Kỳ họp thứ tư, QH khóa XII: Dự án Luật quản lý nợ công: Làm rõ trách nhiệm sử dụng vốn vay

05/11/2008 00:28 GMT+7

Phải tăng tính cụ thể của các quy định liên quan đến quyền và trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng vốn vay, việc cho vay. Đó là những nội dung mà các ĐBQH yêu cầu Chính phủ bổ sung vào Dự án Luật quản lý nợ công, tại phiên thảo luận ở hội trường chiều 4.11.

Quy định còn  chung chung

Hiệu quả sử dụng vốn của các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là của các tập đoàn, tổng công ty lớn đã nhiều lần được ĐBQH đặt vấn đề trong các phiên thảo luận từ đầu kỳ họp đến nay, và cùng thống nhất ở một nhận xét là kém hiệu quả. Tuy nhiên, trong dự Luật quản lý nợ công, Chính phủ lại đề nghị không đưa nợ của đối tượng này vào phạm vi điều chỉnh của dự luật. Kiến nghị của Chính phủ nhận được sự đồng tình của đa số các ý kiến phát biểu. Nhưng ĐBQH đồng tình không phải là do nợ của khu vực này chưa đến mức cần siết chặt quản lý, mà các ĐBQH cho rằng, phải đặt nó ở một tầm cao hơn, tức là phải quản lý rất chặt, vì thế cần phải có riêng một luật về lĩnh vực này. Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Du Lịch nêu quan điểm: “Nợ của các doanh nghiệp nhà nước phải sớm được chế định vào luật, đó là Luật Quản lý và sử dụng vốn của nhà nước, luật này phải sớm ban hành”.

Xung quanh việc đi vay vốn, có ba nội dung là đi vay; quản lý sử dụng vốn vay; khả năng trả nợ. Nhiều ĐB nhận xét, dự luật mới chú trọng đến việc đi vay, việc quản lý sử dụng vốn vay và phần khả năng trả nợ chưa được đặt đúng vị trí. Trong khi đó, hai nội dung sau (quản lý sử dụng; khả năng trả nợ) mới là quan trọng. ĐB Trần Du Lịch nhấn mạnh: “Vay nợ không phải là xấu, vấn đề là sử dụng hiệu quả và trả nợ mới quan trọng. Phần quy định về vay thì chi tiết nhưng phần quản lý và sử dụng lại   chung chung”.

Ngăn chặn hiện tượng vay theo nhiệm kỳ

Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long) lo lắng: “Nếu luật không quy định cụ thể về mặt định lượng khi địa phương đi vay lại của Chính phủ, một số đơn vị, địa phương tự vay dẫn đến lạm dụng, vay tràn lan, không định mức. Hậu quả sẽ khôn lường”. Luật cũng chưa quy định chế tài xử lý khi tiền vay không được sử dụng đúng mục đích, thất thoát, hậu quả thì Nhà nước phải gánh chịu. ĐB Kiệt phân tích, nếu không quy định trách nhiệm thì không loại trừ khả năng cho vay vì có mối quan hệ riêng tư, vốn vay sử dụng không hết, phải trả lại, vay dự án này chuyển sang dự án khác.

Trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh chia sẻ với ĐB Kiệt, đặt câu hỏi: “Vay lại sử dụng không có hiệu quả thì thu hồi khoản vay thế nào, trách nhiệm của đơn vị quyết định cho vay ra sao?”. Bà Thanh cũng đề nghị dự luật bổ sung thêm quy định, nói rõ là cơ quan nào, cấp nào được vay để tránh vay tràn lan. “Như vậy mới loại trừ được vay nợ theo nhiệm kỳ” – ĐB này khẳng định.

Buổi chiều cùng ngày, QH đã nghe Chính phủ trình bày Tờ trình Dự án Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội về nội dung dự luật này.
Ở khía cạnh khác, ĐB Trần Du Lịch đề nghị, dự luật cần bổ sung thêm quy định Bộ Tài chính chịu trách nhiệm cân đối dòng tiền quốc gia, vì nếu không cân đối được dòng tiền thì lãng phí rất lớn, hiệu quả sử dụng tiền vay thấp. ĐB Lịch cho biết, vì không cân đối được dòng tiền quốc gia nên nhiều khi tiền trong kho bạc vẫn còn, tiêu chưa hết nhưng vẫn đi vay nước ngoài.

ĐB Nguyễn Hữu Quang (Nghệ An) băn khoăn về việc dự luật quy định các trường hợp Chính phủ bảo lãnh vay quá rộng và đề nghị: “Luật cũng phải nói rõ trách nhiệm của người bảo lãnh và cơ quan quyết định cho vay”. Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Ngô Quang Xuân (Đồng Tháp) chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ: “Vay ODA, nên mở cho cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ được tham gia” – ĐB Xuân đề xuất. 

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.