Chất lượng kém, quản lý lỏng lẻo
Tại Hội nghị trực tuyến hôm qua 3.11, với sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Cao Đức Phát, báo cáo của nhiều địa phương và các cục nghiệp vụ thuộc Bộ NN-PTNT cho biết, trong thời gian qua, tình trạng vật tư nông nghiệp (VTNN) kém chất lượng ngày càng tràn lan trên thị trường, nhất là mặt hàng phân bón, gây ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, chất lượng hàng nông, thủy sản; khiến nông dân lo lắng, bất bình.
Theo đại biểu tỉnh Tiền Giang, có một nguyên nhân là việc chồng chéo trong cấp phép và quản lý mặt hàng VTNN. Ngoài ra, hầu hết các đại biểu cũng đồng tình là mức xử phạt hiện nay còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Các đại biểu đề xuất Bộ NN-PTNT cần sớm kiến nghị Chính phủ tăng mức xử phạt đối với các đối tượng vi phạm. |
Đặc biệt thời gian gần đây, lợi dụng tình hình giá VTNN tăng cao, công tác quản lý chất lượng còn yếu, một số tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp (DN) đã đưa ra thị trường một lượng lớn thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, hàng giả, gây thiệt hại lớn cho người nông dân. Từ đầu năm đến nay, chỉ riêng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 21 trường hợp phân bón kém chất lượng, với tổng số tiền phạt lên đến trên 200 triệu đồng. Tỉnh Tiền Giang mở 29 cuộc thanh tra với kết quả rất đáng lo ngại: 9/30 mẫu phân bón, 21/41 mẫu thức ăn chăn nuôi... được kiểm tra không đạt chất lượng.
Theo Cục Nuôi trồng thủy sản, hiện đang có hơn 3.000 sản phẩm thức ăn thủy sản trên thị trường. Qua kiểm tra phát hiện nhiều mẫu thức ăn chất lượng thấp, độ đạm và một số chất dinh dưỡng khác thiếu hụt so với công bố. Tình trạng này khiến hệ số thức ăn tăng, thời gian nuôi kéo dài, chất lượng thủy sản thấp, chi phí tăng cao, gây lỗ lã cho nông dân...
Một nông dân ở Vĩnh Long đang băn khoăn về chất lượng phân bón - Ảnh: C.T.V |
Bà Nguyễn Thị Hoa, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP Hà Nội, bức xúc: "Khi nông dân họ mua phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng, chẳng những họ mất tiền mua vật tư mà còn bị thiệt hại khi năng suất, chất lượng không đạt hiệu quả như mong đợi. Đối với nông dân, đó là một đòn rất đau, là sự thiệt thòi rất lớn". Bà Hoa cũng cho biết, do Chi cục chỉ có 5 thanh tra viên và 5 thanh tra bán chuyên trách trong khi có đến 329 cửa hàng VTNN ở địa bàn Hà Nội cũ, 700 - 800 cửa hàng sau khi Hà Nội mở rộng nên dù đã rất cố gắng cũng không thể quản lý nổi. Cũng theo bà Hoa, một sự bất cập nữa trong công tác quản lý chất lượng VTNN là chưa có sự tham gia của chính quyền cơ sở. "Chúng tôi hết sức tán thành việc phân quyền, ủy quyền tham gia quản lý chất lượng VTNN đến tận cấp huyện, xã" - bà Hoa nói.
Mở chiến dịch xử lý
Trước tình trạng đáng báo động, Bộ NN-PTNN phát động đợt tổng kiểm tra, xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh VTNN, trước mắt nhằm giảm thiểu thiệt hại do tình trạng này gây ra cho vụ đông xuân. Chiến dịch bắt đầu từ nay đến cuối năm 2008.
Khi nông dân họ mua phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng, chẳng những họ mất tiền mua vật tư mà còn bị thiệt hại khi năng suất không đạt. Đó là một đòn rất là đau - Bà Nguyễn Thị Hoa, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP Hà Nội |
Bộ trưởng Cao Đức Phát thẳng thắn: "Đầu tiên tôi cũng nhận trách nhiệm về mình vì tình trạng VTNN kém chất lượng xảy ra trong thời gian vừa qua. Phải khẳng định là không thể chấp nhận và tha thứ với những hành động kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Đó không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là đạo lý. Nó không chỉ là một chai thuốc, một kg phân mà nó ảnh hưởng đến hàng triệu người nông dân và an ninh lương thực quốc gia...". Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo, trước mắt các địa phương cần tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn. "Không phải chỉ tháng ra quân mới làm mà cần làm thường xuyên và liên tục. Chúng ta vận dụng tối đa khung pháp lý hiện hành để xử lý các trường hợp thật nghiêm khắc. Không chùn tay, nhân nhượng. Phải liên kết trong hoạt động thanh kiểm tra", Bộ trưởng nhấn mạnh. Ông cũng chỉ rõ, nếu địa phương nào gặp trường hợp DN ngoài tỉnh thì báo cáo lên Bộ để tiến hành kiểm tra đồng loạt và đến tận nhà máy.
Bộ NN-PTNT cũng sẽ tăng cường đào tạo cán bộ thanh tra đến tận cơ sở huyện, xã và đẩy mạnh tuyên truyền vận động "mỗi người dân là một người tiêu dùng thông thái" để từ đó, người dân tích cực hợp tác cùng với các cơ quan chức năng phát hiện vi phạm.
Chí Nhân
Bình luận (0)