Cuộc hội thảo diễn ra trong bối cảnh sau khi báo chí đưa tin Lâm Đồng sẽ “chặt trắng” 52 ngàn ha rừng thông để trồng rừng kinh tế, khiến người dân lo lắng, còn các nhà quản lý băn khoăn, e dè. Sở Nông nghiệp &PTNT Lâm Đồng cho biết Lâm Đồng hiện có trên 160 ngàn ha rừng thông, trong đó có 44.291 ha rừng trồng, độ che phủ của rừng đạt 62%.
Theo đề án từ nay đến năm 2020 Lâm Đồng sẽ lần lượt khai thác trắng 52 ngàn ha rừng thông (thuộc nhiều địa bàn), trung bình mỗi năm chặt 1400ha và sẽ trồng lại 2000ha/năm. Theo một số chuyên gia Lâm Nghiệp thì ở các nước Đức, Thụy Điển đã áp dụng việc chặt trắng rừng sau đó trồng lại rừng mới, tại Lâm Đồng từ năm 1984 đã thực hiện việc chuyển hóa rừng tự nhiên thành rừng trồng mang lai hiệu qủa kinh tế cao hơn.
Diện tích rừng trồng trong giai đọan 1976 đến 2007 đạt trung bình 1.300ha/năm. Tỉnh Lâm Đồng cho rằng đề án là bước đột phá nhằm thay đổi tư duy truyền thống trong quản lý và khai thác, sử dụng rừng thông vốn không mang lại hiệu qủa cao trong nhiều năm qua và đề nghị Bộ Nông nghiệp &PTNT quan tâm ủng hộ đề án này.
Tại cuộc hội thảo, GS-TS Nguyễn Ngọc Lung (Hội Lâm nghiệp Việt Nam) cho rằng: trước đây chúng ta quan tâm đến trữ lượng gỗ, còn bây giờ phải quan tâm đến môi trường, ông Lung cho biết ông đã từng ngăn chặn rất nhiều vụ “tai biến môi trường” do chặt rừng để trồng cao su ở các tỉnh Tây Nguyên, vì chặt rừng sẽ ảnh hưởng đến nước ngầm; nhưng ông lại ủng hộ Lâm Đồng chặt trắng rừng thông, sau đó “bồi bổ” đất trồng lại rừng mới mang lại hiệu qủa kinh tế tốt hơn.
Tiến sĩ Lương Văn Tiến (Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lâm Nghiệp đặt vấn đề: Dự án chưa nêu được tại sao đặt vấn đề chặt trắng rừng vào lúc này? Đầu ra cho sản phẩm rừng thế nào? Trước đây lâm nghiệp là thế mạnh của Lâm Đồng, phải chăng Lâm Đồng đang muốn lấy lại thế mạnh từ rừng bấy lâu bị lãng quên ? Ông Tiến nói: Chưa nói giải pháp thực hiện đề án thế nào nhưng phải làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, bất cứ làm gì liên quan đến rừng phải cho dân biết, cho chính quyền biết để họ giám sát. Bài học trồng cao su ở Tây Nguyên là một ví dụ.
Sau khi lắng nghe các nhà quản lý và các nhà khoa học nêu quan điểm xung quanh đề án, Thứ trưởng Hứa Đức Nhị vẫn tỏ ra lo lắng làm sao khi thực hiện đề án phải hạn chế tối đa việc tác động đến môi trường, bởi vì rừng thông cần từ 30-40 năm mới có thể tái tạo và đem lại hiệu qủa kinh tế. Mặt khác phải quan tâm và bảo đảm lợi ích của người dân thì đề án mới thành công.
Bài ảnh: Lâm Viên
Bình luận (0)