Kinh hoàng với hoa quả đẹp

22/11/2008 10:54 GMT+7

Nhiều năm nay, trong khi vấn nạn hoa quả của Trung Quốc sử dụng thuốc kích thích, hóa chất bảo quản vẫn còn chưa được cơ quan nào làm sáng tỏ và luôn trở thành nỗi lo canh cánh cho hàng triệu người tiêu dùng thì mới đây, lại có thêm một thông tin làm nhiều người phải giật mình: ngay ở Hà Nội, có cả một làng chuyên buôn hoa quả và sử dụng một loại thuốc lạ để thúc hoa quả chín sớm. Sự thật ra sao?

Đột nhập làng thuốc ủ

Đó là làng Thu Quế thuộc thị trấn Phùng (Đan Phượng - Hà Nội), nơi có hàng trăm người đi buôn hoa quả. Thời gian gần đây, rất nhiều chị em buôn hoa quả ở khu vực nội thành Hà Nội rỉ tai nhau về một thứ thuốc “nhiệm màu” có thể làm cho tất cả các loại hoa quả xanh đều chín sớm và có màu vàng ruộm, đỏ bóng với mẫu mã đẹp bắt mắt chỉ sau 1 đêm ủ hóa chất ở làng Thu Quế.

Để rõ thực hư, chúng tôi đã tìm đến làng Thu Quế. Chị Thu, một người dân trong làng, tiết lộ: “Cứ chiều chiều, sau khi thu gom hoa quả ở các nơi về, bà con lại bắt đầu ủ hóa chất để có hoa quả chín mang đi bán vào sáng hôm sau. Phần lớn hoa quả được ủ thuốc ở đây là đu đủ và chuối xanh”.

Quy trình ủ hoa quả ở Thu Quế rất đơn giản: trước khi đưa hoa quả vào ủ, người dân phải bôi lên lớp vỏ một thứ dung dịch gọi là thuốc ủ. Sau đó xếp lại một chỗ và chỉ việc phủ lên trên lớp nylon, bao tải. Đến sáng hôm sau mở ra là có cả một đống chuối, đu đủ chín vàng ruộm, đều như chín cây, khách lạ mới nhìn qua là chỉ muốn ăn. Thế nhưng chị Thu bảo: “Người trong làng không ai dám ăn đâu, chỉ ủ chín xong mang đi để bán”.

Sau khi thúc chín ép xong, toàn bộ lượng hoa quả ở Thu Quế được chở về các chợ đầu mối rồi mới được các gánh hàng rong mang đi bán khắp nội thành Hà Nội.

Chúng tôi hỏi: “Tại sao khi ăn, không nhận ra mùi vị của loại thuốc ủ?”. Chị bảo: “Không thể nhận ra mùi vị thuốc ủ được vì khi ủ, bà con chỉ bôi ở ngoài vỏ một lớp dung dịch và chỉ cần qua 1 đêm là đã làm cho quả chín rất nhanh nên hầu như không để lại những dấu vết nếu chỉ nhìn bằng mắt thường”. Chị còn tiết lộ: “Loại thuốc này còn có đặc điểm rất đặc biệt là có thể thúc cho quả chín đỏ mà cuống và lá vẫn còn tươi nguyên như vừa bứt trên cây xuống”.

Cả làng Thu Quế có hơn 200 nóc nhà thì khoảng một nửa đều buôn hoa quả và hầu như cơ sở nào cũng phải sử dụng thuốc ủ. Khi thu gom hoa quả ở khắp các tỉnh về, do đường xa, lại để lâu nên hầu như họ đều phải trẩy quả xanh.

Để được giá, có mã đẹp và chín đều thì buộc phải dùng thuốc để thúc chín. Và để đáp ứng nhu cầu “phù phép” hoa quả, ngay tại làng Thu Quế và dọc quốc lộ 32 đã mọc lên nhan nhản các cửa hiệu kinh doanh thuốc ủ. Ban đầu, các cửa hiệu đều kinh doanh bí mật. Nhưng sau cũng chẳng có cơ quan nào đến kiểm tra, ngăn chặn nên họ buôn bán gần như công khai.

Chúng tôi tìm vào cơ sở kinh doanh hoa quả của chị Lan để dò hỏi về loại thuốc mà người dân ở đây đang sử dụng. Chị vô tư chỉ ra đầu làng, bảo: “Các anh cứ ra bất cứ hiệu thuốc trừ sâu, phân đạm nào cũng có bán thuốc ủ”.

Chúng tôi trở ra một đại lý kinh doanh thuốc trừ sâu kèm phân đạm ở đầu làng (không có biển hiệu). Khi được hỏi mua loại thuốc ủ chín hoa quả, ông chủ hồ hởi: “Bao nhiêu cũng có. Giá rẻ như bèo: 800 đồng/lọ”.

Tôi hỏi mua khoảng vài chục lọ, ông chủ ngạc nhiên: “Vài chục lọ thì dùng cả năm chưa hết. Cứ lấy thử 10 lọ về dùng đã. Cứ mỗi lọ pha khoảng 2 - 3 lít nước. Khi dùng thì nhớ phải đeo găng tay và dùng chổi lông thấm vào dung dịch rồi quét nhẹ lên vỏ quả. Tuyệt đối không được để dung dịch rớt vào da, rất nguy hiểm”.

Trên tay tôi là loại thuốc ủ hoa quả mà bao bì ghi là “Ethrel”. Phía dưới in dòng chữ do Công ty Hữu hạn Hóa chất Phùng Xuân, Quảng Tây, Trung Quốc sản xuất. Theo căn cứ trên có thể đoán xuất xứ là của Trung Quốc.

Thế nhưng tiếng Trung in lẫn với cả tiếng Việt và sai chính tả. Phía sau là những dòng quảng cáo theo kiểu đây là một loại “thuốc màu nhiệm” để biến quả xanh thành chín, dùng cho tất cả các loại táo, cam, quýt, đào, lê... Đáng lưu ý, ngoài bao bì của thuốc có ghi rõ, loại thuốc này có thể thông qua lá cây hoặc vỏ cây ngấm vào thân thực vật...

Mặc dù ngoài bao bì ghi là “ít độc” nhưng lại lưu ý người dùng “chất này có thể ăn mòn kim loại, kích thích da và mắt, không tiếp xúc trực tiếp”.

Cơ quan chuyên môn bó tay?

Để tìm hiểu rõ hơn về loại thuốc ủ kể trên, chúng tôi đã mang mẫu thu thập được đến nhờ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) kiểm tra. Ông Trịnh Công Toản - Chánh thanh tra Cục Bảo vệ thực vật - khẳng định ngay: “Loại thuốc này nằm ngoài danh mục các loại thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng ở Việt Nam”.

Theo ông Toản, khoảng 3 - 4 tháng trước đây, cục đã mang loại thuốc này đi giám định nhưng không phân tích được, bởi do là hàng nhập lậu, ngoài bao bì không có thành phần các hoạt chất được sử dụng nên không thể phân tích ra trong thuốc trên có những hoạt chất gì, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng như thế nào (!?).

Ông Toản cũng cho biết thêm: “Từ đầu năm 2008, thuốc điều hòa sinh trưởng nhập lậu từ Trung Quốc lại rộ lên ở khu vực Hà Nội. Mặc dù chúng tôi đã chỉ đạo các chi cục kiểm tra gắt gao và phối hợp với PC36 Bộ Công an để điều tra trên địa bàn tỉnh Hà Tây cũ nhưng cũng không mang lại kết quả, do Ethrel là một loại thuốc điều hòa sinh trưởng được vận chuyển lậu qua đường biên giới nên rất khó kiểm soát.

Trong khi đó, theo một chuyên gia trong lĩnh vực phân tích các thành phần thuốc bảo vệ thực vật thì loại thuốc thúc chín hoa quả có thành phần chính là “Ethrel”. Đây là hoạt chất chỉ được phép sử dụng để kích thích mủ cao su.

Đặc biệt, hoạt chất “Ethrel” hay “Ethenol” đều có chung gốc là “Etylen” là một loại chất độc, hàm lượng cho phép sử dụng rất nhỏ. Ở nhiều nước trên thế giới, chất này đã bị cấm sử dụng trong việc chế biến, bảo quản trái cây. Nếu phun hoặc nhúng hoa quả vào chất này sẽ tạo ra dư lượng, dễ gây ngộ độc cho người ăn.

Theo Văn Phúc Hậu / Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.