Tỉnh Khánh Hòa đã có kế hoạch di dời trên 15.000 hộ dân với tổng số gần 67.000 người sinh sống ở các vùng trũng thấp ven biển, ven sông suối, vùng dễ xảy ra lũ quét, lở đất… đến nơi an toàn.
Ông Phan Đình Nhân, Phó chủ tịch UBND phường Phương Sơn (TP Nha Trang) cho biết đã cử 3 tổ, mỗi tổ 3 người cầm loa tay đi đến từng ngõ ngách thông báo tình hình, vận động bà còn chuẩn bị sẵn sàng di dời khi có lệnh của UBND TP Nha Trang; lực lượng dân quân tự vệ đã tiến hành dọn dẹp các phòng trong trường tiểu học Phương Sơn và trường THCS Phan Sào Nam để sẵn sàng đón dân; cử một đoàn trong Chi hội phụ nữ làm công tác vệ sinh, nấu ăn nếu phải di dời dân.
Ông Nguyễn Thành Toàn, Phó chủ tịch UBND phường Xương Huân cho biết, việc di dời dân đến nơi an toàn đã sẵn sàng, phường cũng đã chuẩn bị mì tôm và nước sôi để phục vụ bà con.
Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Khánh Hòa đã cử mỗi đồn trong tỉnh 15 cán bộ, chiến sĩ túc trực sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra; riêng Đồn C19 có đến 100 người trực cơ động.
Theo số liệu mới nhất của Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Khánh Hòa, tất cả các phương tiện đánh bắt trên địa bàn tỉnh đã vào bờ an toàn, trong đó có những tàu đã neo đậu ở các tỉnh khác như: Vũng Tàu 43 tàu (411 người), Ninh Thuận - Bình Thuận 83 tàu (539 người), Bạc Liêu 16 tàu (178 người), Hải Phòng - Quảng Ninh 5 tàu (81 người), khu vực biển gần Malaysia 2 tàu (21 người).
Theo báo cáo mới nhất, tính đến thời điểm hiện tại ở khu vực Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh có 4 phương tiện giã cào bị chìm, 2 thuyền đang chết máy; huyện Ninh Hòa có 14 ghe, thuyền bị chìm; khu vực Lương Sơn, TP Nha Trang chìm 19 nghe, thuyền. Tất cả những phương tiện đánh bắt bị chìm đều đã neo đậu vào bờ, nhưng do sóng lớn giật ra xa và nhấn chìm nên không có thiệt hại về người.
Tàu thuyền neo đậu tránh bão tại cảng Hòn Rớ (TP Nha Trang)
Nước hồ Sông Trâu không dâng cao như dự kiến
* Chiều 17.11, UBND tỉnh Khánh Hòa đã họp khẩn cấp, thành lập Sở chỉ huy Phòng chống lụt bão tại 46 Trần Phú, TP Nha Trang, nhằm cập nhật thông tin liên tục, có những biện pháp ứng phó kịp thời.
Tại đây, ông Võ Lâm Phi, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo: lực lượng bộ đội biên phòng tiếp tục không cho tàu thuyền ra khơi; Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão TP Nha Trang, các huyện, thị xã ven biển phối hợp với bộ đội biên phòng và người dân tiến hành đưa các thuyền bị chìm lên bờ; các huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh cần đề phòng lũ quét. Sở chỉ huy Phòng chống lụt bão sẽ duy trì hoạt động đến hết ngày 18.11.
Ông Đào Văn Hòa, Phó chủ tịch UBND thị xã Cam Ranh cho biết: Để ứng phó với bão số 10, đã có phương án xả nước hồ Sông Trâu (thuộc địa phận Ninh Thuận, cách xã Cam Thịnh Đông, thị xã Cam Ranh khoảng 10 km), với lưu lượng 1.000 m3/s. Việc xả nước này có thể gây ngập lụt nhiều điểm dân cư ở xã Cam Thịnh Đông. Vì vậy, chính quyền địa phương dự định di dời khoảng 700 hộ dân đến nơi an toàn.
Vào khoảng 14 -15 giờ chiều nay, bão đã tràn qua thị xã Cam Ranh, gây mưa lớn. Tuy nhiên, do nước hồ Sông Trâu không dâng cao như dự kiến, nên chỉ xả nước với lưu lượng 15 m3/s. Do đó, khoảng 15 giờ, chính quyền địa phương chỉ tiến hành di dời 52 hộ dân (192 nhân khẩu) của xã Cam Thịnh Đông đến các trường học, cơ sở tôn giáo… trú ẩn.
Các hộ dân mang theo vật dụng cá nhân như mùng, mền, chiếu… UBND thị xã Cam Ranh phát miễn phí mì tôm và nước uống. Mỗi hộ di dời đều phải cử 1 hoặc 2 người khỏe mạnh ở lại nhà của mình để trông coi tài sản. Tại nơi tập trung dân di dời, có công an và dân quân túc trực giữ gìn an ninh trật tự. Khoảng 17 giờ 30 cùng ngày, việc di dời dân đã hoàn tất.
Theo báo cáo sơ bộ, tính đến chiều 17.11, toàn tỉnh Khánh Hòa có gần 100 ghe, thuyền bị chìm. Tất cả những phương tiện đánh bắt bị chìm đều đã neo đậu vào bờ, nhưng do sóng lớn giật ra xa và nhấn chìm nên không có thiệt hại về người.
Văn Kỳ
Bình luận (0)