Hơn 20 người thiệt mạng trong tàu ngầm Nga

10/11/2008 00:15 GMT+7

Một chiếc tàu ngầm hạt nhân của Nga đã gặp sự cố khi chạy thử nghiệm ở vùng biển Thái Bình Dương làm hơn 20 người chết và 22 người khác bị thương.

Theo hãng tin RIA Novosti, người phát ngôn lực lượng hải quân Nga Igor Dygalo hôm 9.11 cho biết trong lúc một chiếc tàu ngầm hạt nhân thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đang tiến hành thử nghiệm trên biển hôm 8.11 thì hệ thống cứu hỏa trên tàu bỗng nhiên kích hoạt, gây ra sự cố cướp đi sinh mạng của hơn 20 người, trong đó có một số quân nhân và nhân viên trên tàu. Tuy nhiên, theo ông Dygalo, sự cố trên không ảnh hưởng đến lò phản ứng hạt nhân trên tàu. “Con tàu không bị hư hỏng, lò phản ứng hạt nhân của tàu vẫn hoạt động bình thường và mức phóng xạ vẫn trong giới hạn an toàn”, ông Dygalo nói. Thông tin này cũng đã được một nguồn tin cấp cao thuộc Hạm đội Thái Bình Dương xác nhận, đồng thời cũng khẳng định sự cố chỉ xảy ra ở phần mũi tàu nên không ảnh hưởng đến lò phản ứng hạt nhân, vốn nằm ở phần đuôi tàu.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân tại sao hệ thống cứu hỏa trên tàu bị kích hoạt. Theo giới chuyên môn, hệ thống cứu hỏa trên các tàu ngầm hạt nhân của Nga hết sức phức tạp và có thể phụ thuộc vào nguồn hóa chất. Còn theo hãng tin AFP, các hãng tin Nga dẫn lời một chuyên gia quân sự cho biết sự cố trên có thể do lỗi kỹ thuật, nhưng cũng không loại trừ nguyên nhân là do sơ suất của con người khi vi phạm quy định vận hành tàu. Các công tố viên thuộc Hạm đội Thái Bình Dương đã mở cuộc điều tra về sự cố này và ban đầu xác nhận khí freon do hệ thống cứu hỏa phát ra để dập tắt lửa là nguyên nhân gây ra cái chết của 20 người. Những người này đã chết ngạt do hít phải khí freon. Theo AP, Sergei Markin, một quan chức thuộc nhóm điều tra Nga, cho biết các cuộc xét nghiệm pháp y cho thấy có chất freon trong phổi các nạn nhân.

Theo ông Dygalo, lúc xảy ra sự cố, trên tàu có 208 người, trong đó có 81 quân nhân. Số còn lại là các kỹ thuật viên và các chuyên gia về tàu. Ông Dygalo cho hay Tư lệnh hải quân Vladimir Vysotsky đã ra lệnh ngưng thử nghiệm chiếc tàu ngầm trên và chiếc tàu này đã được tàu khu trục Admiral Tributs cùng tàu cứu hộ Sayany hộ tống về cảng Bolshoi Kamen, gần thành phố Vladivostok. Tất cả những người bị thương đã được chuyển sang tàu Admiral Tributs để được đưa đến điều trị tại một bệnh viện ở Vladivostok, theo hãng tin ITAR-Tass. Cũng theo ông Dygalo, Thứ trưởng Quốc phòng Alexander Kolmakov và Tư lệnh Hải quân Vysotsky đã lên đường đến nơi xảy ra sự cố. Tuy nhiên, ông Dygalo không tiết lộ cụ thể nơi xảy ra sự cố trên. Ông Dygalo cũng cho hãng tin AFP biết rằng ngay sau khi được Bộ trưởng Quốc phòng Anatoly Serdyukov thông báo sự việc, Tổng thống Dmitry Medvedev đã yêu cầu các cơ quan chức năng tiến hành điều tra kỹ sự cố trên. 

Cho đến nay, tên của chiếc tàu gặp sự cố chưa được tiết lộ chính thức. Nhưng hãng tin RIA Novosti dẫn một nguồn tin từ ban quản lý xưởng đóng tàu Amur cho biết con tàu tên là Nerpa thuộc loại Akula, đã được đóng tại xưởng này và gần đây đã bắt đầu các cuộc thử nghiệm tại vùng biển Nhật Bản thì xảy ra sự cố. Cũng theo RIA-Novosti, cuộc thử nghiệm tàu này đã được tiến hành hồi tháng trước và con tàu mới nổi lên lần đầu tiên trong tuần qua. Báo chí Nga cho hay tàu Nerpa dự kiến sẽ được chuyển cho hải quân Ấn Độ thuê. Theo một số thông tin thì New Delhi đã chi 2 tỉ USD để thuê hai tàu ngầm loại Akula của Nga và có khả năng sẽ mua luôn hai chiếc tàu ngầm này khi thời hạn thuê mượn kết thúc. Akula II được coi là loại tàu ngầm hạt nhân tấn công mạnh mẽ nhất và cũng ít gây tiếng ồn nhất của Nga, theo RIA-Novosti.

Trở lại sự cố nói trên, đây được xem là vụ tai nạn tàu ngầm nghiêm trọng nhất ở Nga kể từ sau thảm họa tàu Kursk hồi tháng 8.2000, khiến 118 thủy thủ thiệt mạng. Lúc đó, một ngư lôi trên tàu phát nổ khiến cả con tàu Kursk chìm xuống đáy đại dương thuộc vùng biển Barents. Kể từ sau thảm họa tàu Kursk, Nga thường xuyên hứng chịu một loạt các sự cố liên quan tới tàu ngầm của nước này. Đơn cử như trường hợp tàu ngầm K-159 đã bị chìm ở vùng biển Barents hồi tháng 8.2003 làm 11 thủy thủ thiệt mạng. Hoặc như cách đây 3 năm, một chiếc tàu ngầm nhỏ thuộc Hạm đội Thái Bình Dương bị sập bẫy lưới đánh cá khiến thủy thủ đoàn bị ngâm dưới nước suốt 3 ngày với nguồn cung cấp ô-xy cạn kiệt dần. Họ đã may mắn thoát nạn sau khi được một đội tàu của Anh đến cứu.

Châu Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.