Mổ lậu hoành hành ở Đồng Nai

21/11/2008 00:50 GMT+7

Chỉ trong tháng 10.2008, ngành thú y tỉnh Đồng Nai đã phát hiện và đóng cửa 16 lò mổ lậu trên địa bàn. Tình trạng giết mổ lậu được cảnh báo gia tăng khi Tết Nguyên đán đang cận kề...

 Vào “điểm nóng”

Khu vực P.Long Bình được đánh giá là điểm nóng nhất về tình trạng giết mổ lậu trên địa bàn TP Biên Hòa. Ngày 14.11, chúng tôi trở lại nơi này, chỉ sau một ngày cơ quan chức năng bắt quả tang lò mổ của bà Nguyễn Thị Nguyệt (địa chỉ D699A, tổ 14, KP4) đang mổ lậu 4 con heo (200 kg thịt) có dấu hiệu bị bệnh. Ông Trần Đức Đại, Phó chủ tịch UBND P.Long Bình cho biết: “Tổ dân phố báo 19 điểm có dấu hiệu giết mổ lậu. Nhưng tôi nghĩ lò mổ lậu phải lớn hơn nhiều”. Ông Đại cũng đưa cho chúng tôi xem bảng kinh phí tiêu hủy số lượng gia súc, gia cầm bị phát hiện giết mổ lậu trong 8 tháng đầu năm 2008 lên đến gần 30 triệu đồng. Riêng danh sách tiêu hủy từ đầu tháng 8 đến nay dài 3 trang giấy, ông Đại nói do chưa quyết toán nên chưa thống kê đầy đủ số liệu. 

Theo ông Đại, UBND P.Long Bình cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra những điểm nghi vấn về giết mổ lậu, nhưng "bất cứ thời gian nào thấy yên ắng là họ giết mổ, rất khó phát hiện”. Ông Đại cũng nói: “Địa phương có đến 70.000 hộ dân, nhưng hoàn toàn không có một cái chợ nào cho đúng nghĩa, trong khi đó có đến 5 chợ tự phát. Đây chính là nơi tiêu thụ thịt heo mổ lậu một cách dễ dàng vì không ai quản lý”.

Thịt lậu tràn lan

Khoảng 1 giờ 30 ngày 23.9, Đội cơ động Chi cục Thú y kết hợp cảnh sát môi trường ập vào lò mổ lậu tại số 54M/36 KP8, P.Hố Nai (TP Biên Hòa) do ông Đoàn Văn Nhân làm chủ thì phát hiện 5 con bò vừa bị giết, thịt để ngổn ngang ngay cạnh nhà vệ sinh; 35 con bò chờ giết, đang buộc ở những cây cột lớn. Ông Nhân khai nhận, nguồn bò chủ yếu đưa từ Phú Yên vào, sau khi giết mổ sẽ đưa đi TP.HCM tiêu thụ, một số bán tại Đồng Nai. Ông Hà Văn Dũng, Đội phó Đội cơ động Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai cho biết: “Đây là lò mổ chui lớn nhất mà chúng tôi từng phát hiện. Số thịt mà chúng tôi tạm giữ, đem đi tiêu hủy lên đến gần 1 tấn”.
Ông Hoàng Sơn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai cho biết, tình trạng giết mổ lậu trên địa bàn TP Biên Hòa vẫn còn nhiều, dù cơ quan chức năng liên tục bắt quả tang và đóng cửa rất nhiều lò mổ. Chỉ tính từ tháng 8 đến nay, ngành thú y đã đóng cửa 22 lò mổ lậu, tiêu hủy hàng tấn thịt heo, trâu, bò… “Do tình hình giết mổ lậu hoạt động vào ban đêm, lực lượng giết mổ lên đến hàng chục người, sẵn sàng chống đối cơ quan chức năng, tẩu tán tang vật… nên việc đấu tranh phát hiện còn gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, dù đã phân cấp, nhưng nhiều địa phương vẫn xem công tác quản lý kinh doanh và giết mổ lậu là của ngành thú y, dẫn đến việc phát hiện còn hạn chế”, ông Hải phân tích. Với tình hình giết mổ hiện nay, ông Hải cho rằng chỉ mới kiểm soát được 50% sản phẩm trên thị trường.  Để hạn chế tình trạng lò mổ lậu, theo ông Hải, phải di dời chăn nuôi ra khỏi TP theo lộ trình đã được UBND TP Biên Hòa ban hành. Song song đó, ngành thương mại phải quản lý chặt chẽ việc mua bán gia súc, gia cầm tại các chợ (thịt vào chợ phải có dấu kiểm soát của ngành thú y). Và quan trọng nhất vẫn là kêu gọi ý thức của người tiêu dùng.

“Từ đây đến Tết Nguyên đán, tình hình giết mổ lậu sẽ gia tăng. Chúng tôi đang lập kế hoạch phối hợp với công an, quản lý thị trường… tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình hình giết mổ”, ông Hải nói.

Hoàng Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.