới mức 65 USD/thùng - thấp nhất trong 17 tháng qua, liên bộ Tài chính - Công thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án điều hành giá cả mặt hàng xăng dầu trong nước. Hôm qua 30.10, được sự đồng ý của Thủ tướng và trên cơ sở đăng ký giảm giá xăng, dầu của các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu đầu mối, Tổ giám sát liên bộ Tài chính - Công thương đã chấp thuận phương án giảm giá bán lẻ 500 đồng/lít đối với các mặt hàng xăng, dầu.
Theo đại diện một số đầu mối nhập khẩu xăng dầu, lẽ ra các DN có thể giảm 1.000 đồng/lít nếu như Nhà nước không áp thuế. Việc chậm giảm giá và chỉ giảm giá 500 đồng/lít là do DN nghe ngóng, chờ xem các cơ quan quản lý có tăng thuế hay không. Nếu có lộ trình tăng thuế cụ thể, DN sẽ chủ động hơn trong việc đưa ra các phương án giảm giá. |
Cụ thể, xăng A92 giảm từ 15.500 đồng/lít xuống 15.000 đồng/lít; xăng A95 từ 16.000 đồng xuống 15.500 đồng/lít; dầu diesel 0,05 S từ 14.500 đồng/lít giảm xuống 14.000 đồng/lít; dầu diesel 0,25 S giảm từ 14.450 đồng xuống 13.950 đồng; dầu hỏa giảm từ 16.000 đồng/lít xuống 15.500 đồng; dầu ma-dút 3,5 S giảm từ 12.000 đồng/lít xuống 11.500 đồng/lít.
Tổ giám sát liên bộ Tài chính - Công thương cũng lưu ý, Tổng công ty xăng dầu VN và các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối khác có trách nhiệm tổ chức bán hàng theo giá đã đăng ký, niêm yết giá bán công khai trong toàn hệ thống, bán hàng đủ khối lượng, đúng chất lượng cho khách hàng và không được bán cao hơn giá niêm yết; tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh xăng, dầu theo cơ chế thị trường.
Ông Bùi Ngọc Bảo, Tổng giám đốc Petrolimex cho biết, mức giảm giá trên là phù hợp với tình hình hiện nay. Giá dầu thế giới đã bắt đầu tăng trở lại nên chưa thể nói có giảm giá tiếp hay không. Tuy nhiên, DN vận hành theo cơ chế thị trường có giảm có tăng nên nếu giá thế giới giảm, DN sẽ giảm tương ứng và ngược lại, nếu giá dầu thế giới tăng, DN sẽ điều chỉnh tăng giá.
Trước đó, ngày 29.10 Bộ Tài chính đã ban hành quyết định số 95/2008/QĐ-BTC điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng thuộc nhóm 2710 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Theo đó, các mặt hàng từ xăng có chì, không chì loại cao cấp, thông dụng, xăng máy bay, dung môi trắng, naphtha, refomate và các chế phẩm khác để pha xăng đồng loạt tăng từ 5%-15%. Các mặt hàng gồm: xăng, dầu hỏa, dầu ma-dút, thuế nhập khẩu xăng tăng từ 5%-15%. Riêng dầu diesel tăng từ 0% lên 10%. Mức thuế suất thuế nhập khẩu nêu trên được áp dụng cho các tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu đăng ký với cơ quan hải quan từ ngày 31.10.2008.
Từ sáng nay 31.10, giá gas bán lẻ của 3 công ty Saigon Petro, VT Gas, Petrolimex đồng loạt giảm 40.000 đồng/bình 12 kg. Đây là lần giảm giá thứ 2 kể từ đầu tháng 10 đến nay của các công ty này. Hàng loạt công ty kinh doanh gas giảm giá chỉ trong thời gian ngắn do giá gas trên thị trường thế giới giảm mạnh. Hiện giá gas bán lẻ trên thị trường ở mức thấp nhất là 203.000 đồng/bình 12 kg. Trung Bảo |
Cùng với quyết định điều chỉnh thuế xăng dầu nhập khẩu, Bộ Tài chính cũng đã ban hành quyết định số 94/2008/QĐ-BTC ngày 29.10.2008 về việc điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu đối với dầu mỏ và các loại dầu thu được từ các khoáng bitum ở dạng thô tại biểu thuế xuất khẩu từ 20% xuống 10% và áp dụng cho các tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu đăng ký với cơ quan hải quan kể từ 8.11.2008.
Theo tổ giám sát liên bộ Tài chính - Công thương, công tác điều hành giá mặt hàng xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Việc giảm giá và tăng thuế đồng thời đã giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và DN. Người dân được lợi từ việc giảm giá, Nhà nước tăng nguồn thu ngân sách và DN vẫn còn chút lãi để trả nợ.
Thu Hằng
Bình luận (0)