PV: Thưa ông, phải chăng đây là cách giải quyết vấn đề thiếu nhân sự trong công tác bảo vệ môi trường mà ngành môi trường đang vướng?
Ông Đào Anh Kiệt: Tôi không suy nghĩ phải tăng biên chế thì mới đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường, bởi tăng bao nhiêu cho đủ. Quan điểm của chúng tôi là phải tìm ra phương pháp làm việc phù hợp với tình hình thực tế. Hành vi gây ô nhiễm môi trường có thể xảy ra bất cứ ở đâu, bất cứ giờ nào và ai cũng có khả năng gây ô nhiễm môi trường.
Với kiểu “đánh du kích” thế này thì chỉ có tai mắt của toàn dân mới phát hiện hết được. Chính vì vậy, chúng tôi rất khuyến khích người dân tham gia phát hiện hành vi gây ô nhiễm môi trường. Hãy báo với chính quyền địa phương hoặc Sở TN-MT nếu bạn phát hiện ra các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Đây cũng là lúc mọi hành vi gây ô nhiễm môi trường cần được phát hiện và xử lý nghiêm, bởi qua rất nhiều phong trào bảo vệ môi trường như “Vì đường phố không rác”, “Ngày chủ nhật xanh”… người dân đã hiểu được như thế nào là việc gây ô nhiễm môi trường.
Không ít người dân đã phản ánh với chúng tôi: “Khi tố cáo hành vi gây ô nhiễm môi trường với quận thì quận chỉ lên Sở TN-MT, hoặc các sở, ngành khác. Người dân lên các cơ quan này thì các cơ quan đẩy lại cho huyện…”.
Hiện nay, hàng tháng Sở TN-MT đều có họp giao ban với quận, huyện và các cơ quan liên quan về tình hình môi trường thành phố. Mọi vướng mắc trong công tác phối hợp giữa các quận, huyện và sở, ngành đều được mổ xẻ trong các cuộc giao ban này. Chúng tôi đã họp như vậy được 2 lần rồi. Rất nhiều bất cập đã được giải quyết. Về cơ bản những tình huống không biết công việc của ai, đùn đẩy qua lại không còn nữa.
Ông có nghĩ rằng đó mới là cách giải quyết phần “ngọn” của vấn đề. Nghĩa là để hậu quả xảy ra rồi thì quận, huyện và sở ngành mới phối hợp xử lý?
°Trong khả năng của Sở TN-MT, chúng tôi đang có gắng “chuẩn” lại mọi vấn đề để từng bước triệt tiêu các nguồn gây ô nhiễm. Sự việc ở khu xử lý rác Đa Phước, huyện Bình Chánh là một ví dụ. Một trong những nguyên nhân mà người dân ở đây than phiền về mùi hôi của bãi rác bay sang nhà của họ, là bãi rác không có hàng cây xanh cách ly giữa bãi rác và khu dân cư theo quy định. Sở TN-MT đang phối hợp với huyện Bình Chánh để giải phóng mặt bằng khu vực này và cùng với chủ đầu tư bàn cách trồng cây xanh ở đây theo đúng quy định.
Hiện nay có rất nhiều nguồn gây ô nhiễm ngoài tầm quản lý của Sở TN-MT như việc mua bán đất xây nhà xưởng (có xả thải) trong khu dân cư quá dễ dàng ở huyện Củ Chi, xe phân khối lớn xả nhiều chất độc hại ra môi trường… Là cơ quan có trách nhiệm chính về bảo vệ môi trường, ông nghĩ sao về vấn đề này?
Với những tình huống ấy, chúng tôi sẽ có ý kiến với cơ quan chức năng để cùng có hướng giải quyết. Ví dụ như trong đợt góp ý sửa đổi Luật Đất đai vừa diễn ra, chúng tôi đã đề nghị cần có sự thống nhất giữa quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển đô thị cùng các quy hoạch phát triển của từng ngành. Làm được điều này thì sẽ không còn tình trạng trong khu dân cư mà mọc lên nhà máy, xí nghiệp.
Một câu hỏi cuối, ông có nghĩ rằng pháp luật về bảo vệ môi trường hiện nay chưa đủ để xử lý tất cả các vấn đề liên quan?
Tôi nghĩ, trước mắt mọi người, mọi ngành hãy cứ làm hết trách nhiệm của mình, cố gắng nhìn vào tình hình thực tế để tìm ra cách giải quyết vấn đề. Trong quá trình làm, thấy điều gì chưa hợp lý thì kiến nghị điều chỉnh.
Cảm ơn ông
Theo An Nhiên / SGGP
Bình luận (0)