Ngày càng có nhiều trẻ em, nhất là trẻ ở khu vực thành thị, ham thích vi tính, trò chơi điện tử, chat qua Internet... Cũng như người lớn nghiện bia rượu, trẻ nghiện Internet cũng gặp những yếu tố gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thể chất và tâm thần.
Lên ba đã có thể nghiện
Khi bắt đầu bước vào tuổi đi học, thậm chí mới đi mẫu giáo (3 tuổi), trẻ đã có thể chơi và nghiện trò chơi điện tử, vi tính. Theo bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, đơn vị tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 - TPHCM, người nghiện game có thể chơi 10 giờ/ngày hoặc 70-80 giờ/tuần và gây ra hội chứng nghiện trò chơi điện tử. Hội chứng này xảy ra ở trẻ khi thời gian sử dụng máy vi tính để chơi game ảnh hưởng tai hại đến mối quan hệ xã hội, ngăn trở việc học tập hoặc đời sống của trẻ.
Giống như các loại nghiện khác, trò chơi điện tử thay thế bạn bè và gia đình trong đời sống cảm xúc của trẻ. Nếu không được chơi, trẻ sẽ rối loạn tính khí và muốn sống cô lập... Ngoài ra, trẻ nghiện trò chơi điện tử và Internet nói chung có thể có các triệu chứng thể chất, như: rối loạn giấc ngủ, chấn thương các ngón tay, đau lưng, đau cổ, đau đầu, khô mắt, ăn uống bất thường, kém chăm sóc vệ sinh cá nhân...
Trẻ, nhất là trường hợp con duy nhất trong gia đình, không có ai để cùng chơi, cũng không được cha mẹ khuyến khích chơi những trò chơi thể lực, xã hội, sáng tạo, biểu tượng..., nên dễ tìm đến Internet. Cha mẹ sợ con bị ảnh hưởng xấu của bạn bè nên thường cảm thấy an tâm khi trẻ tiếp cận Internet như một phương tiện mở mang trí tuệ mà không lường được hậu quả.
Tác động từ gia đình
Tại đơn vị tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1, một cô bé 14 tuổi đã được đưa đến điều trị vì toan tự tử bằng thuốc an thần do một người bạn mua giùm sau khi đã truy cập tên thuốc và địa chỉ bán trên Internet. Sự nông nổi của bệnh nhi này là vì... yêu một thanh niên 23 tuổi do chat trên Internet khoảng 2 năm nay, song bị gia đình ngăn cấm.
Trước đó, cô bé đã từng dùng dao rạch cánh tay để khắc tên người yêu. Trong khi nằm điều trị ở bệnh viện, cô bé đã trốn đi chơi với chàng trai này suốt đêm, làm cha mẹ rất lo lắng. Trong một phiên trị liệu tâm lý, cô bé tâm sự: “Con thiếu tình thương của gia đình, dù là con duy nhất của ba mẹ, nên đi tìm tình cảm của bạn trên Internet”.
Theo bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, một nguyên nhân tâm lý thường gặp khi trẻ nghiện Internet là do tác động của gia đình: Cha mẹ bận việc làm ăn, không có thời gian gần gũi con cái; cha mẹ bất hòa, ly thân, ly dị; trẻ bị giáo dục nghiêm khắc bằng roi vọt và chửi mắng, hoặc ngược lại được nuông chiều quá đáng; cha mẹ không lắng nghe những khắc khoải ưu tư của tuổi mới lớn.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh khuyên cha mẹ nên gần gũi để tìm hiểu, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của con trẻ. Cha mẹ cũng cần theo dõi cách con cái sử dụng máy vi tính và có biện pháp hạn chế hoặc ngăn chặn trẻ vào Internet. Hãy giải thích cho con trẻ biết sự nguy hiểm của việc cung cấp thông tin về bản thân, kết bạn, gửi ảnh cho bất kỳ người nào gặp trên mạng, cũng như từ chối trả lời những thư có lời lẽ gây xúc phạm hay đe dọa.
Phụ huynh cũng nên theo dõi hành vi của con: Nếu thấy trẻ đang kích thích, căng thẳng hay thích giữ bí mật khi cha mẹ bước vào phòng lúc chúng đang sử dụng Internet thì nên thảo luận với con về những cuộc giao du ảo. Giống như tivi, nên đặt máy vi tính ở giữa phòng khách, nơi mọi người trong gia đình có thể dùng, chứ không nên để ở phòng riêng của trẻ. Cha mẹ nên khuyến khích, hỗ trợ con trẻ tham gia những trò chơi thể thao và nghệ thuật để trẻ phát huy tài năng một cách toàn diện.
Dấu hiệu nhận biết trẻ lệ thuộc Internet Phủ định hay nói dối về thời gian sử dụng hoặc về việc làm trên vi tính. Quá mệt mỏi và thiếu ngủ vì thức khuya hay dậy sớm để ngồi trên máy vi tính. Sa sút học tập trong khi phụ huynh tưởng con mình đang miệt mài học tập trên máy vi tính. Không chơi với bạn, không quan tâm đến sinh hoạt thể dục và giải trí vì mải mê sống trong thế giới ảo, không cần sống thật. Chán ăn, dễ nổi giận khi không được phép sử dụng máy vi tính; không chăm sóc vệ sinh cá nhân. Không vâng lời và có hành vi tự làm hại bản thân khi không được giao lưu với các bạn ảo. |
Bình luận (0)