Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dành 55 phút để bổ sung những thông tin mới nhất có liên quan đến việc điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô. Với thái độ rõ ràng, ông đồng thời giải đáp những bức xúc của các ĐBQH liên quan đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn, các tổng công ty; thiệt hại do quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo gây ra cho nông dân...
DNNN chưa làm tốt vai trò đầu tàu
Không vì lợi ích trước mắt mà dung túng doanh nghiệp gây ô nhiễm Chúng ta lấy bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững làm điều kiện để giải quyết mục tiêu tăng trưởng. Kiên quyết không vì lợi ích trước mắt mà tiếp nhận, dung túng cho những dự án, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Đối với cái hiện đang gây ô nhiễm môi trường thì có chương trình, có kế hoạch để xử lý dứt điểm, tinh thần là xử lý dứt khoát nhưng cũng phải xem xét có lợi nhất, phải đặt trong hoàn cảnh cụ thể, điều kiện cụ thể, vừa đúng pháp luật vừa chọn cái có lợi nhất.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Xung quanh ý kiến về hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng cho rằng, thời gian qua, các doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn và tổng công ty đã được cơ cấu lại, thích ứng tốt hơn với cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, hiệu quả và khả năng được nâng lên, đóng góp khoảng 40% GDP.
Cũng theo Thủ tướng, khối doanh nghiệp này cũng còn nhiều yếu kém, bất cập: "Tổng giá trị tài sản và vốn sở hữu lớn, nhưng tỷ suất lợi nhuận trên vốn chưa tương xứng và khả năng tạo việc làm còn thấp, chưa phát huy thật tốt vai trò tiên phong trong việc tổ chức thị trường nội địa, đổi mới công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ; tính liên kết và hợp tác giữa các doanh nghiệp này với khu vực dân doanh còn yếu, vì vậy chưa thực hiện tốt vai trò đầu tàu và khả năng dẫn dắt các doanh nghiệp dân doanh. Một số doanh nghiệp còn buông lỏng quản lý để xảy ra thất thoát, tham nhũng".
Sẽ làm rõ và xử lý đúng pháp luật "vụ PCI"
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) về thái độ xử lý của Chính phủ trước diễn biến các bị can trong vụ Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương - Nhật Bản (PCI) đã nhận tội đưa hối lộ tại Việt Nam, Thủ tướng nói: "Khi báo chí Nhật Bản đưa tin có việc hối lộ liên quan đến một cán bộ quan chức của Việt Nam, chúng tôi đã yêu cầu Bộ Ngoại giao chủ động liên hệ với bạn, yêu cầu chuyển hồ sơ cho chúng ta xử lý, chứ không thể công dân Việt Nam mà để cơ quan tư pháp nước khác điều tra. Tôi xin nói rõ như thế, theo đúng luật pháp. Phía bạn một thời gian dài mới gửi gọi là hồ sơ, nhưng hồ sơ đó cũng chưa đủ cơ sở pháp lý. Chúng tôi đã yêu cầu cơ quan điều tra tiếp nhận, phối hợp để làm rõ vấn đề này, làm rõ tới đâu sẽ xử lý đúng pháp luật của Việt Nam. Cơ quan chức năng đang thực hiện việc này và giữa ta và Nhật Bản đã lập một Ủy ban phối hợp để đấu tranh, ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng trong sử dụng ODA; Nhật Bản rất hoan nghênh”. |
|
* ĐB Trần Đình Long (Đắk Lắk) hỏi: "Thủ tướng xử lý thế nào trong trường hợp một số doanh nghiệp nhà nước đã từ chối đầu tư vào lĩnh vực được Nhà nước giao; tiền lương, thưởng cao nhưng nộp ngân sách chưa tương xứng với ngành nghề kinh doanh và vốn đầu tư của ngân sách?". Thủ tướng hiểu ĐB Long muốn nói đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nên trả lời thẳng vào vấn đề này: "Lợi nhuận trên vốn năm 2007 của EVN là 5%, đây là mức thấp. Để bảo đảm điện cho năm 2015 và tiến tới năm 2025, chúng ta phải đầu tư thêm khoảng 61.000 MW. Trong 61.000 MW, EVN được phân công đầu tư 34.745 MW, còn lại là giao các tập đoàn khác và khuyến khích các thành phần kinh tế khác. Nhưng để có 34.745 MW này phải đầu tư 882.700 tỉ đồng. Lợi nhuận thấp quá, các ngân hàng từ chối cho vay. Chính phủ cũng phối hợp xử lý nhưng cuối cùng không đủ vốn". Thủ tướng khẳng định đấy không phải là "sự thoái thác". "Nói điện lực đùn đẩy trả dự án cho Chính phủ thì cũng tội cho anh em ngành điện lực" - Thủ tướng nhấn mạnh.
* ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) hỏi: "Có biểu hiện EVN làm mình làm mẩy để đòi tăng giá điện không? Và đến khi nào Thủ tướng sẽ chấm dứt tình trạng độc quyền của EVN?". Thủ tướng nói: "Tôi không biết như thế nào là làm mình làm mẩy", và Chính phủ luôn kêu gọi nhiều thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực sản xuất điện (hiện nay sản lượng điện của EVN chiếm khoảng 60%). Ông thừa nhận EVN giữ vai trò độc quyền khâu phân phối và truyền tải, nhưng cam kết "Chính phủ đang xây dựng đề án, theo hướng sẽ lập ra một doanh nghiệp truyền tải và bán điện, khi đó sẽ có chỗ điện được bán giá cao, có chỗ thì điện được bán giá thấp".
ĐB Nguyễn Ngọc Đào
Các bộ tham mưu có lúc lúng túng
ĐB Dương Trung Quốc:
"Thủ tướng nói việc xuất khẩu gạo đã mang lại giá trị tới 2,8 tỉ USD, trong đó phần lợi nhuận tới 1,7 tỉ. Nhưng điều quan trọng là lãi này rơi vào đâu?".
Thủ tướng:
"Tôi nghĩ có khi phải tính chính xác hơn".
"Tuy dự báo chưa thật chính xác nhưng việc điều hành xuất khẩu gạo vừa qua dựa trên cơ sở lợi ích tổng thể của đất nước và đã cơ bản đạt được các yêu cầu" - Thủ tướng trả lời khi vấn đề tạm dừng xuất khẩu gạo hồi đầu năm một lần nữa được các ĐBQH đặt ra. Ông trầm ngâm nói: "Lúc đó tôi chủ trì, tôi rất suy nghĩ. Các chuyên gia cho tới các bộ không có ai dám nói vụ đông xuân miền Bắc ta sẽ được mùa hay mất mùa. 50% nói là có khả năng giữ được như năm trước, 50% cho rằng sẽ là thất mùa. Rất khó cho lựa chọn quyết định của lãnh đạo, thực sự khó dự báo thật". Ông nói rằng lúc đó gạo dự trữ trong kho chỉ có 100 nghìn tấn chứ không phải 3-4 triệu tấn như có ý kiến nêu. Việc tạm dừng ký hợp đồng mới lúc đó nhằm đảm bảo an ninh lương thực.
Thủ tướng cho biết thêm, mặc dù vụ đông xuân của đồng bằng sông Cửu Long năm nay chi phí đầu vào tăng mạnh, nhưng giá bán lúa tăng cao hơn, nên tỷ lệ lãi sau khi trừ chi phí đạt trên 85%, tăng đáng kể so với vụ đông xuân năm ngoái (70%).
ĐB Lê Bộ Lĩnh (An Giang): Thủ tướng có kế hoạch đối thoại với các nhà khoa học, với trí thức trong năm 2009 về những vấn đề phát triển của đất nước hay không? Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Gần như ngày nào tôi cũng đối thoại với trí thức. Bởi vì những người làm việc xung quanh tôi là tiến sĩ, phó tiến sĩ, đại học, kỹ sư cả, đều là những nhà nghiên cứu và có học vị, nhưng đăng đàn, treo khẩu hiệu là Thủ tướng đối thoại với trí thức thì tôi thấy rất hình thức. |
* ĐB Phạm Quốc Anh (Đồng Nai) tỏ ý nghi ngờ về tỷ lệ lợi nhuận của vụ lúa đông xuân tại đồng bằng sông Cửu Long mà Thủ tướng đưa ra. Ông Phạm Quốc Anh nói đó là "con số tham mưu có vấn đề". Thủ tướng cũng thừa nhận: "Các bộ tham mưu có lúng túng". Nhưng ông khẳng định các con số ông có được từ báo cáo của các bộ, ngành, trong đó có Ban Vật giá Chính phủ... và các cơ quan báo cáo phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về con số trên.
lĐB Nguyễn Trung Nhân (Cần Thơ) đề nghị, Chính phủ chi khoảng 5.000 tỉ đồng (5% bội chi ngân sách) để hỗ trợ bà con mua giống, thuốc trừ sâu để bù đắp cho những thiệt hại. Rất chia sẻ với người nông dân nhưng theo Thủ tướng, một mình ông không thể quyết định được chuyện này.
Kỳ họp có nhiều câu hỏi chất vấn nhất Ngoài 129 lượt ý kiến chất vấn trực tiếp tại hội trường trong 2 ngày rưỡi chất vấn các thành viên Chính phủ, tính đến trưa ngày 13.11, đoàn thư ký kỳ họp đã nhận được 307 chất vấn bằng văn bản. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, đây là kỳ họp có số câu hỏi chất vấn nhiều nhất từ trước đến nay, kể cả chất vấn trực tiếp tại hội trường cũng như bằng văn bản. Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng nhận xét: "Không khí chất vấn và trả lời chất vấn thật sự dân chủ, thẳng thắn, xây dựng và trách nhiệm. Hỏi và trả lời nói chung đã đi vào đúng trọng tâm, ngắn gọn, có trao đi đổi lại, có tranh luận liên tục khá sôi nổi, có sự tham gia của nhiều vị bộ trưởng vào cùng một vấn đề, có cọ xát, có tranh luận. Kỹ năng chất vấn và trả lời chất vấn từng bước được nâng lên". X.Toàn |
* ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) hỏi: "Các bộ trưởng đã nhận trách nhiệm của mình. Là người đứng đầu Chính phủ, là nhạc trưởng, nhạc trưởng có nhận trách nhiệm không?". Thủ tướng mạch lạc: "Đương nhiên, Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất, thống nhất quản lý nhà nước về hành chính trên mọi lĩnh vực. Thủ tướng là người đứng đầu, các thành viên Chính phủ làm được thì Thủ tướng cũng có phần trong đó, làm chưa được thì cũng có phần. 7 nhóm tồn tại yếu kém khuyết điểm, trong đó có trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ".
Không chấp nhận cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực
Không hài lòng với kết quả cải cách thủ tục hành chính, ĐB Vũ Hồng Anh (Hà Nội) đặt câu hỏi cho Thủ tướng: "Phải làm gì để nền hành chính phục vụ dân chứ không phải như dân gian truyền miệng, hành chính tức là hành dân là chính?". Thủ tướng: "Nhận xét thế là chưa công bằng, không đúng và quy kết. Công bằng mà nói, thời gian qua, cải cách hành chính đã có một bước tiến dài, cải cách hành chính đã đóng góp vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nhưng so với yêu cầu thì chưa đạt, phải tiếp tục rà soát hoàn thiện thể chế, rà soát kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức".
* ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) tiếp tục: "Bộ máy hành chính là phục vụ dân, không chấp nhận có cán bộ công chức không quan tâm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của dân, gây khó khăn, xách nhiễu dân". Thủ tướng đồng tình ngay: "Cán bộ tiêu cực thì không thể chấp nhận được. Cá nhân nào, người nào mà nhũng nhiễu thì chúng ta phải xử lý, đó là thái độ nhất quán của Đảng và Chính phủ". Người đứng đầu Chính phủ kêu gọi QH và các ĐBQH "chung sức chung lòng để đấu tranh, không còn hiện tượng cán bộ tiêu cực, nhũng nhiễu".
Công chức không được tự ý bỏ việc Chiều qua 13.11, Quốc hội đã thông qua 5 dự án luật gồm Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi); Luật Cán bộ, công chức; Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Đa dạng sinh học và Luật Công nghệ cao. Luật Quốc tịch Việt Nam quy định "người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày luật này có hiệu lực thì vẫn còn có quốc tịch Việt Nam". Luật cũng cho phép người nước ngoài trong trường hợp đặc biệt nếu không biết tiếng Việt cũng có thể được nhập quốc tịch Việt Nam. Luật công chức quy định những điều công chức không được làm gồm trốn trách nhiệm, bè phái, mất đoàn kết, tự ý bỏ việc hoặc tham gia đình công, sử dụng tài sản nhà nước và của dân trái pháp luật, lợi dụng quyền hạn, thông tin liên quan đến công vụ để vụ lợi; không được tiết lộ thông tin liên quan đến bí mật nhà nước... Luật Giao thông đường bộ sửa đổi quy định 23 hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia giao thông, đáng chú ý có khoản 8 cấm người điều khiển xe ô tô, máy kéo chuyên dùng mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, nếu nồng độ cồn trong máu vượt quá 50 miligram/100 mililit máu hoặc 25 miligram/1 lít khí thở cũng bị cấm. L.Q.P |
Xuân Toàn
Bình luận (0)