Tranh cãi quanh “cái chết êm ái” ở Singapore

10/11/2008 22:51 GMT+7

Bộ Y tế Singapore đang muốn xem xét hợp pháp hóa việc kết liễu cuộc sống của những người lâm cảnh bệnh tật ngặt nghèo. Tuy nhiên, dư luận nước này đã có phản ứng gay gắt. Mời nghe đọc bài

Muốn theo chân Thụy Sĩ?

Chuyện bắt đầu từ lá thư của một phụ nữ 72 tuổi được đăng trên nhật báo tiếng Hoa Lianhe Zaobao hôm 20.9. Trong thư, bà cụ nói rằng bà và chồng đang sống trong nỗi sợ hãi rơi vào cảnh bệnh tật và phải phụ thuộc vào những người khác. Liền sau đó một số người dân Singapore cũng bày tỏ sự đồng cảm và kêu gọi chính phủ hợp pháp hóa việc thực hiện “cái chết êm ái”, vốn được luật hóa tại Thụy Sĩ từ thập niên 1940. Tuy vậy, rất nhiều người không đồng tình. Tranh cãi nổ ra từ đó.

Giữa tháng 10, Bộ trưởng Y tế Khaw Boon Wan bắt đầu lên tiếng. Báo Today trích lời ông Khaw nói rằng Singapore chưa làm tốt việc chăm sóc những người kề cận cái chết, và rằng nhiều biện pháp đang được chuẩn bị thực hiện để giúp những người này “chết danh giá”. Trong số những biện pháp đó là chương trình lên kế hoạch cho người sắp ra đi tại nhà. Theo đó, người ốm và thân nhân được tư vấn sớm về những phương án lựa chọn trước bệnh tật bế tắc của mình. “Ý nghĩa sâu xa của giải pháp này là “đối thoại về cái chết” chứ không giấu nó dưới sàn nhà. Cần vượt qua những điều cấm kỵ về cái chết để trao đổi thẳng thắn giữa chúng ta với bệnh nhân và bác sĩ”, ông Khaw giải thích.

Ông Khaw cũng đã nghĩ tới giải pháp “cái chết êm ái”, và có vẻ như ông đang muốn thăm dò dư luận: “Tôi không biết người dân Singapore đã sẵn sàng chọn cái chết êm ái chưa. Nhưng tôi biết chắc rằng với dân số đang già đi, rồi đây chúng ta sẽ nghe nhiều câu chuyện về nỗi đau đớn bệnh tật bi thảm”. Ông cũng nói rằng số giường bệnh cho người già sẽ tăng 20% trong 7 năm tới. Nhưng những luận điểm của ông Khaw không nhận được sự đồng thuận từ giới chuyên môn và lập pháp. Báo Straits Times nói nhiều nghị sĩ quốc hội và bác sĩ được phỏng vấn nói rằng cá nhân họ không tán thành “cái chết êm ái”, và nếu được chăm sóc chu đáo, người bệnh sẽ không chọn giải pháp này. Số đông dư luận trên các diễn đàn điện tử uy tín cũng không đồng thuận.

Làn sóng chỉ trích

Nhiều ý kiến phê bình cho rằng sự tự do trong luật pháp về “cái chết êm ái” của Thụy Sĩ đã dẫn đến xu hướng “du lịch đến cái chết” (death tourism).

Bộ trưởng Y tế Khaw Boon Wan cho biết sắp tới sẽ cởi bỏ một số thủ tục khi thực hiện “Yêu cầu chấm dứt hỗ trợ y tế” (Advanced Medical Directive – AMD). AMD là một văn bản pháp lý được áp dụng trong 11 năm qua, cho phép người bệnh từ chối những hỗ trợ y tế nhằm kéo dài sự sống một cách vật vã. Khi thực hiện AMD, bệnh nhân (hay thân nhân) phải ký giấy đồng ý trước sự chứng kiến của bác sĩ. Điều đó khiến nhiều bác sĩ có cảm giác cắn rứt. Vì thế mà AMD đã không được phát huy tối đa, theo nhận xét của ông Khaw.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Zurich và Đại học Khoa học ứng dụng Zurich (Thụy Sĩ) hôm 4.11 đưa ra kết quả một nghiên cứu cho thấy nhiều người tìm đến “cái chết êm ái” không hẳn vì bệnh tật ở hồi bế tắc. Nghiên cứu này phân tích chi tiết về 421 “cái chết êm ái” do 2 nhóm thực thi “quyền chết” tại Thụy Sĩ thực hiện là Dignitas và Exit, từ năm 2001 đến 2004. Chỉ có 79% trong 274 ca do Dignitas, và 69% trong 147 ca do Exit thực hiện là thực sự bế tắc về bệnh tật. Và từ năm 1990 đến 2000, Exit giúp 149 ca thì chỉ có 78% lâm vào bệnh giai đoạn cuối.

Nhưng một người trong ban lãnh đạo của Exit khẳng định: “Những con số trên không đại diện cho cả Thụy Sĩ. Vả lại, nghiên cứu trên không có đầy đủ chẩn đoán bệnh lý của người tìm đến “cái chết êm ái”. Chúng tôi chỉ giúp những người mang bệnh sắp chết, chiếm khoảng 60-75%, và những bệnh nhân trong tình trạng rất tồi tệ”. Ông này cũng khẳng định rằng Exit làm việc dựa trên sự kê toa của các bác sĩ có đạo đức.

Dignitas và Exit bị chỉ trích nặng nề rằng chính họ đã làm xấu hình ảnh Thụy Sĩ và biến nước này thành “thủ đô tự tử” của châu u. Mặt khác, nhiều nhóm xã hội cũng chỉ trích các bác sĩ kê toa không tuân thủ quy định người tìm đến cái chết êm ái phải gặp bác sĩ ít nhất 2 lần trước khi đi vào “phòng chết”. Một bác sĩ khác thì nói với những bệnh nhân chưa thật sự kề cận tử thần, ông bắt buộc 2 lần ấy phải cách xa nhau ít nhất 8 tuần. Tuy vậy, quy định này đã bị buông lỏng.
Những chỉ trích trên đã khiến Bộ trưởng Tư pháp Thụy Sĩ tuyên bố hồi đầu tháng 7 là bà muốn đặt dấu chấm hết đối với hiện tượng “du lịch đến cái chết” sau khi chính phủ hứa sẽ xem xét lại các luật lệ đối với kiểu tự tử được hỗ trợ này.

Hiện nay trên thế giới, ngoài Thụy Sĩ còn có Hà Lan, Bỉ, Úc và bang Oregon của Mỹ chấp nhận “cái chết êm ái”.

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.