Tôi còn nhớ năm 2000 cùng đi cứu trợ lũ lụt với Tư lệnh Quân khu 7 Phan Trung Kiên ở miền Tây, nước trời không còn phân biệt, những ngôi nhà để chỏm phất phơ, đọt cây, cột điện nhoài theo dòng lũ; trâu bò lên gò, heo chó lên ghe; người mẹ chuyển dạ trên xuồng bơi; trạm y tế ngập sâu mấy mét, trên 100 người chết, thiệt hại vật chất hàng trăm tỷ đồng.
Hôm nay đến Đồng Tháp đang mùa nước nổi nhưng yên ả hơn. Dân ở đây bảo năm nay nước về muộn nhưng ra sớm nên không gây tổn hại gì. Theo hướng dẫn của anh Thu, anh Quý, cán bộ Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, chiều 28-10, đoàn tiếp cận Hồng Ngự, Sa Rài. Đây là địa danh nổi tiếng thời kháng chiến. Đứng ở cửa khẩu Dinh Bà (biên giới Việt Nam – Campuchia) có thể nhìn thấy Châu Đốc (An Giang) bên kia sông Sở Thượng và đất nước Chùa Tháp. Bây giờ Hồng Ngự tách thành ba huyện: Hồng Ngự, Tân Hồng, Tam Nông.
Từ Tân Hồng đi Tam Nông, đường bộ chỉ 6km, nhưng đoàn được bố trí đi tắc ráng trên sông Cả Cái để tham quan phong cảnh thiên nhiên. Tắc ráng là loại thuyền lớn có mui che, vào khoang ngồi như trong nhà, có ghế dọc hai bên và mắc võng toòng teng lắc lư giấc ngủ trên dòng phù sa màu gạch cua cuồn cuộn dưới lưng mình.
Trong hai ngày đầu, anh Lý Văn Bòn (Sáu Bòn), Bí thư Huyện ủy Tân Hồng, cùng đi tắc ráng với đoàn. Anh là thổ dân ở đây, từng tham gia kháng chiến lúc còn thiếu niên. Bây giờ lãnh đạo một huyện mới, đối mặt với thử thách thời mở cửa, anh càng thấm thía thời “nằm gai nếm mật” ở vùng này. Anh cho biết, huyện Tân Hồng có khoảng 100 ngàn dân, nhưng đến đây đầu tiên lại là dân nhập cư, phải xây dựng tất cả lại từ đầu. Đến nay cuộc sống người dân ổn định, hạ tầng cơ sở phát triển…
Miền Tây hàng năm trần mình với lũ, làm trăn trở các nhà lãnh đạo. Tôi nhớ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt gần 10 năm trước đã đưa ra giải pháp “sống chung với lũ”, cố gắng giảm áp lực tổn thất của những cơn đại hồng thủy hoành hành. Tuy vậy, anh Sáu Bòn lại nói: “Không có lũ không phải là hay đâu. Kinh nghiệm lâu đời cho thấy, những năm lũ không về thường thất mùa. Bởi vì lũ dâng lên từ các nhánh sông Cửu Long mang một lượng phù sa lớn vào đồng ruộng, đồng thời đẩy nước mặn ra biển. Như vậy mùa sau sẽ trúng lúa và tôm cá. Mặt khác, lũ ngập tràn sẽ tiêu diệt bớt họ hàng nhà chuột thường phá hoại mùa màng gây tổn thất lớn. Mùa lũ, chúng cũng là một loại thực phẩm đặc trưng. Đối với dân nhậu thì đây là món cực kỳ khoái khẩu”. Chả thế mà bốn ngày đi qua năm huyện, đoàn văn nghệ sĩ đều được thịnh tình chiêu đãi món thịt chuột rô ti, chuột nướng, lẩu chuột, cùng với món thịt rắn, cá rô kho tộ, gỏi bông điên điển trộn tép đồng.
Có lẽ thú vị và mong đợi hơn cả là được đi vào Vườn quốc gia Tràm Chim, Khu du lịch Gáo Giồng (Tam Nông), Di tích Xẻùo Quýt (Cao Lãnh).
Vườn quốc gia Tràm Chim rộng trên bảy ngàn hécta, ghe máy chạy hàng giờ không hết. Tôi có cảm tưởng đây là bối cảnh của bộ phim nổi tiếng “Cánh đồng hoang”. Nó mênh mông bất tận đến ráng đỏ chân trời. Những rừng tràm ken đặc nối tiếp nhau chạy dài trên đồng bưng ngút ngát, tạo nên vùng sinh thái đặc trưng của Đồng Tháp. Từng đàn chim, cò từ rừng tràm và trên các đầm sen bay lên chấp chới trong nắng chiều, khi có xuồng máy đi qua. Đứng trên đài quan sát 5 tầng có thể nhìn bao quát toàn bộ phong cảnh Đồng Tháp Mười.
Mùa nước nổi vào Gáo Giồng (Tam Nông) càng hấp dẫn. Từ đây, xuồng đưa khách vào vùng sinh thái đầm sen và rừng thiên nhiên có nhiều loại chim quý như vạc, cò, sếu đầu đỏ, bồ nông… Không phải chỉ Gáo Giồng và Tràm Chim mới có sen, mà mùa này vùng bưng Đồng Tháp là cả một đồng sen bao la vô bờ. Sen hồng, sen trắng với màu vàng điên điển ngoi lên trên mặt nước dệt thành một thảm hoa kỳ ảo. Qua khỏi con kênh Kháng Chiến, đoàn vào Di tích Xẻo Quýt, là điểm đến không thể thiếu trong chuyến đi. Đây là trung tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy Kiến Phong (nay là Đồng Tháp), còn lưu dấu của một thời gian lao và oanh liệt với những chòi lá của các đồng chí lãnh đạo, nhà hội họp, cứu thương, hố bom, vỏ bom, cầu khỉ… Nhưng địch chỉ bắn phá và chưa bao giờ bén mảng tới đây do yếu tố bí mật, bất ngờ.
Bây giờ Xẻo Quýt là khu di tích lịch sử văn hóa được kết hợp với du lịch sinh thái, càng tăng thêm sức sống của một vùng căn cứ cách mạng nổi tiếng.
Chuyến đi dừng lại ở Di tích lịch sử Gò Tháp nằm trong quần thể khu đền thờ hai vị anh hùng Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều, miếu Bà Chúa Xứ… Trên bảng di tích Gò Tháp ghi rõ: “Từ năm 1864, Gò Tháp được hai vị lãnh tụ nghĩa quân chọn làm đại bản doanh cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Với tài thao lược, hai ông đã biến vùng đồng lầy hoang vu thành căn cứ hiểm trở, che giấu nghĩa quân, ngăn chặn sự truy lùng của giặc và từ đây xuất phát những cuộc tấn công vào hang ổ địch… khiến quân Pháp hoang mang lo sợ…”.
Với tất cả tấm lòng kính phục, mọi người thắp nhang viếng hai vị anh hùng rồi trở về Cao Lãnh, kết thúc chuyến đi thực tế “mùa nước nổi” đầy thú vị trên vùng sông nước miền Tây Nam bộ.
Theo Lam Giang/Báo Sài Gòn Giải Phóng
Bình luận (0)