Tưởng thuốc dạ dày, hóa ra thuốc bổ!
Sáng 2.11, khi bài báo đầu tiên đăng, anh Ngọc (ngụ ở Q.1, TP.HCM) gọi điện cho chúng tôi bức xúc về việc người nhà anh cũng đang gặp tình trạng như báo nêu. Mẹ anh Ngọc bị đau dạ dày, vào khám tại Bệnh viện An Bình, TP.HCM, trên toa thuốc bác sĩ ghi chẩn đoán bệnh viêm dạ dày. Trong các loại thuốc bác sĩ kê toa, có một loại thuốc ngày uống 1 lần, mỗi lần 1 viên, buổi sáng. Nhìn vào chẩn đoán bệnh, người nhà anh Ngọc nghĩ rằng loại thuốc trong toa chắc là thuốc chữa dạ dày. Thế nhưng, cầm toa này chạy hỏi ở 15 nhà thuốc, tất cả đều lắc đầu, không có. Nghĩ đây là thuốc chữa dạ dày “đặc biệt”, anh Ngọc chạy đến khu nhà thuốc trước Bệnh viện Bình Dân (vì nghĩ bệnh viện này thường chữa trị về dạ dày sẽ có thuốc – PV), nhưng cũng không có.
Chúng tôi đã ghi lại loại thuốc Philatonic mà bác sĩ kê cho mẹ anh Ngọc để tìm hiểu thì mới biết được đó là thuốc bổ chứ không phải thuốc chữa dạ dày. Trao đổi với các bác sĩ, dược sĩ, mọi người cho rằng, đây là kiểu kê toa theo sự “cầm tay chỉ việc” của trình dược viên. Lẽ ra bác sĩ phải nói rõ cho bệnh nhân biết, đây là thuốc bổ, có thể thay thế nó bằng những loại thuốc bổ A, B, C... khác, đằng này lại để người bệnh khổ sở đi tìm thuốc như thế!
Trường hợp của chị M.L (ngụ ở TP.HCM) còn khổ hơn nhiều. Chị phải mất 3 tuần để nhờ người thân mua thuốc từ Mỹ gửi về tốn 246 USD, nhưng rồi phải bỏ đi. Số là chị M.L đến khám tại Bệnh viện Đại học Y Dược (TP.HCM) và được một bác sĩ chẩn đoán “bàng quang thần kinh giảm trương lực”. Bác sĩ kê toa, trong đó có loại thuốc Urocholin, chỉ định uống sau ăn, không hề ghi hàm lượng, và có dặn thuốc này phải mua ở Mỹ mới có. Thế nhưng, tìm mãi không ra loại thuốc uống đúng như bác sĩ ghi, mà chỉ có Urecholin. Mất 3 tuần lễ để có thuốc, đem thuốc Urecholin lại hỏi bác sĩ đã kê toa xem có đúng thuốc không, thì bác sĩ bảo đúng. Thế nhưng, khi mới uống được vài viên thì bị tác dụng phụ. Người nhà chị L. đem thuốc đi hỏi và tra cứu tìm trên mạng thì mới biết loại thuốc này có rất nhiều hàm lượng (5 mg, 10 mg, 25 mg, 50 mg) và phải uống trước ăn (vì uống sau ăn sẽ gây ra một số tác dụng phụ). Quan trọng hơn, đây là loại thuốc chữa bí tiểu chứ không phù hợp với chữa bệnh như đã chẩn đoán. Thấy bác sĩ trên có quá nhiều sai sót, chị L. quyết định bỏ không dùng thuốc, đến khám ở một bác sĩ khác.
Cơ quan quản lý chưa quan tâm đúng mức
|
Có thể nói, ngoài một số bác sĩ làm phòng mạch ghi toa thuốc rõ ràng, và có đưa toa cho người bệnh, thì phần còn lại là không ghi toa, mà chỉ khám và bán thuốc; thậm chí còn lột bỏ nhãn mác thuốc; hoặc có đưa toa, nhưng đọc không ra tên thuốc.
Sau khi Báo Thanh Niên đăng bài, rất nhiều bạn đọc, người bệnh và cả các bác sĩ đều phản ánh trùng khớp một nội dung đó là, chuyện bác sĩ khám bệnh không đưa toa và không cho người bệnh biết tên thuốc là quá phổ biến. Bác sĩ Hùng (công tác tại một bệnh viện công ở TP.HCM) bày tỏ: “Tôi rất ủng hộ bài viết, vì đó là thực trạng xấu tồn tại lâu nay mà ngành y tế không giải quyết được. Tôi thông cảm với chuyện bác sĩ có bán thuốc tại phòng mạch để có thêm thu nhập, nhưng đừng quá tham lam mà làm chuyện trái với y đức, làm xấu đi hình ảnh người thầy thuốc.
Chuyện bác sĩ dính đến bán thuốc đã sai quy định, đã mang yếu tố kinh doanh rồi, đằng này lại còn gian lận người bệnh, buộc người bệnh mua thuốc của mình bằng nhiều thủ đoạn là không thể chấp nhận, thử hỏi y đức còn đâu? Mà chuyện này lại quá phổ biến, cơ quan quản lý gần như không chịu giải quyết”.
Theo nhiều bác sĩ, nếu Sở Y tế thật sự chịu làm thì sẽ giải quyết được 3 cái sai cơ bản thường xảy ra tại các phòng mạch “có vấn đề” (không đưa toa; bóc nhãn thuốc; ghi toa không đọc được). Cụ thể, Sở Y tế cứ ra thông báo, nếu bác sĩ nào sai phạm như trên thì sẽ rút phép hành nghề, đình chỉ hoạt động phòng mạch. Hoặc bệnh viện ra thông báo, nếu bác sĩ nào hành nghề sai trái như trên, bị người bệnh phản ánh, hay thanh tra phát hiện thì sẽ thông báo trong toàn bệnh viện, xem xét thi đua năm. Làm nghiêm như vậy, thử hỏi ai còn dám làm sai? |
Anh Định (ở TP.HCM) đến khám tại một phòng mạch gần Bệnh viện Da liễu, bác sĩ khám, bán thuốc 280 ngàn đồng. Uống xong anh ra nhà thuốc mua y như toa, chỉ có 60 ngàn đồng. Nhiều người bệnh khác cũng phản ánh một bác sĩ khá quen thuộc của Bệnh viện Da liễu (TP.HCM) cũng không đưa toa cho bệnh nhân, mà chỉ bán thuốc. Ai đòi toa, thì bác sĩ này cũng ghi, nhưng cầm toa ra ngoài thì còn lâu mới mua được thuốc! Phòng mạch của một bác sĩ trưởng một khoa của Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cũng không đưa toa cho bệnh nhi, và thuốc thì bóc hết nhãn hiệu. Phòng mạch bác sĩ X. (giảng viên trường ĐH Y Dược, TP.HCM) cũng làm tương tự, bóc vỏ thuốc trước khi đưa cho bệnh nhân, vị bác sĩ này khám từ trẻ em cho đến cả người lớn...
Thanh Tùng
Xảo thuật kê toa, bán thuốc - Bài 1: Tính tiền hàng hiệu, đưa thuốc rẻ tiền
Xảo thuật trong kê toa, bán thuốc -Bài 2: Coi chừng chết vì chữ bác sĩ
Bình luận (0)