Truyền nhân ca trù

22/11/2008 11:53 GMT+7

Một thời gian dài, ca nương (người hát) bị đánh đồng với đào rượu (người tiếp rượu), nghệ thuật ca trù bị rơi vào mặc cảm, lãng quên. Nhưng nay ca trù đang tìm lại sức sống mãnh liệt

CLB Ca trù Thăng Long là một trong những CLB có tuổi đời trẻ nhất trong số 6-7 CLB ca trù gây được tiếng vang ở Hà Nội hiện nay. Người sáng lập ra CLB ấy cũng là một người phụ nữ còn rất trẻ- chị Phạm Thị Huệ (giảng viên Khoa m nhạc truyền thống Học viện m nhạc Quốc gia).

Những truyền nhân mai danh ẩn tích

Người thầy đầu tiên mà chị Huệ gặp là nghệ nhân Phó Thị Kim Đức, một ca nương nổi tiếng đã bước vào tuổi tám mươi. Bà Đức là người đầu tiên truyền cho chị niềm cảm hứng với ca trù, nhưng khi chị đến xin làm học trò thì bà đã có học trò chân truyền. Cảm kích trước tinh thần ham học và say mê ca trù của chị, bà vẫn truyền cho những kỹ thuật thanh nhạc cơ bản nhất.

Sau đó, chị Huệ còn tìm đến hai người thầy là cụ Nguyễn Phú Đẹ và cụ Nguyễn Thị Chúc. Khả năng thiên bẩm về ca trù của chị được phát lộ khi gặp hai cụ. Chị kể: “Các cụ đều là những danh ca, danh cầm mai danh ẩn tích. Không ai muốn nhắc lại quá khứ vì vẫn còn những người có cái nhìn chưa thiện cảm về nghề đào nương, kép đàn”. Ngay thời điểm ban đầu khi chị Huệ mới tìm đến cụ Đẹ và cụ Chúc, hai cụ cũng chưa đồng ý dạy ngay mà đặt ra một quãng thời gian thử thách. Trong suốt thời gian thử thách, chị Huệ đã nhiều lần đến thăm các cụ, tâm sự về ước mơ của chị với ca trù. Các cụ cũng kể cho chị nghe nhiều giai thoại về bộ môn nghệ thuật này, đời sống và những bước thăng trầm của nó. Dần dần, chị trở thành một người bạn nhỏ của các cụ lúc nào không hay. Kỹ thuật thanh nhạc do cụ Chúc truyền dạy, còn khả năng chơi đàn đáy chị được học từ cụ Đẹ. Đến năm 2006, chị được làm lễ mở xiêm y (tương đương với lễ tốt nghiệp) trong môn nghệ thuật này. Chị Huệ đến với ca trù muộn hơn nhiều nghệ sĩ khác nhưng trong chị lại ấp ủ ước mơ phổ biến rộng rãi môn nghệ thuật này.

Cả nhà cùng học

Sau khi học được kỹ thuật thanh nhạc, khả năng chơi đàn và gõ phách thành thục, chị Huệ đi sâu tìm hiểu và phát hiện những lớp trầm tích văn hóa ẩn giấu trong môn nghệ thuật tưởng như đã bị thất truyền. Chị nảy ra ý định truyền dạy ca trù cho lớp trẻ, trước tiên là những người trong gia đình chị, sau đó là những học trò của chị ở nhạc viện. Mỗi khi chị đón cụ Đẹ và cụ Chúc về nhà, em gái và con gái chị cũng ngồi nghe và học cách hát, cách gõ phách theo các nghệ nhân. Thậm chí, bố chị thấy các con cháu ham mê cũng học cách cầm trống chầu, gõ phách. CLB Ca trù Thăng Long do chị đứng ra thành lập từ năm 2006 ban đầu chỉ có 3 thành viên, đến nay đã có 20 người. Các ca nương, đào đàn của CLB này đều còn rất trẻ, họ đều ở lứa tuổi mười tám, đôi mươi.

Chị Huệ không chỉ là một trong số rất ít những nghệ sĩ vừa có thể hát vừa có thể chơi đàn, gõ phách mà chị còn đưa ca trù trở lại không gian vốn thuộc về nó. Đó là đình làng. Đình làng Cống Vị (518 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) là địa điểm sinh hoạt của CLB Ca trù Thăng Long, cũng là nơi mà tất cả mọi người có thể tham gia những buổi ca hát, cùng đắm mình vào niềm đam mê ca trù.

 

Chị Phạm Thị Huệ đang hướng dẫn cho con gái mới lên 9 tuổi học ca trù 

Trở lại sau nửa thế kỷ quên lãng

Ca trù đã xuất hiện từ thế kỷ thứ 14-15, nhưng suốt 50 năm kể từ sau khi miền Bắc được giải phóng, ca trù gần như bị thất truyền bởi cái kiếp cô đầu, con hát bị dư luận nhìn bằng những con mắt không mấy thiện cảm. Phố Khâm Thiên (Hà Nội) trước đây được mệnh danh là phố cô đầu. Nhắc đến con phố này cho đến tận hôm nay, nhiều đào nương, kép đàn đã từng sống ở cái thời hát ả đào hưng thịnh còn nhớ nhiều kỷ niệm. Hát ả đào thời ấy phổ biến tới mức nó trở thành một nghề hốt bạc với những gia đình có tổ chức hoạt động kinh doanh. Rồi khi hát ả đào phát triển quá mức, người ta đã lợi dụng biến hát ả đào thành một trò tiêu khiển có pha tạp cả những hình thức ăn chơi của giới thượng lưu, kết hợp với uống rượu, hút cần sa, có gái đẹp phục vụ.

Mãi cho đến đầu những năm 90 của thể kỷ 20, ca trù mới được những nhà nghiên cứu văn hóa dân gian tìm lại. Ca trù có nhiều tên gọi khác nhau: hát cửa quyền, hát cửa đình, hát nhà tơ, hát ả đào với nhiều hình thức diễn xướng. Bốn, năm thập kỷ trước, những người gắn bó với ca trù mai danh ẩn tích nhưng họ không quên nghề mà vẫn lưu giữ bằng những cách của riêng mình. Như nghệ nhân Phó Thị Kim Đức, một thời gian dài chuyển sang hát chèo, khi cái nhìn của xã hội với ca trù đã cởi mở hơn thì cụ quay lại truyền dạy cho học trò những gì tinh túy nhất mà cụ còn lưu giữ. Thỉnh thoảng gặp những người bạn tri âm, cụ Chúc lại hát cùng họ mà chẳng cần đàn, cần phách. Con cháu họ cũng không hề hay biết rằng mẹ họ, bà họ là những nghệ sĩ hát ca trù. 50 năm ca trù bị chôn vùi trong mặc cảm. Bây giờ là lúc ca trù may mắn được lớp trẻ đón nhận. Rất nhiều người tâm huyết với bộ môn nghệ thuật này đã và đang tìm cách gây dựng lại. Thanh thế của ca trù đã và đang lớn mạnh.

Một ngày nào đó khi ca trù chính thức trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đang làm hồ sơ đề nghị UNESCO xem xét) thì đó là một niềm vui vô bờ bến đối với những “tín đồ” của ca trù. N

“Con đường đưa tôi đến với ca trù thật tình cờ. trong trường tôi là học sinh tỳ bà của cô Phạm Thị Huệ, cô đã giới thiệu tôi đến nghe một buổi sinh hoạt của CLB. Trước kia, khi chỉ biết ca trù qua báo, đài hay tivi, tôi không hiểu về giai điệu hay những lời ca của môn nghệ thuật này, lúc đó trong thâm tâm tôi vẫn nghĩ rằng ca trù chỉ dành cho những người lớn tuổi. Nhưng khi được dự buổi sinh hoạt của CLB tôi mới nhận thấy rằng không phải như vậy. những ca nương mà tôi được nghe hát vẫn còn rất trẻ, thậm chí còn ít tuổi hơn tôi rất nhiều, đặc biệt là bé Huệ Phương, con gái của cô Huệ, em mới 9 tuổi nhưng khi nghe em hát và gõ phách tôi không khỏi bất ngờ. Và bây giờ tôi đã trở thành một thành viên của CLB, mong muốn của tôi là trở thành một ca nương hát ca trù thật hay và cùng các thành viên khác gìn giữ và phát huy bộ môn nghệ thuật truyền thống này”- ca nương trẻ Nguyễn Như Mai kể.

Theo Mạnh Duy / NLĐ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.