Thiệt hại vật chất nặng nề
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), tính đến ngày 12.11, các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ bị thiệt hại 210.000 ha rau màu, 30.000 ha lúa, 10.000 ha cây ăn quả, 40.000 ha thủy sản mất trắng, gần 200.000 gia súc bị cuốn trôi. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng giao thông, điện, trạm y tế, trường học... bị thiệt hại nặng hề. Hàng chục nghìn hộ dân vẫn đang phải sống chung với nước lũ. Tổng thiệt hại đã lên tới gần 8.000 tỉ đồng. Đáng lo là chỉ còn 15 ngày nữa là vào vụ đông, nhưng nhiều nơi đang lấn bấn do ngập úng, thiệt hại.
Hà Nội là địa phương thiệt hại nặng nề nhất trong đợt mưa lụt vừa qua. Theo Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Trịnh Duy Hùng, đến nay Hà Nội vẫn còn 18.000 ha ngập nước, trong đó có 26 khu dân cư với 8.700 hộ, nơi ngập sâu nhất 1,2 mét. Mực nước trên sông Tích, sông Bùi, sông Chu, sông Nhuệ rút chậm nên ưu tiên hiện nay của Hà Nội là tập trung chỉ đạo rút nước nhanh ở các khu dân cư, trục giao thông. Dự kiến Hà Nội phải trích ra 800 tỉ đồng để khắc phục các hậu quả trước mắt, tập trung vào việc cung cấp lương thực, thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, phục hồi sản xuất.
Trong khi đó, các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng như: Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Ninh..., mặc dù mức thiệt hại thấp hơn song hệ thống đê điều, thủy lợi cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Hàng chục nghìn hộ dân đang đứng trước nguy cơ thiếu đói, nợ ngân hàng chồng chất do diện tích rau màu vụ đông, thủy sản mất trắng, không có khả năng khôi phục. Vì vậy, nhiều tỉnh tập trung đề xuất Chính phủ cấp gạo trong vòng 3 tháng cho các hộ dân bị ngập lụt, bị mất hoa màu, với tổng số gạo dự kiến khoảng 8.400 tấn. Nhiều đề xuất khác như xin cấp thuốc, hóa chất để xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh kịp thời... Ngoài ra, các tỉnh cũng đề nghị hỗ trợ khoảng 1.450 tỉ đồng cho việc khắc phục.
Tập trung giúp dân ổn định cuộc sống
Sau khi lắng nghe, chia sẻ với các địa phương về tình hình thiệt hại, khó khăn, Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo: “Chúng ta phải huy động tổng lực để khắc phục nhanh nhất, tốt nhất, giúp dân ổn định cuộc sống, sản xuất sau lũ”. Theo đó, các địa phương phải tập trung lực lượng, sắp xếp lại chi tiêu để huy động nguồn lực cao nhất cho công tác khắc phục hậu quả lũ lụt, chứ không chỉ dựa vào ngân sách dự phòng. Ngoài lực lượng chuyên môn, phải huy động cả hệ thống chính trị để khắc phục nhanh nhất hậu quả đợt mưa lũ vừa qua.
Đối với các bộ, ngành, Phó thủ tướng nhấn mạnh 5 việc quan trọng trước mắt phải tập trung xử lý: nơi nào cần cứu đói thì phải làm ngay; có phương án vệ sinh tiêu độc khử trùng để không xảy ra dịch bệnh ở các tỉnh; giải quyết nơi ở cho người dân vùng ngập; trường học, bệnh viện, cơ sở hạ tầng phải sửa chữa ngay để nước rút là sinh hoạt trở lại bình thường; việc khôi phục sản xuất, trước mắt và cho Tết Nguyên đán sắp tới, phải được quan tâm, nhất là khâu giống, phân bón... Về lâu dài, Phó thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương phải tập trung rà soát, điều chỉnh bổ sung đầu tư, quy hoạch khu dân cư, hệ thống tiêu úng, thủy lợi để có thể phòng chống ở mức cao hơn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện thiên tai...
Từ các đề xuất Chính phủ hỗ trợ của các địa phương, Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan khẩn trương họp bàn và có sự thống nhất sớm nhất để trình Thủ tướng quyết định.
Thiếu hàng ngàn tỉ đồng cải thiện hệ thống thủy lợi
Một vấn đề được rất nhiều tỉnh nêu ra tại cuộc họp là phải quy hoạch lại hệ thống tiêu thoát nước của cả đồng bằng sông Hồng. Các tỉnh nằm trong vùng trũng như Hà Nội, Hà Nam đều cho rằng, cần phải quy hoạch lại hệ thống thủy lợi lưu vực sông Đáy, sông Hồng và sông Nhuệ để cải thiện hệ thống tiêu thoát nước, bởi khả năng tiêu úng vốn được thiết kế cho đất nông nghiệp ở nhiều tỉnh, nay đã quá tải. Tỉnh Thanh Hóa cũng bày tỏ lo ngại khi sự yếu kém của hệ thống tiêu úng khiến tỉnh này cứ khoảng 7 năm lại phải hứng chịu một trận lũ lụt lớn... Tuy nhiên, theo ước tính của Bộ NN-PTNT, trong giai đoạn 2009-2010, các công trình cấp bách chống hạn, úng chủ yếu ở đồng bằng sông Hồng chưa cân đối được vốn đầu tư do Bộ NN-PTNT quản lý là 2.488 tỉ đồng; còn các địa phương cũng thiếu tới 2.651 tỉ đồng để nạo vét kênh mương, xây dựng trạm bơm... Sau năm 2010 thì số vốn còn thiếu ở Bộ NN-PTNT là 3.100 tỉ đồng, địa phương là 3.236 tỉ đồng. |
Thái Sơn
Bình luận (0)