Cô giáo làng phong

10/11/2008 22:45 GMT+7

10 năm ròng, chị Siu H’jel tự nguyện đến làng phong Homrông Yô II (xã Ia Ka, huyện Chư Pah, Gia Lai) dạy chữ không công cho trẻ em trong làng và cùng lao động, sinh sống tại đây. Mời nghe đọc bài

Làng phong khát chữ

Mấy tuần liền trời mưa liên tục khiến những con đường vào làng Homrông Yô II trơn trượt. Một số học sinh đến được lớp thì trên mình đã hằn in chứng tích của con đường đất với những lần trượt ngã. “Mình đi bị ngã thường xuyên. Nhiều khi chưa đến được làng đã lấm lem hết áo quần nên lúc nào tại lớp cũng phải dự trữ thêm một bộ nữa để thay. Chỉ tội cho những cô giáo ở xa đến làng dạy bị ngã miết”, chị H’jel nói.

Trí nhớ của già Ngâm vẫn hằn rõ ấn tượng về cô giáo trẻ H’jel khi chị đến làng nói mình muốn dạy chữ không công cho đám trẻ. Hay tin này, nhiều người già trong làng hồ hởi ra mặt. Già trẻ trong làng ngay ngày hôm sau tập trung đông đủ, kiếm vật dụng dựng cho cô giáo mới đến một lớp học nhỏ giữa làng. Mọi người cặm cụi cả tuần ròng, lớp học mới thành hình. Nói là lớp học nhưng cũng chỉ có một phòng nhỏ được dựng lên bằng tre nứa. Chỗ ngồi là những tấm ván được đóng vội. Đây là cô giáo đầu tiên đến làng cộng với cơn khát chữ gần chục năm trời nên ai nấy đều háo hức.

Cô H’jel kể: “Ban đầu chỉ định dạy một ít để đám trẻ biết đọc, biết viết đủ xóa mù là thôi. Nhưng rồi cứ dạy miết cho đến hôm nay”. Lớp học đầu tiên có 60 học sinh, có độ tuổi từ 6 đến 20. Nhưng được người già trong làng động viên, lớp học lúc nào cũng dư sĩ số bởi một số người trong làng tuy không học vẫn muốn đến xem cô giáo giảng bài. Cô giáo vì thế phải “bở cả hơi tai” trong nửa năm trời mới giúp học sinh đọc, viết được. Và đến tròn năm thì phần nhiều trong số này đọc thông viết thạo.

Thầy Đặng Quang Vinh - Trưởng phòng Giáo dục huyện Chư Pah, nói: “Cô H’jel rất có trách nhiệm trong giảng dạy. Từ nhiều năm trước cô dạy chữ cho con em trong làng phong nhưng không hề nhận đồng lương nào. Đây là một trường hợp hiếm và đáng quý trong ngành giáo dục ở Gia Lai”.

Cổ tích đời thường

Sau 2 năm dạy ở làng Homrông Yô II, cô giáo H’jel nói với mọi người là muốn ở lại luôn trong làng để tiện cho việc ôn bài thêm cho những học sinh còn yếu. Ngoài công việc dạy học, cô còn tự tay tắm rửa, phát thuốc và chăm sóc cho những người bị bệnh tại đây. Suốt 10 năm ròng, cô đã bám trụ lại làng âm thầm làm việc thiện.

Tuy nhiên, cuộc sống của người dân làng Homrông Yô II còn lắm nỗi lo, nhất là chuyện cơm áo. Lắm lúc cô giáo phải chắt chiu từng đồng để mua đồ dùng học tập cho những học sinh có hoàn cảnh quá khó khăn. Nhưng lực cũng có hạn nên nhiều khi cô trò phải “vá víu” để niềm say mê với chuyện học được trọn vẹn. Lúc đầu cô dạy chương trình lớp 1, 2 cho học sinh trong làng. 7 năm trở lại đây cô dạy chương trình mầm non. Cả trăm học sinh đã được học chữ của cô giáo H’jel trong lớp học tình thương ấm áp.

H’jel kể: “Mình dạy học một buổi, buổi còn lại thì làm rẫy. Số lương thực mình kiếm được ngoài chuyện nuôi con, mình còn trích lại một phần giúp đỡ cho những người nghèo khó. Trước đây mình đã từng chứng kiến nhiều nhà đứt bữa triền miên trong mùa giáp hạt. Nhiều gia đình phải ăn củ mài, củ mì thường xuyên. Thỉnh thoảng mình còn thấy có người đói lả đi trên rẫy. Lúc đó lại lặng lẽ về nhà xem có chút gì ăn được rồi đem cho... Người trong làng khi trồng rau hay kiếm được mớ cá từ suối lên cũng đem tới cho. Không nhận là họ giận liền”.

Tất cả hơn 50 hộ dân của làng Homrông Yô II đều có con cháu đến lớp học tình thương của cô giáo H’jel. Mấy năm nay, cô H’jel đã chuyển nhà về ở gần UBND xã Ia Ka, và mỗi ngày phải đạp xe hơn 3 km để đến lớp. Từ năm 2004, Phòng Giáo dục huyện Chư Pah đã ký hợp đồng với cô nên cuộc sống của gia đình cũng đỡ nặng gánh.

* * *

Khi ráng chiều nhạt dần, cô giáo H’jel vội xách can nhựa đi mua ít dầu đưa vào làng cho mấy đứa trẻ thắp đèn học bài bởi làng vẫn chưa có điện. Cô nói rằng mình mong những gia đình trong làng khá lên để những đứa trẻ ở đây còn có điều kiện học tiếp lên cao nữa.

Thiên Trúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.