Người khiếm thính làm hướng dẫn viên du lịch

17/11/2008 16:58 GMT+7

Không nghe được, không thể nói hoặc nói rất khó nhọc, làm sao người khiếm thính có thể làm hướng dẫn viên du lịch? Nhưng, sự thật vẫn có đấy!

Thuyết minh bằng... tay

Một ngày chủ nhật cuối tháng 10.2008, nhiều du khách ta lẫn Tây đang tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP.HCM) dường như không tin nổi vào mắt mình khi thấy một nhóm bạn trẻ khiếm thính thay nhau thuyết minh bằng... tay.

Tuyệt nhiên không có âm thanh nào được thốt ra, song bằng ngôn ngữ cơ thể, những bạn trẻ này vẫn có thể diễn tả sống động một thời quá khứ bi tráng của dân tộc qua những tấm ảnh lịch sử. Bám sát nhóm có chị Hoàng Thị Minh Thi - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch quốc tế Nụ Cười (TP.HCM) cùng hai người Úc khiếm thính là Stephanie Linder và Susan Laura Emerson. Trong đó, Linder và Emerson vừa là du khách, vừa là tình nguyện viên đi theo để hướng dẫn các bạn cách sử dụng ký hiệu quốc tế cho người khiếm thính. Trước một bức ảnh có dòng chú thích: "Phần đông họ là phụ nữ và trẻ em. Tưởng chừng như họ đang cố gắng vùng chạy đi nơi khác", mọi người lặng đi một lúc. Chị Stephanie Linder ra dấu nhắc các thành viên phải thể hiện những cử chỉ (bằng ánh mặt, nét mặt, đôi tay...) lột tả nỗi đau tột cùng của những nạn nhân khi bị ngọn lửa bom napalm phủ khắp người.

 
Tuấn Anh đang "thuyết minh" ở Bảo tàng Chứng tích chiến tranh

Chị Hoàng Thị Minh Thi, cũng là người phụ trách đào tạo miễn phí những hướng dẫn viên khiếm thính, cho biết: Chương trình này khởi động vào tháng 5.2007 với trên 20 bạn trẻ khiếm thính tham gia. Thời gian đầu, chị mấy lần suýt bỏ cuộc vì gặp quá nhiều khó khăn. Theo chị, nguyên nhân chính là do vốn từ của các bạn khiếm thính quá ít ỏi. Bên cạnh đó, kiến thức văn hóa, xã hội, chính trị... của các bạn rất hạn chế, thậm chí có những lĩnh vực trừu tượng thì gần như thua trắng. Tuy nhiên, sau gần 20 tháng thử thách trong các lớp huấn luyện đặc biệt, đã có 4 bạn (3 nam, 1 nữ) thành công. Đó là: Quang Dung, Tuyết Mai, Đăng Khoa và Tuấn Anh. Không chỉ tiếp thu kiến thức, có bạn còn tự "chế" ra những cách thuyết minh ấn tượng. Chẳng hạn, khi giới thiệu món phở, bạn Tuấn Anh "ăn điểm" nhờ diễn tả rất có duyên những động tác lặt rau, rồi mô phỏng hình ảnh con heo, con bò... khiến du khách có thể hiểu được nội dung lại có cảm giác thoải mái, dễ chịu.

Cơ hội từ những chuyến đi

Việc đào tạo bài bản hướng dẫn viên du lịch khiếm thính như thế này phải nói là gian nan. Nhưng tôi tin những bạn trẻ này sẽ trở thành hướng dẫn viên chuyên nghiệp .  
Chị Stephanie Linder -
 tình nguyện viên khiếm thính người Úc

Tính đến nay, nhóm đã thực hiện 3 tour (tham quan TP.HCM và Mỹ Tho - Tiền Giang) cho du khách khiếm thính nước ngoài. Trong đó, có 2 khách Nhật và 4 khách Úc. "Các bạn rất chịu khó học hỏi, cầu tiến, có khả năng phù hợp với nghề hướng dẫn viên du lịch. Thật sự tôi rất ngạc nhiên khi biết được trình độ tiếng Anh của họ" - người phụ trách khá "khó tính" Hoàng Thị Minh Thi nhẹ nhõm giải thích. Chị Thi cũng quả quyết với chúng tôi rằng, thu nhập của các hướng dẫn viên khiếm thính này không dưới 100 ngàn đồng/người/ngày.

Tuyết Mai (26 tuổi, tạm trú ở Q.7, TP.HCM) cho biết bạn rất muốn trở thành một hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Cô gái nhỏ nhắn bộc bạch: "Bằng nghề này, mình có dịp đồng hành với những người cùng cảnh ngộ trên mỗi dặm đường. Mình muốn được tham quan nhiều nơi, mở rộng hiểu biết, giao lưu với nhiều người. Quan trọng hơn, tụi mình muốn chứng minh người khuyết tật vẫn có ích và có thể làm được trong những ngành nghề khó".

Năm 2007, chị Hoàng Thị Minh Thi được một công ty du lịch của Mỹ mời hợp tác làm tour cho người khiếm thính. Từ đó, chị sốt sắng đến từng trường học, mái ấm để chiêu sinh. Chị Thi đã mày mò học cách "múa dấu" trước khi lên chương trình huấn luyện đặc biệt và hoàn toàn miễn phí này.

Còn Huỳnh Quang Dung (26 tuổi) đã tốt nghiệp ngành Công nghệ Sinh học trường ĐH Văn Lang TP.HCM, nhưng cũng tỏ ra rất hứng thú với công việc mới. Dung từng bị liệt nửa người sau một trận sốt nặng lúc 5 tuổi. Bằng nghị lực phi thường, chàng trai Quảng Ngãi này đã kiên trì tập luyện và đi lại được, dù thính lực thì không thể phục hồi. Trong nhóm, trình độ tiếng Anh "tự học là chính" của Dung cũng được đánh giá cao...

Cùng nhau nếm trải ngọt bùi, cay đắng qua mỗi buổi học và nhất là qua những chuyến đi xa, bốn thành viên luôn đối xử nhau như anh em một nhà. Đầu tháng 12 này, cả nhóm sẽ hướng dẫn 2 khách Mỹ khiếm thính đi thăm thú miền sông nước ĐBSCL. Những chuyến đi mới, những cơ hội mới đang rộng mở trước mắt họ.

Như Lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.