Người thầy dạy học với tôn chỉ “muốn HS học tích cực thì mình cũng phải dạy tích cực” là Hoàng Đức Huy - GV Trung tâm Giáo dục thường xuyên Q.4, TP.HCM.
“Năm 2007, đi nhà sách tôi phát hiện hàng loạt cuốn sách của Tony Buzan viết về bản đồ tư duy. Mua về đọc, một cuốn, hai cuốn rồi mười cuốn - càng đọc tôi càng tự khẳng định: nó rất phù hợp khi áp dụng vào việc giảng dạy môn văn - GV Hoàng Đức Huy kể - Tôi có ba tháng hè để chuẩn bị tư liệu, soạn giáo án... Khi bước vào năm học mới 2008-2009 tôi áp dụng ngay”.
Theo GV Đức Huy, thời gian ông hướng dẫn học trò làm bản đồ tư duy thường là tiết phụ đạo hoặc giờ chơi của trung tâm, còn tiết dạy chính khóa vẫn phải hoàn thành bài giảng theo đúng phân phối chương trình. Bản đồ tư duy được triển khai sau khi kết thúc một bài học. HS về nhà lên mạng tìm tư liệu và viết, vẽ theo cách hiểu của mình. Ví dụ: mỗi bài văn HS sẽ trình bày các ý theo công thức 5W + 1H. Như tác phẩm Truyện Kiều sẽ có các ý: tác giả (các nhánh nhỏ sẽ là: năm sinh, cuộc đời, sự nghiệp...), tác phẩm, nghệ thuật, nội dung, lời bình về tác phẩm...
“Với cách dạy trên, tôi học được từ HS rất nhiều - GV Đức Huy tâm sự - Khi làm bản đồ về thơ Hồ Chủ tịch, có em đã chọn lời bình như thế này: Thơ Hồ Chủ tịch trong như ánh sáng. Có thể coi nó như một cây đàn bầu, vẻn vẹn một dây đồng nhưng là cả một thế giới âm thanh (lời bình trích từ www.baobinhdinh.com.vn). Chưa bao giờ tôi đọc được lời bình hay và lạ như thế”.
|
Một bản đồ tư duy do HS TTGDTX Q.4 thực hiện |
“Nhiều HS ngày nay chán ghét môn văn. Học viên hệ giáo dục thường xuyên ít có điều kiện học tập như HS phổ thông. Bắt các em về nhà lên mạng tìm tòi tư liệu, hình ảnh rồi vẽ, trình bày ra giấy... mất khá nhiều thời gian. Liệu các em có chịu làm không?”. Thầy Huy cười: “100% HS tôi dạy đều thực hiện bản đồ tư duy. Nhưng không phải bài học nào cũng làm, chỉ những tác phẩm thơ, văn tự sự, văn thuyết minh thôi”.
Em Vũ Thị Minh Quý - HS lớp 9N Trung tâm Giáo dục thường xuyên Q.4 - nhận xét: “Bản đồ đó giống như một dàn ý giúp chúng ta làm việc và học tốt hơn”. Còn HS Lê Trọng Nghĩa thì: “Từ khi có bản đồ tư duy em đã viết được những câu văn hay hơn, sâu sắc hơn...”. HS Lê Thanh Lộc cũng rất thật thà: “Sau khi nghe thầy dặn dò, về nhà em bắt đầu tìm hiểu về cách vẽ trên mạng Internet rồi tìm hình. Qua nhiều lần tìm kiếm em đã thực hiện xong bài vẽ của mình. Cũng từ đó, em chợt hiểu ra lợi ích của nó. Một bài văn sẽ dễ hiểu hơn khi có bản đồ tư duy. Từ đó, em có hứng thú học môn ngữ văn mà từ lâu em xem nó như một trò vô bổ”.
Sau mỗi lần HS nộp bản đồ, thầy Huy đều chấm điểm và giơ lên cho cả lớp xem bài của từng em, đồng thời để các em nhận xét bài của nhau. Ông tâm đắc: “Ở bản đồ tư duy, các em được thể hiện mình, được vẽ, viết , sáng tạo theo cách nghĩ của mình - thế mới phù hợp với tâm lý HS trung học”.
Có lẽ vì vậy mà ngay cả HS Trường tư thục Nguyễn Khuyến - nơi GV Hoàng Đức Huy đang dạy thỉnh giảng - cũng tỏ ra thích thú. Nói như HS Cao Nguyễn Thu Cúc, lớp 9B1 Trường Nguyễn Khuyến: “Vừa học như vừa chơi, thoải mái, không áp lực. Cơn buồn ngủ kéo đến trong tiết ngày càng ít hơn. Tốc độ làm văn cũng nhanh hơn, đỡ mất thời gian. Tóm lại là yêu yêu thương thương vô cùng bản đồ tư duy mà thầy đã chỉ cho làm”.
Mô tả ý tưởng Bản đồ tư duy là một hình thức ghi chép sử dụng màu sắc, hình ảnh để mở rộng và đào sâu các ý tưởng. Kỹ thuật tạo ra loại bản đồ này được phát triển bởi Tony Buzan vào những năm 1960. Bản đồ tư duy có cấu tạo như một cái cây có nhiều nhánh lớn, nhỏ mọc xung quanh. “Cái cây” ở giữa bản đồ là một ý tưởng chính hay hình ảnh trung tâm. Nối với nó là các nhánh lớn thể hiện các vấn đề liên quan với ý tưởng chính. Các nhánh lớn sẽ được phân thành nhiều nhánh nhỏ, rồi nhánh nhỏ hơn, nhánh nhỏ hơn nữa nhằm thể hiện chủ đề ở mức độ sâu hơn. Sự phân nhánh cứ thế tiếp tục và các kiến thức, hình ảnh luôn được nối kết với nhau. Sự liên kết này tạo ra một “bức tranh tổng thể” mô tả ý tưởng trung tâm một cách đầy đủ và rõ ràng. Sẽ nhân rộng “Giới kinh doanh đã sử dụng bản đồ tư duy từ rất lâu, nhưng việc giảng dạy môn văn bằng bản đồ thì có lẽ thầy Huy là người đầu tiên. Thầy được xem là một “cây” sáng kiến của ngành giáo dục TP với nhiều phương pháp đổi mới rất hiệu quả như đưa môn văn lên mạng, cho HS soạn bài theo giáo án điện tử... HS có thể vẽ bản đồ tư duy bằng tay hoặc vẽ trên máy vi tính. Nói nôm na, nó như một bức họa thể hiện những kiến thức về một vấn đề văn học nào đó. Bản đồ tư duy rất phù hợp khi áp dụng vào giảng dạy môn văn vì giúp giảm tải chương trình, HS dễ hiểu, dễ nhớ, dễ học. Sở GD-ĐT sẽ tạo điều kiện để phương pháp giảng dạy này được nhân rộng không chỉ trong hệ giáo dục thường xuyên mà cả hệ phổ thông”. (Ông Phạm Chí Dũng - chuyên viên môn văn, Phòng giáo dục thường xuyên Sở GD-ĐT TP.HCM) |
Theo Hoàng Hương / Tuổi Trẻ
Bình luận (0)