Ở phiên giao dịch đầu tuần qua, mặc cho màu đỏ vẫn thống trị trên bảng điện tử của cả 2 sàn giao dịch, cổ phiếu (CP) STB (Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín) vẫn tiếp tục đà tăng giá mạnh mẽ từ trước đó. STB đang được giới đầu tư xem là một trong những “điểm sáng” của thị trường. Theo các NĐT trên sàn, động thái gom hàng ở CP STB vừa qua xuất phát từ thông tin STB sẽ mua lại một số lượng CP rất lớn để làm CP quỹ. Và thông tin này đã được STB xác nhận thông qua việc STB được Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM chấp thuận mua vào 25 triệu CP làm CP quỹ nhằm góp phần bình ổn thị trường, bảo vệ lợi ích cổ đông. Việc mua lại CP quỹ sẽ được STB thực hiện từ 18.11-18.12.2008. Động thái gom hàng của giới đầu tư với CP STB khiến giá CP này tăng mạnh, góp phần củng cố niềm tin cho NĐT, hạn chế đà bán tháo ở nhiều CP chủ chốt khác.
Cuối tháng 10 vừa qua, thông tin mua vào 750.000 CP quỹ của Công ty cổ phần phát triển nhà Thủ Đức (TDH) cũng khiến CP này trở thành tâm điểm gom hàng của giới đầu tư. Còn nhớ thời điểm đó, thị trường đang lao dốc bởi sự ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới nhưng riêng CP TDH vẫn lội ngược dòng tăng giá do lượng cầu luôn áp đảo lượng cung. Không chỉ công ty mua vào CP quỹ mà một số thành viên trong Hội đồng quản trị của công ty này cũng mua vào khiến giới đầu tư càng tin tưởng. Một NĐT mua vào 5.000 CP TDH với giá 29.000 đồng/CP vào cuối tháng 10 cho biết: “Họ hiểu họ hơn ai hết mà còn gom hàng thì tôi sợ gì”.
Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Khánh Hội cũng đăng ký mua 250.000 CP làm CP quỹ từ đầu tháng 11 cho tới đầu tháng 2 năm sau; Công ty cổ phần nhựa Tân Đại Hưng (TPC) đăng ký mua lại 500.000 CP quỹ; Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn (LSS) đăng ký mua lại 1 triệu CP quỹ... Hồi đầu năm 2008, khi thị trường sụt giảm mạnh, hàng loạt công ty đã đăng ký mua CP quỹ để cứu giá chứng khoán. Tuy nhiên, do sự sụt giảm vẫn tiếp tục kéo dài, khoản đầu tư CP quỹ của nhiều công ty đã rơi vào tình trạng lỗ nặng. Đó cũng chính là lý do kế hoạch mua CP quỹ của nhiều công ty bị hủy bỏ. “Phong trào” mua CP quỹ lần này được đánh giá là thực tế và triển vọng hơn lần trước do giá nhiều loại CP hiện đã xuống đến mức hấp dẫn.
Nhận xét về xu hướng đầu tư theo tin CP quỹ hiện nay, ông Huy Nam, chuyên gia tài chính - chứng khoán tại TP.HCM, cho rằng đây là một trong những dạng đầu tư theo tâm lý. NĐT nghĩ rằng, trong thời buổi khó khăn như hiện nay mà các công ty này vẫn còn tiền mặt để mua vào CP quỹ chứng tỏ nội lực của các công ty này tốt. Điều này bảo đảm cho khoản đầu tư của họ. Thông thường thì việc mua CP quỹ không được coi như một khoản đầu tư mà thường rơi vào trường hợp doanh nghiệp dư tiền trong khi cơ hội kinh doanh không nhiều. Thay vì để CP ở ngoài, nhiều doanh nghiệp chọn cách mua vào để đỡ đi một khoản nghĩa vụ đối với lượng CP này. Mặc dù vậy, ông Nam cho rằng, ý nghĩa của việc mua CP quỹ của các công ty tại thị trường Việt Nam lại khác. Yếu tố hiệu quả chỉ chiếm một phần nhỏ trong động thái này mà chủ yếu là cứu giá CP. Điều này thể hiện ở chỗ chỉ một thời gian ngắn sau khi mua CP quỹ, nhiều công ty lại phát hành thêm hoặc phát hành CP thưởng. Chính vì vậy, việc đầu tư theo hành động mua vào CP quỹ của các công ty không thể “chắc ăn” như nhiều NĐT vẫn nghĩ.
Đứng từ góc độ khác, ông Lê Đạt Chí, chuyên gia chứng khoán tại TP.HCM nhận định, cổ đông của những công ty này không biết được việc công ty mua CP quỹ có lợi cho mình hay không. Hay chẳng qua là lấy tiền của công ty để làm lợi cho một số NĐT khác. Chính vì vậy, trước khi mua CP quỹ, công ty cần đưa ra một mức giá trần cho kế hoạch này. Cổ đông có thể ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định việc mua lại và cả mức giá trần mua vào. Theo ông Chí, việc mua CP của nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua cho thấy mức giá mua chưa được quan tâm và thường giá mua vào là cao.
Một NĐT chuyên săn các thông tin dạng này để “lướt sóng” chia sẻ: việc đầu tư ăn theo thông tin doanh nghiệp mua CP quỹ chỉ hiệu quả khi nắm trước được thông tin này để gom hàng; phải bán ra khi các công ty chính thức giải ngân mua CP quỹ. Lúc này do cầu tăng vọt, giá CP tăng lên. Nếu không có các quyết định chính xác, kịp thời như vậy thì sẽ rất dễ thua.
Nguyên Hằng
Bình luận (0)