Hàng Tết đã sẵn sàng

23/11/2008 21:48 GMT+7

Các doanh nghiệp (DN) đã chuẩn bị đưa hàng hóa phục vụ Tết Kỷ Sửu 2009 ra thị trường. Dự báo mức tiêu thụ nhiều ngành hàng không cao trong dịp Tết này.

Lo sức mua yếu

Giá nhiều loại thực phẩm như thủy hải sản, thịt heo, thịt bò... đã giảm mạnh trong hai tháng qua. Điều này dễ hiểu vì giá nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành hàng, giá xăng dầu trên thế giới giảm mạnh. Hơn nữa, sức tiêu thụ hiện nay cũng không cao do khó khăn chung về kinh tế. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc Công ty kinh doanh thủy hải sản TP.HCM, nhận định mức tiêu thụ sản phẩm hiện giảm khoảng 10% so với những tháng đầu năm. Công ty chỉ dự kiến tiêu thụ dịp Tết 2009 chỉ tăng từ 5 - 10% so với hiện nay. “Giá cả sẽ khó dự báo, tuy nhiên cũng sẽ không tăng nhiều so với hiện nay vì sức tiêu thụ khá thấp” - ông Nguyễn Thanh Sơn nói.

Còn ông Bùi Duy Đức, Tổng giám đốc Công ty Vissan cho biết, đến lúc này Vissan đã hoàn tất kế hoạch Tết, đảm bảo đủ hàng hóa, sản phẩm cung ứng cho thị trường. Do đã chuẩn bị khá sớm trong việc dự trữ hàng hóa, giá các loại sản phẩm nói chung của Vissan trong dịp Tết sẽ giảm từ 5% - 10% tùy loại. Theo ông Đức, mùa Tết năm nay có nhiều khó khăn hơn như lạm phát vẫn còn; tăng trưởng kinh tế giảm nên ảnh hưởng tới sức cầu, tuy nhiên kế hoạch cung ứng hàng Tết của Vissan vẫn tăng 15% so với năm trước. Vissan cũng lên kế hoạch ứng phó sẵn sàng trong trường hợp thị trường biến động (tăng cầu đột ngột) trước, trong và sau Tết.

 
Công ty Ba Huân, một trong 9 doanh nghiệp tham gia bình ổn giá dịp Tết Kỷ Sửu
Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ của ngành nước giải khát lại không sụt giảm. Công ty cổ phần nước giải khát Sài Gòn (Tribeco) có kế hoạch sản xuất 1 triệu thùng sản phẩm các loại cho mùa Tết 2009 (không tính các sản phẩm bình thường), tương đương dịp Tết năm trước. Từ đầu tháng 11, Tribeco bắt đầu trưng bày hàng Tết tại các cửa hàng, siêu thị... Theo ông Nguyễn Tri Bổng, Phó tổng giám đốc Tribeco, giá sản phẩm nước uống dịp Tết Kỷ Sửu sẽ tăng khoảng 10 - 15% so với Tết năm trước. Đây là mức giá bán đã được điều chỉnh tăng từ giữa năm 2008 do biến động về giá dầu và tỷ giá ngoại tệ.

Bên cạnh nhu cầu tiêu thụ giảm sút, nhiều công ty còn gặp khó khăn về nguồn vốn lưu động. Do đó kế hoạch trữ hàng cho dịp Tết Kỷ Sửu được nhiều công ty tính toán chặt chẽ, đặc biệt giảm lượng hàng tồn kho đến mức tối thiểu để giảm chi phí vốn. Tuy nhiên, hàng hóa sẽ vẫn đảm bảo cung ứng đầy đủ cho nhu cầu của người tiêu dùng trong nước bất kể thời gian nào.

Bánh kẹo Tết: Cơ hội trong khó khăn

UBND TP.HCM đã chấp thuận chi 409 tỉ đồng theo kế hoạch của Sở Công thương để hỗ trợ bình ổn giá dịp Tết Kỷ Sửu 2009. Việc bình ổn giá vẫn tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm chế biến, đường, dầu ăn, thịt gia súc, gia cầm, gạo... 9 DN được giao nhiệm vụ tham gia bình ổn sẽ được vay vốn với lãi suất 0%. Đó là Tổng công ty Thương mại Sài Gòn, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM, Công ty cổ phần công nghệ thực phẩm Sài Gòn, Công ty TNHH Huỳnh Gia Huynh Đệ, Công ty TNHH Ba Huân, Công ty TNHH Phú An Sinh, Công ty cổ phần đầu tư Vinh Phát và Công ty lương thực thành phố.

M.P

Các DN bánh kẹo đang đối mặt với nhiều khó khăn: Nguyên liệu làm bao bì tăng rất mạnh, giá hộp thiếc tăng tới 50% so với năm 2007 (giá hộp thiếc 700 gr năm 2007 là 12.350 đồng/hộp, năm 2008 là 19.250 đồng/hộp), giá hộp giấy cũng tăng khoảng 12% so với năm trước; một số loại nguyên liệu cũng tăng mạnh... nhưng giá bán lại không thể tăng tương đương do sức tiêu thụ năm nay giảm sút.

Dù vậy, vào những tháng cuối năm, ngành bánh kẹo cũng có thuận lợi “trời cho”. Cụ thể, hằng năm, lượng bánh nhập từ Malaysia về Việt Nam lên đến hàng ngàn tấn. Tuy nhiên, do một số loại bánh có xuất xứ từ Malaysia bị phát hiện nhiễm melamine trong thời gian qua nên người tiêu dùng có tâm lý e dè trước những sản phẩm có xuất xứ từ nước này. Chủ một công ty thường nhập bánh từ Malaysia cho biết, cuối năm 2007, công ty chị nhập 600.000 USD bánh từ Malaysia nhưng hàng Tết năm nay không nhập một đồng nào. Các loại bánh kẹo nhập khẩu từ Trung Quốc cũng gặp tình trạng tương tự. Tình hình này đang mở ra cơ hội lớn cho các DN bánh kẹo. Ông Phạm Ngọc Châu, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Hanco (Hancofood), cho biết, dự kiến sản lượng bánh kẹo cho đợt Tết năm nay của Hancofood khoảng 400 tấn, bao gồm các loại bánh crackers, butter cookies, biscuits và bánh gạo. Công ty cổ phần bánh kẹo Biên Hòa (Bibica) cũng chuẩn bị nguồn sản phẩm cho dịp Tết 2009 gồm 4.500 tấn bánh kẹo các loại, tăng 20% so với Tết 2008.

Ông Phan Văn Thiện - Phó tổng giám đốc Bibica đánh giá đây là cơ hội cho ngành bánh kẹo trong nước gia tăng thị phần. Đặc biệt Bibica tăng sản xuất dòng sản phẩm cấp cao với chất lượng và bao bì đa dạng hơn. Đây là phân khúc sản phẩm được tiêu thụ khá mạnh vào dịp Tết và sản phẩm nhập khẩu luôn chiếm ưu thế trong những năm trước. “Nhiều sản phẩm bánh kẹo nhập khẩu có nhiễm melamine trong khi sản phẩm trong nước lại không bị, chứng tỏ chất lượng của sản phẩm nội rất tốt. Chúng tôi sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ châu u, có nguồn gốc rõ ràng nên hy vọng qua dịp này, người tiêu dùng trong nước sẽ không có tư tưởng phân biệt ngoại nội nữa” - ông Thiện nói.

Mai Phương - Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.