Thường được biết đến với biệt danh "Tam đại gia vùng Detroit", giờ đây General Motors, Ford và Chrysler đang ở bên bờ vực hiểm họa. Hôm qua, lãnh đạo ba tập đoàn sừng sỏ này đã tới thuyết phục các ông nghị thông qua khoản chi tổng cộng 25 tỉ USD.
Trước Hạ viện và Thượng viện, lãnh đạo của ba đại gia ô tô đã cảnh báo những hậu quả xấu mà nền kinh tế Mỹ phải hứng chịu một khi ngành công nghiệp ô tô khủng hoảng. BBC dẫn lời ông Rick Wagoner, Tổng giám đốc điều hành của General Motors, nói rằng tập đoàn này có thể cạn tiền trong vòng vài tuần tới và không thể ngồi chờ cho đến khi ông Barack Obama tuyên thệ nhậm chức tổng thống vào tháng 1.2009. Ông Obama từng cam kết sẽ giúp vực dậy nền công nghiệp ô tô. Ngài Wagoner cũng cảnh báo rằng hàng triệu việc làm và 4% GDP của Mỹ sẽ bị mất nếu chính phủ không hành động khẩn cấp. "Đây là chuyện cứu nền kinh tế Mỹ chứ không chỉ ngành công nghiệp ô tô", ông Wagoner nói. Chủ tịch Alan Mulally của Ford cũng cảnh báo rằng chỉ cần một tập đoàn ô tô sụp đổ thôi cũng có thể tạo ra những hiệu ứng nguy hiểm cho cả ngành công nghiệp ô tô và nền kinh tế Mỹ. "Ngành công nghiệp này có tính chất phụ thuộc lẫn nhau. Tất cả chúng tôi chiếm tới 10% GDP và nếu một nhà sản xuất gặp nguy thì cả ngành công nghiệp sẽ bị ảnh hưởng".
Các tập đoàn sản xuất ô tô tại Mỹ đã lâm vào một giai đoạn đen tối trong thời gian gần đây. Ngày 1.8, General Motors đã thông báo khoản lỗ hằng quý là 15,5 tỉ USD. Cùng với tình trạng lỗ lã này là việc cắt giảm sản xuất, sa thải nhân viên và bán bớt cổ phần. Ngày 17.11, General Motors đã thông báo bán cổ phần của mình trong tập đoàn Suzuki để thu về khoảng 230 triệu USD nhằm vượt qua cơn khát tiền mặt. Ford, Chrysler cùng một loạt tập đoàn ô tô khác cũng khốn đốn. Và giờ đây, khi đã tiến tới ngưỡng hết sức nguy hiểm, các đại gia này đã cầu cứu chính phủ.
Nỗ lực cầu cứu của các nhà sản xuất ô tô hiện đang gặp nhiều trở ngại vì có quá nhiều bất đồng. Bất đồng thứ nhất là giữa các tập đoàn ô tô với giới chức Chính phủ và quốc hội Mỹ. Phía nhà sản xuất nói rằng sở dĩ họ lâm nguy là do bị tác động bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Giới chức chính phủ và quốc hội thì nói rằng các nhà sản xuất đã không làm ăn hiệu quả do chi phí lao động lớn hơn nhiều so với đối thủ nước ngoài. Bất đồng thứ hai là về việc số tiền cứu trợ sẽ được lấy từ đâu. Chính phủ Mỹ và các nghị sĩ Cộng hòa không muốn trích 25 tỉ này từ ngân sách cứu trợ tài chính khẩn cấp 700 tỉ USD mà muốn trích từ ngân sách phát triển xe tiết kiệm nhiên liệu. Ngược lại, phe Dân chủ lại muốn trích từ ngân sách 700 tỉ USD.
Trong cuộc họp hôm 18.11, nhiều thượng nghị sĩ Mỹ đã nói rằng họ không sẵn sàng bỏ phiếu cho một kế hoạch cứu nguy ngành công nghiệp ô tô. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây có vẻ như không phải cứu hay không cứu mà là cứu như thế nào, bởi như cảnh báo từ giới chủ doanh nghiệp, nền kinh tế Mỹ có thể bị tác động mạnh một khi ngành công nghiệp này khủng hoảng, tương tự như khi các đại gia tài chính - ngân hàng lâm nguy. Khi đó, hàng triệu việc làm sẽ bị mất và sự tổn thương của nền kinh tế lúc đó sẽ vô cùng lớn.
Đỗ Hùng
Bình luận (0)