Rưng rưng người nhặt rác

06/11/2008 23:24 GMT+7

Bài 2: Bi kịch rác dân lập Một bầu không khí nặng trĩu bao trùm lên làng đổ rác dân lập ở phường 11, quận Bình Thạnh (TP.HCM) gần một tháng nay. Ve chai rớt giá, nghề đổ rác vì thế cũng lao đao.


Về quê

Chiều 1.11. Giơ đôi bàn tay tái ngắt vì bòn rác với ve chai, dì Tư ở hẻm 354 Phan Văn Trị (Bình Thạnh) cho biết cả ngày hôm nay chỉ kiếm được 29.000 đồng, bằng 1/3 so với trước đây.

Cầm 29.000 đồng, nước mắt dì Tư rơi dài trên hai gò má vì “quá tủi thân”! Thức dậy từ 5 giờ sáng, cùng với gia đình, dì đánh xe sang tận Phú Nhuận để lấy rác từ nhà dân rồi chuyển ra xe ép. Làm quần quật suốt ngày nhưng mỗi tháng dì Tư chỉ lãnh 700.000 đồng, gọi là tiền lương từ các chủ đường rác. Tiền này chỉ đủ đổ xăng cho xe chở rác.

Mặc dù vậy, trước giờ người dân đổ rác như dì Tư vẫn sống được nhờ mót ve chai đem bán. Một chiếc xe ba gác với 2-3 người phụ, mỗi ngày kiếm được 70.000 - 100.000 đồng tiền bán ve chai. Gia đình dì Tư lớn nhỏ cả thảy có 10 người, lâu nay vẫn  sống nhờ vào hai chiếc xe ba gác. Thế nhưng, bây giờ cuộc sống gia đình dì Tư bắt đầu đảo lộn, nghề đổ rác cũng lung lay khi ve chai không bán được hoặc phải năn nỉ người ta mua với giá rẻ như bèo.

Chuyện người có tiền án tái phạm, trộm cắp, cướp giật vì thất nghiệp chỉ mới là một mặt của vấn đề, còn một mặt khác đáng ngại hơn là: nếu người đổ rác quyết định bỏ việc thì ai sẽ là người thu gom rác thải mỗi ngày? Tại TP.HCM, hầu hết lượng rác thải trong dân đều do lực lượng lấy rác dân lập thu gom.
Tại khu Sở Thùng, nửa tháng nay, nhiều người đổ rác thuê đã trả lại đường rác cho chủ để “cuốn gói” về quê hoặc tìm việc khác kiếm sống. Chị Lê Thị Dao (quê Tây Ninh) kể: Mấy tháng nay, cả xóm đổ rác của chị như ngồi trên đống lửa vì chuyện “chuyển đổi xe ba bốn bánh”. Nếu Nhà nước không cho duy trì xe ba bánh mà buộc phải đổi sang xe tải nhẹ thì đó là một điều hết sức khó khăn cho người đổ rác. Không chỉ là áp lực về tiền bạc để mua sắm xe, điều khiến người dân ở đây khó bề xoay xở là chuyện làm sao có một cái... bằng lái ô tô. Bởi, hầu hết những người lao động làm nghề đổ rác đều ít học, bằng cấp không có, thậm chí nhiều người còn không biết chữ...

Trong lúc “nỗi lo chuyển đổi phương tiện hành nghề” chưa có hướng giải quyết thì nay phải đối diện với cuộc “đại khủng hoảng giá ve chai, phế liệu” khiến nghề đổ rác càng thêm lao đao. “Không đổ rác thì không biết làm gì, còn tiếp tục đổ rác thì liệu có sống nổi không? Với suy nghĩ ấy, nhiều người đã bỏ việc, xách gói về quê, dù biết rằng ở đó cũng khó khăn trăm bề nhưng dù sao cũng không phải trả tiền thuê nhà như ở đây” - chị Dao nói.

Tuy nhiên, không phải ai tính cũng dễ. Trường hợp của chị Nguyễn Thị Kim Thoa không chỉ nuôi thân mà còn phải nuôi hai đứa con đang học bán trú, đứa nhỏ lớp 1 còn đứa lớn lớp 4. Tiền học, tiền nhà, tiền xe... bao nhiêu là thứ tiền phải chi hằng ngày, vậy mà tiền kiếm được từ rác cứ vơi dần, vơi dần.
Gánh nặng cuộc sống đang đè lên đôi vai của những người làm nghề đổ rác, nhặt ve chai. Tương lai, đối với họ là cụm từ không rõ nghĩa.

Ve chai, giải quyết ra sao?

 
Giá thu mua phế liệu như thế này thật khó sống - Ảnh: L.A.Đ

Vì không tiêu thụ được, các vựa ve chai ở phường 11 (Q.Bình Thạnh) nhanh chóng biến thành những “núi rác”, mưa thì thải ra nước bẩn, nắng thì hôi thối...

Tại hẻm 354 đường Phan Văn Trị, 2 bãi ve chai của chị Phạm Thị Hoa chất cao hơn cả căn nhà hai tầng, áp sát khu dân cư. Người dân quanh khu vực phản ứng dữ dội vì ô nhiễm. Trong khi chính quyền địa phương chưa tìm ra biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm thì “núi ve chai” mỗi ngày một cao hơn, to hơn...

Những vựa ve chai tồn đọng không chỉ là bức xúc của người dân trong khu vực mà còn là bức xúc của chính các chủ vựa. Chị Hoa cho biết chị cũng đang rầu thúi ruột vì hàng bán không được. Để hoạt động vựa ve chai này, chị phải thuê 30 – 40  lao động, trả lương mỗi tháng hơn 1,5 triệu đồng/người, đó là chưa kể tiền ăn uống hằng ngày. Lúc trước, hàng mua vào, bán ra liên tục thì mặt bằng được giải phóng nhanh chóng. Còn nay, vì tình cảm, chị  phải thu mua ve chai, phế liệu cho những người đổ rác trong xóm. Tiền cứ chi ra hằng ngày mà không có nguồn thu vào, hàng không bán được nên dồn ứ lại, giải thích làm sao với người dân khu vực? 

Những khó khăn của người dân đẩy cơ quan chức năng địa phương đến trước bài toán nan giải: ô nhiễm và sự an sinh của người nghèo. “Công việc làm rác tuy nguy hiểm, cực khổ nhưng là chiếc phao cứu sinh cho dân cùng khổ. Nhiều người sau khi mãn hạn tù, ra trại đã hoàn lương bằng nghề đổ rác, bòn ve chai. Có thể không làm giàu được, nhưng nghề này giải quyết được cuộc sống trước mắt nên địa phương bớt lo chuyện tái phạm. Còn nay, đang lúc khó khăn, nếu hành xử không khéo sẽ gây ra hậu quả khôn lường” – một lãnh đạo phường 11, Q.Bình Thạnh trao đổi với chúng tôi như thế.

Trong những ngày đi làm phóng sự này, chúng tôi được biết một số chủ đường rác đã có động thái tăng lương cho người đổ rác thuê, nhưng xem ra “phần tăng” đó chẳng thấm vào đâu so với khoản thất thu do ve chai tụt giá. Lâu nay, trong những cơn thăng trầm của nền kinh tế, đối tượng hay được nhắc đến là các “đại gia” buôn vàng, đô la, chứng khoán, nhà đất... ngày nay đã đến lượt người nghèo, những người chuyên chạy ăn từng bữa.

Người giàu nếu có thua lỗ trong các phi vụ làm ăn thì vẫn còn sống được chứ người nghèo mà đói thì quả là bi kịch!

Bài 1: Nghề ve chai đang chết
 

Lê Anh Đủ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.