Kỳ 1: Gã khổng lồ - nhìn từ xa
Nước Mỹ, với diện tích gần 10 triệu km2 và một nền kinh tế khổng lồ, thực ra lớn hơn nhiều so với hình dung thông thường của chúng ta.
Lớn tới đâu?
Khi chiếc Boeing 747 của United Airlines vừa cất cánh khỏi sân bay Quốc tế Hồng Kông - điểm quá cảnh sau hành trình từ TP.HCM, tôi đã bắt đầu cảm nhận được nước Mỹ rộng lớn trước mặt. Phía bên kia đại dương bao la, phần lục địa chính của nước Mỹ nằm án ngữ một góc lớn trên màn hình hiển thị hành trình bay. Ngược lên phương bắc là tiểu bang Alaska rộng hơn cả Indonesia, đất nước có diện tích lớn nhất Đông Nam Á. Nằm giữa đại dương mênh mông là tiểu bang Hawaii gồm những hòn đảo lấm chấm xanh. Nhưng chưa hết, lác đác khắp nơi trên Thái Bình Dương còn có nhiều đảo, quần đảo là lãnh thổ của Mỹ. Phía trên cùng, án ngữ eo biển Bering thông từ Thái Bình Dương tới Bắc Băng Dương là quần đảo Aleutian, cánh tay vươn dài của tiểu bang Alaska. Xuống phía dưới là quần đảo Northern Mariana, nơi quân Nhật từng sử dụng làm căn cứ tấn công Trân Châu Cảng và Guam thời Thế chiến 2 để rồi sau đó trở thành một vùng lãnh thổ thuộc Mỹ. Chếch sang phía tây, gần với Philippines là đảo Guam. Xuôi xuống phía nam, ở trong vùng biển thuộc châu Đại Dương là quần đảo Samoa thuộc Mỹ. Người Mỹ còn cắm cờ chiếm giữ một số khu vực ở lục địa Nam Cực băng giá. Như vậy, ngoài phần lục địa chính ở Bắc Mỹ, tại vùng Thái Bình Dương, nước Mỹ còn có lãnh thổ nằm rải rác từ Bắc Cực tới Nam Cực. Ở Đại Tây Dương, họ cũng có những quần đảo trực thuộc tại biển Caribé như quần đảo Virgin, Puerto Rico...
New York - thành phố lớn nhất nước Mỹ - Ảnh: Đỗ Hùng |
Nước Mỹ, theo hình dung thông thường, gồm 50 tiểu bang và thủ đô Washington, D.C. Tuy nhiên, trên thực tế thì diện tích của nước Mỹ lớn hơn nhiều, với hàng trăm đảo ở Thái Bình Dương, nhiều đảo ở Đại Tây Dương, các vùng đất "cắm cờ" ở Nam cực. Nhưng vẫn chưa hết.
Sức mạnh tổng thể
Nước Mỹ rộng gần 10 triệu km2, dân hơn 300 triệu người. Những số liệu về diện tích, dân số dù lớn bao nhiêu cũng là hữu hạn. Sức mạnh tổng thể của Mỹ mới là điều đáng nói. Không kể những vùng đất thuộc quyền kiểm soát của Mỹ, họ còn có căn cứ quân sự khắp nơi trên thế giới, từ châu Mỹ, châu u, tới châu Á, châu Đại Dương. Các hoạt động quân sự của họ được tiến hành khắp nơi, thậm chí ngay cạnh biên giới cường quốc quân sự Nga. Tại Ấn Độ Dương, họ có Hạm đội 5 thường trực, kiểm soát cả khu vực Tây Nam Á và một phần Đông Phi. Tại Thái Bình Dương, tàu chiến Mỹ luôn lượn ngang lượn dọc, quân đội của họ còn hoạt động trên đất Nhật Bản, Hàn Quốc... Thế nên, mỗi khi ở đâu đó trên thế giới có chuyện lục đục, điều đầu tiên mà người ta nghĩ tới là phản ứng của Mỹ sẽ như thế nào. Mà không chỉ trên hành tinh này, tới cả những gì xảy ra ngoài vũ trụ bao la đôi khi dường như cũng là chuyện của người Mỹ. Chẳng hạn như hồi tháng 7.2005, họ đã bắn một phi đạn để nghiên cứu khả năng đẩy sao chổi Tempel tránh xa trái đất. Có thể chuyện này chỉ là trò chơi chính trị, nhưng nếu là thật thì xem ra cú "tung chưởng" của NASA có thể đã cứu cả nhân loại. Thế nên, ở đâu đó, có người nói rằng "Mỹ là cảnh sát của thế giới".
Ảnh hưởng về kinh tế cũng lớn không kém quân sự, an ninh và chính trị. Lúc yên bình thì có lẽ người ta ít suy ngẫm về ảnh hưởng kinh tế của Mỹ lên toàn thế giới, nhưng lúc xảy ra biến động như cơn bão tài chính hiện nay thì người ta mới thực sự thấy hết cái tầm quan trọng của Mỹ, như ai đó từng nói vui rằng "Khi Mỹ hắt hơi thì cả thế giới cảm cúm". Một vụ sụp đổ đâu đó trong thị trường tài chính Pháp, Đức, Nhật Bản..., không thể gây ra những xung chấn ở tầm toàn cầu lớn như một vụ sụp đổ ở Phố Wall. Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, khi thế giới ngày một phẳng đi như lập luận của nhà báo Thomas Friedman thì vai trò của nền kinh tế Mỹ đối với toàn cầu càng trở nên quan trọng hơn. Quy mô đồ sộ chính là yếu tố khiến nền kinh tế Mỹ đóng vai trò quan trọng nhất trên thế giới. Không tính cả nước Mỹ, chỉ xét riêng tiểu bang California nếu tách ra thành một nền kinh tế độc lập thì cũng đứng vào nhóm 10 cường quốc hàng đầu thế giới. Thành ra, mỗi một chuyện xảy ra ở nước Mỹ cũng đều khiến cả thế giới quan tâm. Không phải các nước quan tâm về Mỹ mà về chính bản thân họ.
Đỗ Hùng
Kỳ sau: Chuyện trên đồi Capitol
Bình luận (0)