Ở Bến Tre, để làm món này, người ta làm thịt lươn xong, để nguyên con, rửa sạch. Lươn ráo nước, ướp gia vị, sả ớt, tương hột khoảng 20 phút cho thấm. Rau ngổ lót đáy xoong, cho lươn lên, chế nước dừa vào, đậy kín nắp, bắc lên bếp nấu cho lươn chín. Khi nước cạn, cho nước cốt dừa vào, đậy nắp, đun sôi cho tới khi nước cạn theo yêu cầu thì nhấc xuống, gắp rau trải đều trên dĩa, đặt lươn nằm khoanh bên trên, chế nước om xong mới rắc đậu phộng rang đâm sơ lên. Khi ăn, dùng đũa bẻ lươn gãy thành khúc, chấm nước mắm ớt trong hoặc nước tương ớt.
Theo nhà văn Sơn Nam, "chế biến món ăn là đóng góp thú vị nhứt của miền đồng bằng, luôn luôn thay đổi các món "nhậu" cho mới mẻ, tạo thời trang, tùy túi tiền của mọi giới, tùy thời tiết" (ĐBSCL - nét sinh hoạt xưa & Văn minh miệt vườn", tr.221, NXB Trẻ 2004). Chính vì vậy mà ở khu vực này món ăn, món nhậu vô cùng phong phú vì ngày càng phát triển với nhiều "biến thể" khác nhau, trong đó có món lươn um. Ngày nay, lươn um nước cốt dừa suông như trên đã "lỗi thời", người ta đã sáng chế món lươn um trực tiếp trong trái dừa.
Để thực hiện món này một cách hoàn hảo, người ta lựa dừa cứng vạt miệng, chừa nắp, giữ nguyên nước dừa. Cho rau ngổ, lá cách, đậu phộng rang giã sơ rồi cho lươn vào theo thế nằm khoanh tròn, nước dừa ngập gần miệng nắp dừa. Đậy nắp trái dừa lại, cứ 3 trái dừa như vậy cho vào một nồi, um. Um trên bếp trong vòng 1 tiếng 10 phút thì món ăn chín, từ ngoài vô trong. Món này ngon nhờ tinh túy của rau ngổ, lá cách, nước dừa, thấm đẫm vào từng miếng thịt lươn. Đặc biệt, vị ngọt thịt lươn, nước dừa thấm ngược vào rau ngổ và lá cách khiến rau và thịt lươn đều ngon.
Bài, ảnh: Phương Kiều
Bình luận (0)