Ông Tây chống bão

15/11/2008 22:51 GMT+7

Hơn 13 năm gắn bó với Thừa Thiên - Huế, ông nhận Huế là quê hương thứ hai và mỗi khi có ai hỏi "Ông từ đâu đến?", ông không ngại ngần trả lời: "Tôi đến từ Việt Nam".

Việt Nam có từ trong tôi rất lâu

Ông là Guillaume Chantry, điều phối viên khu vực Đông Nam Á của Dự án phòng chống thiệt hại về nhà ở do bão gây ra ở miền Trung Việt Nam (viết tắt là DW). DW chính là dự án được Quỹ Xây dựng nhà ở xã hội (BSHF), dưới sự bảo trợ của Chương trình định cư Liên Hiệp Quốc (UN-Habitat), trao tặng Giải thưởng quốc tế về nhà ở cho người nghèo năm 2008, nhân Ngày quốc tế về nhà ở 6.10, tại Luanda, Angola.

Guillaume kể: "Đất nước Việt Nam đã có trong tôi từ thời chiến tranh. Thời trai trẻ, tôi cùng nhiều bạn trẻ yêu chuộng hòa bình khác của Pháp từng xuống đường biểu tình đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam, nhiều lần biểu tình bị cảnh sát bắt. Sau cơn bão số 8 năm 1985, được tổ chức UNDP giới thiệu, tôi liền đến Việt Nam. Dự án thực hiện trong khoảng thời gian từ 1989-1992 thì kết thúc, sau đó tôi được cử sang Lào. Mãi cho đến cơn lũ lịch sử năm 1999, gây thiệt nặng nề cho người dân Thừa Thiên - Huế, tôi mới quay trở lại Việt Nam để tiếp tục dự án. Suốt hơn 13 năm ở Huế, bây giờ đến các quốc gia khác, có người hỏi "Ông từ đâu đến?", tôi liền trả lời: "Tôi đến từ Việt Nam". Bởi Việt Nam gần như là quê hương thứ hai của tôi. Ở Huế tôi thấy như ở nhà. Huế là thành phố rất đẹp, yên tĩnh và có rất nhiều nét tương đồng với văn hóa, kiến trúc Pháp".

 
Vợ chồng ông Trần Láo, ở xã Lộc Trì, H.Phú Lộc với niềm vui có ngôi nhà mới từ dự án DW - Ảnh do DW cung cấp
Guillaume là một kỹ sư xây dựng, từng làm việc trong các công ty chuyên về xây dựng cầu, đường. Sau khi nghỉ việc, ông nghĩ mình nên đem kiến thức, kinh nghiệm và kỹ thuật xây dựng để phổ biến cho nhiều người dân nghèo còn thiếu hiểu biết trên thế giới, nên quyết định vào làm việc cho DWF, một tổ chức phi chính phủ chuyên giúp đỡ người dân nghèo các nước đang phát triển ở châu Phi, châu Mỹ và châu Á, trong việc khắc phục nhà ở để phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Tại Huế, văn phòng của dự án DW là một ngôi nhà vườn nằm sâu trong con hẻm nhỏ số 91/44A Phan Đình Phùng. Đây cũng là nơi Guillaume đã gắn bó hơn 13 năm qua. Chính sự gắn bó sâu sắc và đầy tình cảm đó mà những người dân nghèo ở các địa phương hưởng thụ dự án, mỗi lần thấy Guillaume đều gọi bằng cái tên trìu mến "ông Tây chống bão".

Nguyện gắn bó với dân nghèo miền Trung

Từ năm 2004-2008, được cộng đồng châu u (EU) tài trợ, DW mở rộng quy mô ở 16 xã tại Thừa Thiên - Huế, xây dựng mới 450 ngôi nhà an toàn chống bão cho các hộ nghèo; hỗ trợ gia cố 950 nhà ở khác và xây dựng 65 công trình công cộng vừa và nhỏ như trường mẫu giáo, trạm y tế, chợ...

DW được triển khai giai đoạn đầu (1989-1992) tại 3 địa phương: H.Quảng Trạch (Quảng Bình), Hải Lâm (H.Hải Lăng, Quảng Trị) và Lộc Điền (H.Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế), chủ yếu tập trung nâng cao nhận thức cộng đồng và tập huấn kỹ thuật xây dựng nhà an toàn chống bão. Từ năm 1999-2000, được sự tài trợ của CIDA và FAVC, thông qua Hiệp hội Alternatives (Canada), dự án tiếp tục được triển khai ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, tập trung chủ yếu vào việc nâng cao năng lực phòng chống bão cho người dân địa phương và chuyển giao kỹ thuật gia cố nhà ở. Từ tháng 4.2003, với sự tài trợ của ECHO, DW tiếp tục được triển khai với nhiệm vụ khuyến khích và hỗ trợ các hộ gia đình khắc phục tính yếu kém của nhà ở. Từ năm 2004 - 2008, được cộng đồng châu u (EU) tài trợ, DW mở rộng quy mô ở 16 xã tại Thừa Thiên - Huế.

Song song với DW, trong hai năm 2007-2008, được tổ chức ECHO tài trợ, DWF cũng tổ chức thêm hai dự án: Cứu trợ khẩn cấp nạn nhân bão số 6 năm 2006 tại 5 xã của H.Phú Lộc và Dự án phục hồi sinh kế sau các đợt lũ năm 2007 và rét đậm đầu năm 2008 tại 9 xã của 3 huyện Quảng Điền, Phong Điền và Hương Trà.

Tất cả những ngôi nhà trên đều tuân thủ 10 nguyên tắc xây dựng nhà an toàn chống bão do DW nghiên cứu, đúc kết và áp dụng, gồm: 1/ Chọn địa điểm thích hợp để tránh lực tác động của gió; 2/ Xây dựng nhà ở đơn giản để tránh áp lực âm; 3/ Xây dựng mái nghiêng với một góc 30 - 45 độ để tránh khỏi bị tốc mái; 4/ Mái hiên nên tách rời phần nhà chính; 5/ Đảm bảo rằng các bộ phận: nền móng, tường, kết cấu mái và kết cấu bao che đều được liên kết và neo giữ chắc với nhau; 6/ Gia cường hệ tam giác ngang và đứng (thang chống chéo) của khung sườn; 7/ Đảm bảo các tấm lợp mái được giữ chặt vào cấu trúc mái để tránh khỏi bị gió tốc; 8/ Kích thước các lỗ cửa ở các tường đối diện phải như nhau; 9/ Cửa đi, cửa sổ phải khít, đủ then, chốt để khóa, giằng được; 10/ Trồng cây xung quanh nhà để chắn gió.

Guillaume cho biết, bộ quy tắc này được ông thai nghén từ năm 1985, khi đang thực hiện xây dựng một ngôi trường ở Dominica. Đến Việt Nam, từ thực tế, đặc thù cũng như truyền thống xây dựng nhà của người Việt, ông cùng những đồng nghiệp tại Viện Thiết kế xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế nghiên cứu để đưa ra bộ quy tắc xây dựng nhà an toàn chống bão, áp dụng hiệu quả từ đó đến nay. Chính bộ nguyên tắc này đã đem lại hiệu quả cho dự án và được BSHF trao giải thưởng. Hơn thế, gần đây nhiều tổ chức có dự án giúp đỡ Myanmar khắc phục hậu quả cơn bão Nagis làm hàng vạn người chết và mất tích hồi tháng 5.2008, cũng tìm đến DW để học hỏi kinh nghiệm. Hiện DW đã cử người sang Myanmar chia sẻ kinh nghiệm cho các đồng nghiệp đang giúp đỡ người dân tại đây xây dựng nhà chống bão. Ngân hàng Thế giới cũng đang có kế hoạch thực hiện cuốn phim tài liệu về các dự án xây dựng nhà cho người nghèo trên thế giới, và đã chính thức chọn DW là mô hình điểm cho cuốn phim.

Kết thúc buổi gặp gỡ, Guillaume kể: Hồi năm 2000, DW đã triển khai làm một âu thuyền tránh bão cho ngư dân của xã Phú Đa (H.Phú Vang). Thời điểm đó, khoảng tháng hai, tháng ba, trời vẫn còn rất rét, khi ông mặc áo ấm xuống thăm công trình thì bắt gặp nhiều em bé mặc quần đùi và áo rất phong phanh. 8 năm rồi, mới đây ông trở lại Phú Đa, hình ảnh đó vẫn còn, cho thấy người dân còn rất nghèo và đối mặt với muôn vàn khó khăn. Hình ảnh đó làm ông day dứt mãi và ông đã có ý nguyện sẽ cố gắng làm nhiều việc bổ ích, thiết thực hơn nữa cho những người dân nghèo miền Trung, vùng đất thường xuyên gánh chịu thiên tai của Việt Nam. 

 Bùi Ngọc Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.