Đâu rồi Sao la ?

22/11/2008 21:56 GMT+7

Sao la (tên khoa học: Pseudoryx nghetinbensis) là loài động vật được phát hiện trong thập niên cuối cùng của thế kỷ 20, gây kinh ngạc cho giới nghiên cứu bảo tồn thiên nhiên trên toàn thế giới. Sau những phát hiện kỳ thú ấy, loài động vật được xem như linh hồn của dãy Trường Sơn (miền Trung, Việt Nam) trên giờ đây đã bặt tăm, dù nhiều năm qua các nhà khoa học đã bỏ không ít công sức để tìm kiếm.

Phát hiện kỳ thú

Các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện một loài thú mới là Sao la (Pseudoryx nghetinbensis) vào năm 1992, tại xã vùng núi Vũ Quang (Hà Tĩnh). Nhưng các phát hiện này chỉ thông qua tiêu bản sừng, sọ... được tìm thấy trong các gia đình thợ săn chứ chưa ghi nhận đầy đủ về Sao la đang sinh sống ngoài tự nhiên. Năm 1996, tại các huyện Nam Đông, A Lưới, Hương Trà, Hương Thủy - tỉnh Thừa Thiên-Huế, nhiều mẫu vật của loài động vật quý hiếm này đã được tìm thấy. Sau những phát hiện thú vị này, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã mở một chiến dịch truyền thông rộng rãi và chỉ trong vòng 2 năm (1998-1999) đã có 3 lần người dân địa phương phát hiện và cung cấp thông tin về Sao la cho ngành kiểm lâm. Tháng 1.1998, lần đầu tiên loài vật này được ghi nhận đầy đủ “bằng xương bằng thịt” từ một con Sao la đực bị chó nhà săn đuổi từ núi Rệ chạy lạc về tới thôn Hộ (xã Dương Hòa, huyện Hương Thủy) và người dân địa phương đã bắt được. Đó là một chú Sao la đực trưởng thành, có trọng lượng 52 kg. Chú Sao la này đã chết trước khi các cán bộ kiểm lâm kịp có mặt (hiện tiêu bản vẫn còn ở Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên-Huế). Tiếp đến, ngày 28.5.1998, một số em học sinh thuộc xã A Roàng (huyện A Lưới) trên đường đi thăm bẫy, đàn chó đã phát hiện, bao vây và bắt được thêm một chú Sao la cái đang mang thai, có trọng lượng từ 70-80 kg. Sau khi đã ghi nhận toàn bộ hình ảnh, đoàn công tác đã quyết định thả chú Sao la về lại với thiên nhiên. Ngày 6.8.1999, anh Nguyễn Văn Hinh (ở thôn 4, xã Hồng Tiến, huyện Hương Trà) đã bắt được thêm một chú Sao la con (chưa rụng rốn) có trọng lượng khoảng 8-10 kg, trong khi đi làm mây tại bản Bụt (xã Hương Nguyên cũ). Sau khi tiếp nhận, Chi cục Kiểm lâm đã chuyển giao chú Sao la trên cho Vườn quốc gia Bạch Mã, nhưng do còn quá non chú Sao la này đã chết sau đó 8 ngày. Chính con Sao la này đã được Viện Công nghệ sinh học - Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia lấy mẫu để phục vụ nghiên cứu. Sau những lần phát hiện này, từ năm 1998-2000, được sự hỗ trợ kỹ thuật của Quỹ bảo tồn thiên nhiên (WWF) - Chương trình Đông Dương, các đợt khảo sát tiếp tục được thực hiện nhằm lập bản đồ vùng phân bố Sao la tại Thừa Thiên-Huế. Sau quá trình nguyên cứu, các nhà khoa học đã phân định được vùng cư trú của Sao la với số lượng cá thể ước tính khoảng từ 120 - 150 con, sống tập trung, chủ yếu tại các khu vực khe suối thuộc thượng nguồn sông Hương, sông Bồ, trong một vùng tự nhiên rộng lớn khoảng 58.000 ha. Việc phát hiện Sao la, một loài đặc hữu có mặt tại Việt Nam, đã bổ sung thêm một loài mới vào danh mục động vật hoang dã của thế giới vào cuối thế kỷ 20.

 

Sao la được ghi hình

Sự biến mất kỳ lạ

Báo cáo khoa học về khu hệ thú vùng cảnh quan Hành lang xanh (phạm vi từ Vườn quốc gia Bạch Mã đến Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền), thuộc dự án Hành lang xanh tại Thừa Thiên-Huế được công bố mới đây cho biết, từ mốc thời gian ghi nhận dấu tích của Sao la lần cuối cùng qua dấu chân và dấu ăn ngày 8.3.2006, tại địa điểm Trại 1 xã Hương Nguyên (huyện A Lưới, Thừa Thiên-Huế), đến nay các nhà khoa học đã không còn tìm thấy dấu tích Sao la trong tự nhiên thuộc địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Các nhà khoa học về nghiên cứu đa dạng sinh học đã thực hiện nhiều nỗ lực như đặt bẫy ảnh, phỏng vấn người dân địa phương và tìm kiếm dấu vết trong tự nhiên, nhưng đến nay vẫn chưa ghi nhận được dấu vết Sao la. Vùng rừng già nguyên sinh thuộc khu vực A Roàng, trước đây từng được ghi nhận bằng phim và xem như là vùng sinh cư của Sao la hiện nay vẫn không tìm thấy chúng.

Hiện UBND tỉnh Thừa Thiên -Huế cũng đã đồng ý giao cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh xúc tiến dự án thành lập Khu bảo tồn Sao la, tại xã Hương Nguyên (huyện A Lưới) và xã Thượng Quảng (huyện Nam Đông) với tổng diện tích là 12.153 ha, gồm 11 tiểu khu, trong đó, khu bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích 8.206 ha; và vùng đệm  diện tích 16.574 ha, thuộc địa bàn 4 xã: A Roàng, Hương Nguyên (huyện A Lưới); Thượng Quảng (huyện Nam Đông); Dương Hòa (huyện Hương Thủy).

Mối đe dọa lớn đối với loài Sao la chính ở do nạn săn bắn và bẫy thú bừa bãi khó kiểm soát hiện nay. Những nỗ lực không mệt mỏi của các nhà khoa học và cả của chính quyền địa phương dường như vẫn chưa thể làm loài động vật này an tâm xuất đầu lộ diện.

Bùi Ngọc Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.