Đến dự có anh Phan Văn Mãi - Bí thư T.Ư Đoàn, ông Phạm Văn Thanh - Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, ông Nguyễn Văn Thiện - Chủ tịch UBND tỉnh và các vị lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định... Buổi giao lưu tràn ngập không khí yêu thương, sự sẻ chia chân thành.
Có những khoảnh khắc đời thường, bình dị và đầy ắp kỷ niệm gian khó được khơi gợi một cách xúc động. Những tấm gương thành đạt như tìm lại tháng ngày tuổi trẻ của mình qua những bạn HS-SV đồng cảnh ngộ. Các bạn trẻ như vững tin hơn, rằng ước mơ của mình sẽ được thắp sáng nếu biết hun đúc ý chí và nghị lực vượt khó.
Hơn 1.000 bạn trẻ có mặt tại hội trường tỏ ra hứng thú khi giao lưu với tiến sĩ, bác sĩ Phạm Tỵ - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định. Cái tên Phạm Tỵ được biết đến là một người thầy thuốc thành đạt sau chặng đường dài vượt qua bao gian khó. Anh từng được giới chuyên môn ghi nhận là một trong những người đầu tiên áp dụng thành công kỹ thuật mổ u não bằng tia laser; thời gian gần đây, anh cũng đã đoạt nhiều giải thưởng quốc tế về kỹ thuật điều trị động kinh...
Từ một cậu học sinh ở làng quê nghèo, Phạm Tỵ đã trở thành tiến sĩ y khoa đầu tiên của miền đất võ. Thành công là vậy, nhưng khi chia sẻ với các bạn trẻ, anh hóm hỉnh: “Tôi năm nay 43 tuổi rồi, nhiều người bảo còn trẻ, nhưng tôi cảm thấy mình hơi... già. Các bạn HS-SV nếu quyết tâm vượt khó, vẫn có rất nhiều cơ hội trưởng thành mà đôi khi tuổi đời còn trẻ hơn”.
Một bạn trẻ hỏi: “Anh từng được mời sang Mỹ làm việc với mức lương cao, vậy vì sao anh lại quay về gắn bó với Bình Định?”, tiến sĩ Phạm Tỵ vui vẻ nói: “Làm việc ở môi trường có điều kiện và lương cao dĩ nhiên rất tốt, nhưng tôi quyết định ở lại vì trên quê hương tôi còn có gia đình, có người thân. Sự lựa chọn ấy khiến tôi hạnh phúc và tôi có cơ hội cống hiến sức mình nhiều hơn cho bệnh nhân”.
Nhiều bạn trẻ cũng đã bày tỏ sự cảm phục trước nghị lực phi thường của người phụ nữ khuyết tật Nguyễn Thị Dư, 41 tuổi - Giám đốc Công ty TNHH Thành Hiệp. Bị tật nguyền từ nhỏ, chị Dư gặp nhiều khó khăn trên bước đường lập nghiệp. “Ngày còn đi học, tôi sức yếu, đường đến trường xa, khó khăn nên thường xuyên bị ngất xỉu. Thấy vậy, gia đình khuyên bảo ở nhà, nhưng tôi nghĩ nếu mình bỏ học, thì cơ hội vào đời của mình sẽ bó hẹp hơn...”.
Chị Dư tốt nghiệp trung cấp sau khi nỗ lực không biết mệt mỏi, vượt qua những trắc trở đời đường. Không chịu lùi bước trước số phận chẳng may, chị đi học nghề may và dần tích lũy vốn mở cơ sở sản xuất riêng, tạo việc làm cho hơn 60 lao động mà một nửa trong số đó là những bạn trẻ cùng cảnh ngộ. Với người phụ nữ khuyết tật này, cuộc sống đã mỉm cười vì biết nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão tương lai.
Câu chuyện của hai bạn trẻ Trương Hùng Sơn (26 tuổi) và Lê Tiểu Luân (HS lớp 12 trường chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Bình Định) gây xúc động với mọi người. Quê ở huyện miền núi Vĩnh Thạnh, vốn mồ côi từ nhỏ, Sơn vào sống ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bình Định. Quãng đời ấu thơ của Sơn chất chứa bao nỗi niềm và gian truân, nhưng nhờ sự cưu mang của các nhà hảo tâm, Sơn đã quyết chí học tập và nay trở thành Phó giám đốc Công ty TNHH tin học Việt Nam. Nhà nghèo, cha mẹ làm nông, nhưng Lê Tiểu Luân không ngừng phấn đấu vươn lên và đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp quốc gia. Không khí cuối buổi giao lưu sôi động hẳn lên với sự xuất hiện của vị khách mời đến từ TP.HCM - nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên. Anh cũng là người con của quê hương Bình Định có nghị lực và thành đạt trong sự nghiệp.
Dịp này, Báo Thanh Niên trao 30 suất học bổng Nguyễn Thái Bình (do Ngân hàng ACB tài trợ) cho 30 HS, SV nghèo hiếu học của tỉnh Bình Định.
Đình Phú
Bình luận (0)