Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc được xây dựng, đưa vào vận hành khai thác sẽ góp phần quan trọng vào sự phồn vinh, phát triển toàn diện của Phú Quốc, của Kiên Giang, của cả vùng và cả nước, đóng góp không chỉ cho lĩnh vực kinh tế mà còn tăng cường sức mạnh phòng thủ của quốc gia.
Phú Quốc là huyện đảo có diện tích và dân số lớn nhất trong 12 huyện đảo của nước ta, diện tích tương đương Singapore, có tiềm năng và lợi thế phát triển rất đa dạng.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt xây dựng Phú Quốc với mục tiêu trở thành một trung tâm du lịch, dịch vụ có chất lượng cao, đồng thời là trung tâm giao thương với các vùng trong nước, khu vực và quốc tế. Để đạt được mục tiêu đó, Phú Quốc phải xây dựng và phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, trước hết là sân bay quốc tế.
Thủ tướng nêu bật vai trò của cảng hàng không đối với sự phát triển của Phú Quốc: Nếu như không có sân bay hiện tại, Phú Quốc sẽ không có được như hôm nay, với 248.000 lượt khách du lịch/năm, phần lớn là khách nước ngoài. Vì vậy, việc xây dựng cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đáp ứng nhu cầu vận chuyển khoảng 3 triệu lượt khách/năm trong giai đoạn đầu là công trình có tính đột phá, để phát triển nhanh và toàn diện không chỉ cho Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang mà cho cả nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo UBND tỉnh Kiên Giang và UBND huyện Phú Quốc bổ sung hoàn thiện các quy hoạch của Phú Quốc, quản lý tốt quy hoạch và triển khai xây dựng khẩn trương các quy hoạch.
Trong vòng 3 - 5 năm tới, Phú Quốc phải có đầy đủ hệ thống hạ tầng như đường giao thông, cấp điện, cấp nước cho đảo, phải hoàn thành đồng bộ với dự án sân bay quốc tế.
Sân bay quốc tế Phú Quốc được xây dựng hoàn toàn mới (nằm trên địa bàn xã Dương Tơ, cách sân bay Phú Quốc hiện tại hơn 10 km) tiếp nhận được loại máy bay B777, B747-400 và tương đương.
Theo quy hoạch, đến năm 2020, sân bay quốc tế Phú Quốc có thể tiếp nhận được 10 máy bay trong giờ cao điểm, 2,65 triệu hành khách, 8.600 tấn hàng hóa quốc tế và 5.700 tấn hàng nội địa/năm; đến năm 2030 tiếp nhận được 20 máy bay trong giờ cao điểm, 7 triệu lượt khách/năm và 27.600 tấn hàng hóa/năm.
Tổng mức đầu tư đến năm 2020 khoảng hơn 8.000 tỉ đồng và đến năm 2030 trên 12.000 tỉ đồng. Dự án do Tổng công ty Cảng hàng không Miền Nam làm chủ đầu tư, là mô hình đầu tư dự án sân bay đầu tiên được triển khai tại Việt Nam theo hình thức sử dụng 100% vốn của doanh nghiệp để xây dựng sân bay với quy mô cảng hàng không quốc tế.
Chủ đầu tư đã ký hợp đồng tư vấn với nhà thầu liên danh CPG-PAE của Singapore và Mỹ (từng thiết kế các sân bay lớn như Changi (Singapore), Phố Đông - Thượng Hải và Côn Minh (Trung Quốc)… Nhà thầu thi công là Công ty xây dựng công trình Hàng không thuộc Quân chủng Phòng không Không quân (Bộ Quốc phòng).
Mai Vọng
Bình luận (0)