Vẫn “treo” án tử hình đối với tội tham nhũng

14/11/2008 23:46 GMT+7

Hôm qua 14.11, thảo luận về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) tại hội trường, các đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) đã tranh luận sôi nổi về việc bỏ hay không bỏ mức án tử hình với một số tội danh.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS đề xuất bỏ hình phạt tử hình tại 17/29 điều luật của BLHS như: tội hiếp dâm; tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tội buôn lậu; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; tội tham ô tài sản; tội nhận hối lộ; tội đưa hối lộ...

Các ý kiến phát biểu đều tán đồng với quan điểm của Ban soạn thảo là hạn chế việc áp dụng hình phạt tử hình. Nhưng với ba tội danh: tham nhũng; tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thì còn nhiều ý kiến khác nhau. Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý (Nghệ An) nêu quan điểm: “Bỏ tử hình với những tội phạm nguy hiểm có thể nhân đạo với một người, nhưng lại không nhân đạo với cả xã hội, vì thế bỏ hay không bỏ là phải hết sức
cân nhắc”.

Cùng ngày, QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh nhiệm kỳ hoạt động 2004 - 2009 của HĐND và UBND các cấp. Theo đó, sẽ kéo dài nhiệm kỳ hoạt động 2004 - 2009 của HĐND và UBND đến kỳ họp thứ nhất của HĐND các cấp khóa sau vào năm 2011.

X.Toàn

ĐB Nguyễn Duy Nguyên (Hải Dương) và ĐB Triệu Mùi Nái (Hà Giang) chung quan điểm không đồng tình với quy định bỏ tử hình đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh. ĐB Nái lập luận: “Đây là hành vi giết người không dao, người sản xuất hàng giả biết là nguy hiểm, có thể gây chết người nhưng vẫn cố tình làm”.

Dưới góc độ của một công an, Giám đốc Công an TP Hải Phòng Trần Bá Thiều cực lực phản đối việc bỏ án tử hình đối với tội danh tổ chức và sử dụng ma túy. ĐB Thiều đưa ra viễn cảnh: “Nếu bỏ án tử hình là mở cửa cho những người nghiện, tạo điều kiện cho họ sử dụng ma túy, thả ra như thế thì tình trạng nghiện hút sẽ tràn lan, trộm cắp hoành hành, sẽ hình thành nhiều đường dây vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào nước ta”... ĐB Thiều cho rằng, đây là bước thụt lùi trong chính sách hoàn thiện pháp luật.

Với quan điểm thu lại tài sản cho Nhà nước là quan trọng nhất đối với các vi phạm tham nhũng, ĐB Ngô Minh Hồng (TP.HCM) cho rằng có thể bỏ hình phạt tử hình đối với tội danh này nhưng cần phải quy định rất chặt chẽ, vì nếu phạt tù chung thân, sau vài lần ân xá, người phạm tội lại được ra ngoài, chưa kể trong thời gian ở trong tù, vợ con người phạm tội ở ngoài tiếp tế vào, người trong tù có cuộc sống "đế vương". ĐB Hồng đề nghị, với người phạm tội tham nhũng bị phạt mức án chung thân thì không cho giảm án, ân xá. Nhưng ĐB Nguyễn Duy Nguyên lại không đồng tình với đề xuất bỏ án tử hình cho tội danh tham nhũng, vì hiện tại tình trạng tham nhũng đang diễn ra phức tạp.

ĐB Nguyễn Duy Hữu (Đắk Lắk) đề nghị đối với tội danh tham nhũng, tham ô thì nên tách ra hai phần: người đưa hối lộ và người nhận hối lộ. Đối với người nhận hối lộ, đòi hối lộ, chạy chức chạy quyền thì phải tăng hình phạt lên cao; còn hạ thấp mức phạt cho người đưa hối lộ, nhằm tạo thuận lợi cho công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, khuyến khích người đưa hối lộ tố cáo người vi phạm. Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH Trần Thế Vượng (Hải Dương) không đồng ý với quan điểm phi hình sự đối với tội danh đưa hối lộ.

Bác tất cả các ý kiến trên, ĐB Vũ Hồng Anh (Hà Nội) nhất trí cao với quy định bỏ mức án tử hình đối với cả 17 tội danh như dự luật. Cơ sở để ĐB Anh đưa ra quan điểm này là, thực tế đã chứng minh có mức án tử hình hay không có tử hình, tội phạm vẫn không giảm, cụ thể đối với lĩnh vực tội phạm về ma túy, khi áp dụng mức án tử hình thì tội phạm trong lĩnh vực này vẫn không hề giảm.

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.