Tỉ phú trẻ trên đất nghèo Mường Bú

07/11/2008 11:10 GMT+7

“Cứ nhìn thằng Pâng bản ta đó, tay không mà trở nên giàu có là vì đâu? Nếu cái đầu chịu nghĩ, cái tay chịu làm, ông trời không để nghèo khổ mãi đâu”- người già bản Đông Luông (Mường Bú, Mường La, Sơn La) lấy gương Lò Văn Pâng bảo con cháu…

Thật ra không đợi các cụ già bảo, nhiều bạn trẻ trong bản cũng đã tìm đến Pâng học cách làm ăn. Vui vẻ dẫn chúng tôi lên trang trại của Pâng, cụ Lò Văn Cơ cứ nói mãi chuyện “mảnh đất sỏi đá như thế mà thằng Pâng biến thành màu mỡ, đâu đâu cũng thấy cái bán ra tiền”.

Từ 220.000 đồng tiền làm thuê

Những ngôi nhà của đồng bào dân tộc Thái bản Đông Luông nhiều đời nay vốn nghèo xơ xác khi các nương ngô đang đâm bông trổ hạt thường bị những cơn lũ dữ ập đến cuốn trôi. “Làm cán bộ Đoàn của bản mà thấy bà con và những cặp vợ chồng còn trẻ cứ nghèo đói mãi, mình thấy buồn lắm. Nhưng chính mình cũng nghèo thì làm sao giúp ai được” - Pâng nhớ lại và nói về quyết tâm của mình hồi năm 2002: “Phải tìm lối thoát nghèo thôi”.

Hơn 9.000 hộ TN nông thôn Sơn La vay vốn làm giàu

Theo phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn Sơn La Quàng Văn Lâm, chương trình liên tịch giữa Tỉnh đoàn Sơn La và Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2003-2008 thông qua 520 tổ tiết kiệm và vay vốn đã có 9.006 lượt hộ TN được hỗ trợ vốn với mức tổng dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh lên đến 64,3 tỉ đồng. “Nhiều hộ TN nông thôn Sơn La nhờ vốn vay mà làm giàu ngay từ mảnh đất của mình. Lò Văn Pâng chỉ là một, ở xã Mường Hung còn có Lương Mạnh Việt; xã Chiềng Ngần, thị xã Sơn La có Lò Văn Phúc...”- anh Lâm cho biết thêm.

“Nhà đông anh em, mình chỉ học hết lớp 6, lên thành phố làm liệu ai thuê mình!” - Pâng kể. Gom góp được 220.000 đồng từ làm thuê cho một xưởng mộc của bản, Pâng mua 30 con ngan giống mở đầu cho một giấc mơ thoát nghèo. Đàn ngan không phụ người chủ trẻ măng chăm chút, lớn nhanh như thổi. Bán đàn ngan, Pâng cầm trong tay số tiền “không mơ thấy nổi”: 3,9 triệu đồng.

Thấy bản bên có người nuôi nhím chen chúc thành từng bầy hàng trăm con, bán được hàng trăm triệu đồng, Pâng thầm tính: “Mình cũng phải có một bầy nhím như thế”. Từ số tiền bán ngan, Pâng mua một cặp nhím nuôi thử, vừa mày mò đọc sách vừa lặng lẽ học kinh nghiệm của những chủ trang trại nhím lớn.

Thật không thể tưởng tượng từ cặp nhím đầu tiên, chỉ vài tháng sau đã thành cả một đàn nhím đông đúc; mang lại cho Pâng 54 triệu đồng khi thu hoạch. Nhiều đêm trắng Pâng ngồi tính toán chi tiết về vốn, con giống, lợi nhuận, giá cả thị trường, đầu ra… như một doanh nghiệp.

Đến chủ trang trại nhím, cá, xoan đào...

Với đàn nhím, Pâng càng khao khát một giấc mơ trang trại hơn bao giờ hết. “Ở bản còn ba ao cá chưa ai nhận thả, 1ha đất đồi trống để trồng cây ăn quả kết hợp trồng rừng có thể xin với xã đấu thầu xây dựng làm trang trại được. Nuôi nhím, thả cá trước mắt lấy vốn cho trồng cây ăn quả và trồng rừng lâu dài chắc giàu được”. Nhưng tiền thì chưa đủ.

“Một mình làm không nổi thì rủ anh em của bản cùng làm. Làm được thì sẽ được vay vốn thôi”. Thế là Pâng họp gần chục bạn trẻ khác của bản lại nghĩ cách làm giàu. Tỉ mỉ tính toán, trình dự án hẳn hoi, cuối năm 2006 Pâng đứng tên vay được 60 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội, cộng với tiền vốn mà Pâng dành dụm, gom góp tổng cộng ngót 200 triệu đồng.

Cả bản Đông Luông hồi hộp chờ xem Pâng làm trang trại thế nào. Bà con thấy Pâng và những TN cùng góp vốn không khi nào rỗi tay chân: nắng thì đắp bờ thả cá; mưa thì rủ nhau đi mua giống xoài ngọt hay cây xoan đào trồng trên đồi trọc, tối lại cặm cụi trông nom đàn nhím.

Cây ăn quả và rừng phải đợi lớn, sẵn cỏ phía dưới Pâng gom vốn mua thêm trâu bò chăn thả xem đó là lúc nghỉ ngơi, thư giãn. Những ngày cuối tháng 9-2008, khi lũ tràn về bản Đông Luông, đi tìm Pâng, người dân chỉ ra những chiếc ao của Pâng: “Nó và các anh em đang canh cá để lũ khỏi cuốn trôi”. Bữa trưa của Pâng và các anh em cũng diễn ra ngay bờ ao, “Ăn nhanh để còn bủa lưới, kiên quyết không để lũ cuốn đi”. Lần ấy, nhiều ao hồ khác của Đông Luông bị lũ cuốn trôi hết cá, riêng những ao của Pâng còn nguyên.

Đất nghèo đã nở hoa. Mỗi năm Pâng thu được hơn 100 triệu đồng tiền bán cá, 100 triệu đồng tiền bán nhím, hơn 30 triệu đồng cây ăn trái, 50 triệu đồng bán trâu bò. Những anh em hùn vốn với Pâng được chia đều số lãi và trả thêm cả tiền công 1,5 triệu đồng/tháng. Hiện nay, tài sản của Pâng trên dưới 2 tỉ đồng.

Chủ tịch xã Mường Bú Quàng Văn Minh bảo: “Hàng chục hộ dân Đông Luông đã học cách của Pâng mà thoát nghèo, không còn sợ cái đói ngày tám tháng ba nữa”. Và tháng mười vừa qua, Pâng trở thành một trong 39 điển hình TN sống đẹp, làm kinh tế giỏi vừa được T.Ư Đoàn và ban chỉ đạo Tây Bắc tuyên dương tại hội nghị tăng cường đoàn kết, tập hợp TN các dân tộc khu vực miền núi phía Bắc.

Theo Trần Đình Tú/ Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.